[Cá nhân] Samsung, Apple, câu chuyện bằng sáng chế Hoa Kỳ

hypous
28/8/2012 5:1Phản hồi: 19
[Cá nhân] Samsung, Apple, câu chuyện bằng sáng chế Hoa Kỳ
Có lẽ câu chuyện lớn nhất đang được bàn tán ở tinh tế trong thời gian vừa qua chính là về sự kiện tranh chấp pháp lý giữa Apple và Samsung và cũng vì chuyện này mà hòa khí trong diễn đàn không ít lần trở nên vô cùng căng thẳng. Một số bạn bè thắc mắc với mình về bằng sáng chế của Hoa Kỳ, điều đó có hợp lý không ? Sau một thời gian tìm tòi, mình mạn phép được viết bài này để cùng mọi người bàn luận về câu hỏi đó. Do không phải chuyên môn về sở hữu trí tuệ, bài viết chắc chắn sẽ có những sai sót, mình đã chú thích nguồn những luận điểm của mình, mời anh em đọc và cho ý kiến.


Mình xin được trình bày những vấn đề sau :

-Tổng quát về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, mục đích của pháp luật bảo hộ.
-Lịch sử của quyền sở hữu trí tuệ và sự phát triển của bằng sáng chế phần mềm
-Nói riêng về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
-Tính hợp lý của bằng sáng chế về phần mềm của Hoa Kỳ.

-Nhắc lại về vụ việc giữa Apple vs Microsoft, một phán quyết khác giữa Apple và Samsung về bằng sáng chế. Câu hỏi của tương lai ?



1.Quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
Quyền sở hữu trí tuệ được xác lập chủ yếu dựa trên pháp luật quốc gia, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ ở các nước khác nhau, điều đó dẫn đến một bằng sáng chế có thể hợp pháp ở nước này, nhưng lại không hợp pháp ở nước kia, vì vậy việc tòa án ở mỗi nơi lại có phán quyết khác nhau là chuyện thông thường. Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ bảo vệ lợi ích của người phát minh và dung hòa với lợi ích phát triển cộng đồng, tranh chấp sẽ phát sinh khi cán cân này bị mất cân bằng.

Tuy nhiên, do đặc tính là tri thức nhân loại, có thể nói rằng ở hầu hết các nước, quyền mang tính chất quốc gia đó không chỉ tồn tại như một hệ quả của nội luật mà còn là các nghĩa vụ quốc tế đa phương, song phương hoặc khu vực. Ở một số hiệp hội khu vực như Liên minh châu Âu, pháp luật khu vực ví dụ như Hiệp ước về sáng chế toàn Euro(E.P.C)có thể có hiệu lực áp dụng trực tiếp tại các quốc gia hoặc có thể đặt ra các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ cho pháp luật quốc gia, và theo chiều ngược lại, một khi đã làm đúng theo pháp luật khu vực thì nghiễm nhiên một lệnh hợp pháp của tòa án quốc gia lại mang tính hợp pháp trên toàn khu vực. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy đôi khi tòa án ở Đức lại có thể đưa ra phán quyết cho toàn khu vực châu Âu.


2. Quyền sở hữu trí tuệ có từ bao giờ ?

Quyền sở hữu trí tuệ đã được biết tới từ thời La mã khi các nhà buôn Roman tạo thương hiệu cho mình và bảo vệ nó để tránh khỏi việc mất uy tín với người mua hàng. Tuy nhiên, pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ thực sự được coi trọng trong khoảng hơn 130 năm đổ về đây, kể từ khi có Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp được ra đời năm 1883 và Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886. Luật về bằng sáng chế liên quan đến phần mềm mới có tầm 30 năm trở lại đây, và thực sự nóng nhất trong khoảng thời gian Apple thúc đẩy việc kiện tụng các công ty đối thủ. Trong vòng 30 năm, số lượng bằng trong lĩnh vực sáng chế về phần mêm đã lên đến hàng trăm nghìn. Hàng năm, tính riêng tại Mỹ, số lượng bằng sáng chế về phần mềm được nộp lên tới 20.000, số bằng sáng chế được cấp hiện đã trên 200.000 bằng sáng chế.

