Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Robot tự hành lớn nhất của Mỹ chuẩn bị thám hiểm Sao Hỏa

Golden Tide
5/8/2012 5:51Phản hồi: 8
Robot tự hành lớn nhất của Mỹ chuẩn bị thám hiểm Sao Hỏa
Sau hơn tám tháng du hành trong vũ trụ đầy bí hiểm, lặng lẽ vượt qua một hành trình dài gần 555 triệu km, phi thuyền chở robot thám hiểm tự hành mang tên Curiosity (tò mò) đang trên đường tiến vào quỹ đạo của Sao Hỏa. Theo đúng như kế hoạch, đến khoảng 15:35 (múi giờ EDT) ngày thứ Bảy, 4/8/2012 (tức 02:35 sáng ngày Chủ nhật 5/8/2012 tại Việt Nam), phi thuyền mang tên Mars Science Laboratory (Phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa) chỉ còn cách Sao Hỏa khoảng chừng 753.200 km. (Khoảng cách này chỉ ít hơn gấp hai lần khoảng cách từ Trái Đất lên Mặt Trăng.) Tốc độ di chuyển của phi thuyền MSL hiện chỉ còn 3.600 m/s, giảm từ tốc độ hành trình trên 5.900 m/s.





Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ, tức NASA, vừa công bố trong ngày rằng phi thuyền MSL đang bay đúng hướng đã định sẵn mà không cần phải điều chỉnh vận hành vào giờ chót. “Phi thuyền và toàn bộ các hệ thống lực đẩy, điều hòa nhiệt độ, áp xuất bên trong và thiết bị hỗ trợ đều lành mạnh và làm việc tốt, pin năng lượng đã nạp đầy đủ 100%, kể cả tín hiệu viễn thông, truyền tải dữ liệu vẫn hoạt động mạnh mẽ, lên đến 2000 bits/s.


Nếu không có gì trở ngại thì đúng 1:31 sáng (EDT) ngày thứ Hai, 6/8/2012 (12:31 trưa cùng ngày ở Việt Nam), chiếc robot tự hành Curiosity (rover) sẽ đáp xuống bề mặt của Sao Hỏa. (Thật ra việc đổ bộ sẽ xảy ra trước đó 13,8 phút, nhưng do tín hiệu radio phải mất ngần ấy thời gian để vượt 248 triệu km về đến Trái Đất.) NASA dự tính sẽ truyền đi rộng rãi sự kiện cuộc đổ bộ Hành tinh Đỏ trên màn hình LED khổng lồ tại công trường Times ở New York. Nếu bạn không có ở New York thì có thể theo dõi bằng live-stream qua trang web tại đây: http://mars.jpl.nasa.gov/msl/multimedia/nasatv/





8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Xem hành trình và hoạt động của phi thuyền MSL và Curiosity Rover trên Sao Hỏa qua phim hoạt hình bằng máy tính.

Mars Science Laboratory (Phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa) là một sứ mệnh của NASA nhằm đưa robot thám hiểm tự hành (rover) mang tên Curiosity lên Sao Hỏa. Mođun chứa Curiosity đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Atlas V-541 (AV-028) vào lúc 15:02:00 UTC ngày 26/11/2011. Theo kế hoạch, khoảng 5:31:00 UTC ngày 6/8/2012 Curiosity đổ bộ lên miệng núi lửa Gale (Gale Crater), về phí tây bắc của vùng tứ giác Aeolis (5°24′S 137°48′E.4°S 137.8°E.) Đây cũng sẽ là cuộc đổ bộ chính xác nhất từ trước tới nay lên Sao Hỏa.

Nhiệm vụ của Curiosity gồm có việc đánh giá khả năng ở được của Sao Hỏa, nghiên cứu khí hậu và địa chất của hành tinh này, và thu thập dữ liệu cho các sứ mệnh đưa người lên sau này.

Curiosity dài gấp hai và có khối lượng gấp 5 lần cặp robot song sinh SpiritOpportunity đã đến thám hiểm Sao Hỏa năm 2004. (Spirit đã chết máy từ năm 2010 và Opportunity vẫn còn hoạt động, mặc dù cả hai chiếc này chỉ được thiết kế để làm nhiệm vụ trong 92 ngày sau khi đổ bộ.) Với tổng khối lượng khoảng 900 kg, Curiosity cũng mang theo khối lượng các thiết bị khoa học nhiều hơn gấp 10 lần. Đặc biệt, khác với các chương trình Mars rover trước đó hay sử dụng năng lượng Mặt Trời, Curiosity còn được trang bị máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (Radioisotope Thermoelectric Generator – RTG). Nhà thầu chính của Curiosity là hai tập đoàn Boeing và Lockheed Martin.

Mars Science Laboratory là một phần của chương trình thám hiểm Sao Hỏa của NASA, là nỗ lực lâu dài sử dụng robot cho việc thám hiểm Hành tinh Đỏ, và dự án này do Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory) thuộc Học viện Công nghệ California (California Institute of Technology) quản lý. Tổng chi phí của dự án MSL là khoảng 2,5 tỷ USD.

Minh họa Mars Science Laboratory năm 2011:





Curiosity có tất cả 17 máy ghi hình đủ loại và các hệ thống phân tích dữ liệu khoa học cực kỳ hiện đại.


Curiosity trong giai đoạn lắp ráp hoàn chỉnh năm 2011.


3 thế hệ robot tự hành thám hiểm Sao Hỏa của NASA. Nhỏ nhất là Sojourner (1997), kế đó là Spirit/Opportunity (2004) và lớn nhất là Curiosity (2012).

nhìn con robot này lại nhớ đến wall E 😆
dù sao cũng là một bước tiến lớn để con ng tiếp cận với sao Hỏa nhiều hơn 😁


Lần đổ bộ lên Sao Hỏa này có nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến. Ngoài cái tấm chắn nhiệt (heat shield) cỡ lớn nhất từ trước giờ nhằm bảo vệ cho vỏ bọc không gian (capsule) trong giai đoạn xâm nhập khí quyển, còn có phương tiện trợ đáp robot Curiosity xuống bề mặt Hành tinh Đỏ. Phương tiện đó là Sky Crane, hoặc Cần cẩu... (ngoài) Trời.



Được trang bị 8 động cơ rocket có thể tự điều khiển bướm ga được, nhiệm vụ chính của Sky Crane là giúp Curiosity hạ an toàn xuống bề mặt hành tinh:

- Sau khi xâm nhập bầu khí quyển Sao Hỏa ở độ cao 125 km với tốc độ 21.240 km/h, hộp capsule phải chịu đựng nhiệt độ khủng khiếp, cao hơn 2000 độ C.

- Ở độ cao 11 km thì dù hãm đà bung ra, tốc độ rơi lúc này là 1.450 km/h.

- Vài chục giây sau, ở độ cao 8 km thì tấm chắn nhiệt tự tách riêng và rơi xa ra. Curiosity và Sky Crane vẫn còn nằm chặt trong phần lưng của capsule.

- Ở độ cao 1,6 km, phần lưng của capsule tách rời. Sky Crane trong trạng thái “ôm” Curiosity rơi ra ngoài. Tốc độ lúc này chỉ còn 290 km/h.

- Trong tíc tắc, tám động cơ rocket khởi động nhanh chóng hãm đà rơi xuống còn 2,75 km/h.

- Trong vòng 12 giây trước khi chạm đất, Sky Crane bắt đầu tự lèo lái đến chính xác tọa độ đã định, bung giây cáp treo Curiosity và thả xuống từ từ. Trong lúc này thì 6 bánh xe trên Curiosity cũng tự giãn ra chuẩn bị đáp.

- Sau khi các bánh xe của Curiosity chạm mặt đất Sao Hỏa, các dây cáp treo bị cắt đứt. Sky Crane tự động tăng tốc bay lên ra xa… rồi rơi xuống ở một nơi nào đó có khoảng cách an toàn.



Một người bình thường chơi bóng rỗ sẽ thấy việc thảy quả bóng rơi vào cái vòng cách có vài mét khó khăn như thế nào. Vậy mà người ta có thể thảy một "quả bóng" capsule lên không gian, đi tới một hành tinh cách Trái Đất trên 500 triệu km (tùy thời điểm) -khi nó liên tục di chuyển- rồi đáp xuống đúng tọa độ đã định sẵn. Nhiêu đó cũng là một kỳ công vĩ đại của con người.
Những bức ảnh đầu tiên chụp được sau khi đổ bộ:


Mắt trái phía trước


Mắt phải phía trước

Theo NASA giải thích thì 2 tấm ảnh này được chụp ở ¼ độ phân giải cao nhất, bằng ống kính gốc độ rộng “mắt cá” (“fisheye” lens) trên một trong các camera Hazard-Avoidance (tránh nguy hiểm) được trang bị cho robot Curiosity. Hai tấm ảnh này chụp từ cặp camera (con mắt trái và phải) đặt ngay chính giữa phía trước robot.

Trong ảnh ta có thể thấy lớp bụi mỏng vẫn còn phủ lấm tấm trên mặt ống kính và ở phía ngoài viền tròn là các hạt bụi lớn hơn. Bóng của robot thấy rõ trên mặt đất phía trước.

Theo kế hoạch, những tấm ảnh kỹ thuật đầu tiên được chụp ở độ phân giải thấp. Các hình ảnh lớn tốt hơn có màu được mong đợi sẽ có trong tuần này, sau khi cột buồm của robot có mang các camera độ phân giải cao được triển khai.

Dưới đây là 2 tấm ảnh chụp ở ¼ độ phân giải cao nhất, từ cặp camera Hazard-Avoidance đặt ở phía sau:


Mắt trái phía sau


Mắt phải phía sau


Dưới đây là “con mắt trái” phía sau chụp ở ½ độ phân giải cao nhất:



Có môt điều thú vị là trong lúcđang thả dù xuống bề mặt Sao Hỏa, vỏ bọc không gian chở Curiosity bị phát giác và chụp ảnh bởi Mars Reconnaissance Orbiter (Vệ tinh Trinh thám Sao Hỏa) lúc đó đang bay trong quỹ đạo Hành tinh Đỏ:



Mars Reconnaissance Orbiter là em này:
khoa học càng ngày càng phát triển @@
hi vọng sẽ tìm đc sự sống ở ngoài kia xD
Những hình ảnh toàn cảnh 360 độ đầu tiên do Curiosity chụp và chuyển về:








Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019