Hoa kỳ là một đất nước đặc biệt, họ hầu như không thừa nhận pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ mà chỉ ngụ ý rằng họ đã chấp nhận chúng. Trên thế giới, sự xung đột pháp luật về nền sở hữu trí tuệ giữa các nước chủ yếu diễn ra xung quanh Hoa Kỳ. Điển hình như vụ tranh chấp về thời hạn bảo hộ sáng chế giữa Hoa Kỳ và Canada năm 2000 khi thời hạn bảo hộ của Canada ít hơn của Hoa Kỳ dẫn đến các công ty Hoa Kỳ nộp đơn bên Canada được bảo hộ ngặn hớn; tranh chấp giữa EC và Hoa Kỳ về Điều 110(5) Luật bản quyền Hoa Kỳ; tranh chấp giữa EC và Hoa Kỳ về điều 211 Đạo luật Omnibus Appropriations 1998 vào năm 2002 liên quan tới việc trừng phạt kinh tế Cuba trái với pháp luật quốc tế … Mình nói điều này để các bạn hình dung ra phần nào về Hoa Kỳ, đó là đất nước của kinh tế, các quyền lợi kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu

Quảng cáo




3. Pháp luật về bằng sáng chế của Mỹ:
Sau phần mở đầu tổng quát, chúng ta bắt đầu đi vào thêm một chút về luật bằng sáng chế nói riêng của Hoa Kỳ. Theo pháp luật Mỹ một bằng sáng chế là một quyền sở hữu trí tuệ được cấp bởi chính phủ Hoa Kỳ cho người sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng cần có tính mới, tính không hiển nhiên và tính hữu dụng. Chúng ta có thể so sánh với các đặc tính của pháp luật về sáng chế của châu Âu, điểm khác biệt dễ thấy là yêu cầu về bằng sáng chế của châu Âu đề cao tính sáng tạo, khắt khe và chặt chẽ hơn Hoa Kỳ, dẫn đến việc từ trước tới nay người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế thường hay nộp tại Hòa Kỳ trước khi nộp sang EU.

Hoa Kỳ​
  • Hữu dụng (useful)
  • Tính mới(new)
  • Tính không hiển nhiên(Unobivious)
Châu Âu​
  • Áp dụng trong công nghiệp(Industrial applicability)
  • Tính mới(Novelty)
  • Tính sáng tạo(Inventive step)
  • Đặc tính kỹ thuật(Technical character)
Cho tới hiện giờ, hệ thống cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ vẫn đi theo dạng “First to inventor” nghĩa là ai là người phát minh đầu tiên thì có thể sở hữu bằng sáng chế và thời hạn cấp bằng sáng chế là 3 năm. Sang đến năm 2013, dưới sắc lệnh mới của tổng thống Obama, Hoa Kỳ sẽ chuyển dịch sang dạng thức “First to File”, nghĩa là người nộp đơn đầu tiên sẽ là người sở hữu tấm bằng sáng chế đó, thời hạn cấp bằng giảm xuống còn 1 năm.(Tham khảo tại đây) Vì vậy bạn nào nói Apple nhanh chân đi đăng ký trước các công ty khác cũng đúng, mà cũng có sai. Hoa Kỳ tôn trọng những người phát minh đầu tiên, nhưng điều đó chỉ xảy ra trong quốc nội, nghĩa là người đầu tiên mang phát minh từ nước ngoài về thì vẫn được cấp phép sở hữu trí tuệ, và đạo luật Prior Art chính vì thế không áp dụng với các bằng sáng chế của nước ngoài. Điều này là do Hoa Kỳ có tính độc lập tương đối với hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế.

Chi phí cho một lần nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế thường là vài ngàn đô và nếu tính cả tiền chi cho văn phòng luật để nộp hộ thì có thể cao hơn kha khá. Vì thế, chi phí cũng là một rảo cản phần nào khiến cho một người không dư dả tự mình theo đuổi và đăng ký một bằng sáng chế.

4. Google với yêu cầu đổi mới về pháp luật sở hữu trí tụê
Gần đây, Google đã lên tiếng về việc muốn bác bỏ đi quyền sở hữu bằng sáng chế về phần mềm (Chi tiết có thể đọc thêm ở đây) và muốn thay thế chúng bằng một hệ thống có ích hơn đối với người dùng. Có lẽ ở đây vẫn có nhiều người chưa hiểu về hàm ý của Google về thứ mà họ muốn loại bỏ nên mình xin được phép đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

Như đã có nêu ở trên, bằng sáng chế của Hoa Kỳ được cấp dựa trên 3 đặc tính:

Quảng cáo


  • Tính mới(New): Chưa từng có bao giờ
  • Tính không hiển nhiên(Unobivious): Không phải tự nhiên mà có được
  • Tính hữu ích(Useful): Có liên quan tới hiệu năng sử dụng
Liệu 3 đặc tính trên có hợp lý khi lấy đó là tiêu chí để đánh giá việc cấp bằng sáng chế cho một phần mềm hay tính năng phần mềm. Theo hiểu biết của mình, chúng hình thành nên 2 sự băn khoăn như sau:

a. Sự bảo hộ không rõ ràng:


Thế giới ảo
Chúng ta vẫn thường gọi mảnh đất của phần mềm là thế giới ảo, chính vì là ảo, nên chúng có tính áp dụng rất cao trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Nếu ở thế giới thực, một vật chất cứng được cấu tạo từ các nguyên liệu khác nhau và cách sản xuất khác nhau với những mục đích, phân khúc khác nhau sẽ được phân biệt riêng ra; nhưng ở thế giới ảo, thứ mà chúng ta bảo hộ không đến từ gốc mà đến từ phần ngọn – điều mà chúng thể hiện ra. Tôi xin được lấy ví dụ minh họa để các bạn dễ hình dung:
  • Ví dụ 1: Bạn có một bằng sáng chế về một loại chai làm từ thủy tinh để đựng axit, một bạn khác có bằng sáng chế về một loại chai làm từ nhựa dùng để đựng nước thường. Kết quả 2 bạn có 2 bằng sáng chế khác nhau, không ai kiện ai.
  • Ví dụ 2: Bạn có một bằng sáng chế về tính năng tìm kiếm xuyên suốt trên MacOS, bạn lấy tính năng đó đi kiện tính năng tìm kiếm xuyên suốt được sử dụng trên điện thoại Android với lý do bằng sáng chế đó ảnh hưởng tới điện thoại iPhone.
Trong ví dụ trên, 2 loại chai cùng để đựng chất lỏng, nhưng được sử dụng trên những phân khúc khác nhau, với nguyên liệu và cách thức chế tạo khác nhau nên không xâm phạm đến nhau. Trong khi đó, tính năng tìm kiếm xuyên suốt mặc dù được viết trên iPhone với các hàm khác các hàm trên MacOS khác luôn với trên Android, nhưng vì thể hiện ra ngoài của chúng giống nhau, Apple vẫn có thể đưa một bằng sáng chế cho sản phẩm khác để nói về sự thiệt hại của mình. Như vậy, hiện tại các bằng sáng chế về phần mềm vô hình chung coi trọng hình thức thể hiện ra bên ngoài mà không quan trọng tới nội dung, điều này lại khiến người ta nghĩ đến quyền tác giả nhiều hơn. Tính mới, tính không hiển nhiên, tính là các tiêu chuẩn cơ bản được quy định để một bằng sáng chế hợp lệ, nhưng khi xảy ra tranh chấp lại chỉ hướng đến hình thức thể hiện thì liệu nó có hợp lý?

b. Sự bảo hộ tràn lan:
Khác với sự bảo hộ trong thế giới thực, sự bảo hộ phần mềm tràn lan dưới dạng bằng sáng chế dẫn tới một sản phẩm công nghệ có thể lên tới hàng chục nghìn bằng sáng chế. Chúng ta hãy xét tới từng thuộc tính trong yêu cầu của bằng sáng chế Hoa Kỳ
  • Về tính mới: tính mới đề cập đến sự khác với các sáng chế trước đó, tính mới không phải tính sáng tạo, đây gần như là yếu tố duy nhất để một bằng sáng chế phần mềm nộp lên yêu cầu bảo hộ.
  • Về tính không hiển nhiên: một phần mềm đương nhiên không hiển nhiên bởi phần phần mềm luôn là sản phẩm nhân tạo, chúng không thể được tạo nên từ những hiểu biết của người bình thường.
  • Về tính hữu dụng: tính hữu dụng là đặc tính tương tự với đặc tính có khả năng áp dụng vào công nghiệp, tức là nó có thể được sử dụng với một mục đích nhất định. Với phần mềm, gán cho nó một chức năng không phải là một điều quá khó.
Sự dễ dãi này tạo nên một hệ thống các bằng sáng chế công nghiệp về phần mềm thừa mứa, nộp đơn tràn lan, dẫn tới tình trạng sinh ra nhưng công ty nghiệp vụ Patent Troll (những công ty chuyên mua bán, đăng ký bằng sáng chế để kiếm lời). Tệ nạn Patent Troll xảy ra cao nhất ở Hoa Kỳ, nó chứng kiến có cả sự tham gia của các ông lớn, ví như việc Facebook mua lại Instagram để loại bỏ địch thủ, các công ty như Google, Microsoft … mua lại các bằng sáng chế không phải để phát triển mà là để đi kiện tụng, Apple lợi dụng bằng sáng chế của mình để cấm bán các sản phẩm. Sự cho phép có phần dễ dãi của Hoa Kỳ ngay một phần bởi nhà nước Hoa Kỳ thích các vụ kiện, chúng giúp tòa án kiếm được nguồn thu thêm rất cao từ án phí, một phần cũng là để xây dựng lên một nền tư pháp có sự linh hoạt, cộng thêm với sự chồng chéo pháp luật giữa các Bang, các công ty nước ngoài rất khó để có thể cạnh tranh được với các công ty trong nước.

5. Apple và một chút về lịch sử kiện tụng.

Apple là một công ty hàng đầu trong việc cải tiến và hoàn thiện các công nghệ. Hãng không phải là người đi đầu trong việc phát minh ra máy tính cá nhân, chuột máy tính, giao diện đồ họa, cảm ứng điện dung, cảm ứng đa điểm … nhưng hãng luôn là người hoàn thiện chúng đến đơn giản đến mức hoàn hảo.

Vụ kiện giữa Samsung và Apple bây giờ có mang hơi hướng lịch sử như vụ việc xảy ra trong khoảng thời gian 1988-1994 giữa Apple vs Microsoft về cáo buộc Windows 2.0 học theo hơi hướng của Apple Macintosh GUI (các bạn có thể chi tiết bản án tại đây). Chỉ khác là Apple đã thua trong việc cáo buộc, chứ không thắng như bây giờ. Chúng ta hãy cùng nhắc lại vụ việc này, và xem xét hệ quả của nó.

Vụ việc này Apple đã không thể thắng kiện và Apple từng khiếu nại bởi quan tòa đã phân tích giao diện của Windows 2.0 với MAC GUI thông qua từng điểm nhỏ chứ không xem xét trên tổng thể. Tuy nhiên, Apple vẫn chỉ nhận lại được nỗi buồn vì quan tòa đã xem xét dựa trên các thỏa thuận trước đó của Apple và Microsoft trong Windows 1.0. Sau này Apple và Microsoft đã có nhiều thỏa thuận bản quyền chéo với nhau, Microsoft đã từng cứu Apple bằng việc mua lại cổ phiếu không có quyề biểu quyết của Apple với giá trị 150 triệu USD và từng ấy cũng là đủ lý do dù Microsoft có nhiều sản phẩm có các tính năng như của Apple nhưng sẽ không bao giờ bị Apple kiện.

Nhắc tới giao diện của Apple Macintosh, đó chính là sự cải thiện giao diện người dùng của Xerox. Xerox cũng đã từng kiện Apple về sự giống nhau này, cũng như việc Apple sử dụng con chuột (mouse) của Xerox nhưng không thành công. Mình nêu ra điều này để thấy rằng, Apple từ xa xưa đó có truyền thống là một công ty thích kiện tụng và họ kiện tụng hoàn toàn vì kinh tế, chẳng phải vì công lý hay điều gì cả. Và hãy nhìn về quá khứ khi Apple thất bại trong việc buộc tội Microsoft sao chép, Microsoft hiện nay đã trở thành một người khổng lồ lớn mạnh với nhiều sự sáng tạo đáng kể, Apple khi đó đã chăm chăm vào kiện tụng mà quên đi việc sáng tạo, và kết quả họ suýt phá sản, nhưng họ cũng đã không thể ngủ quên, họ bỏ qua những vụ kiện tụng tập trung phát triển rồi trở thành một kẻ hùng mạnh như bây giờ.

Với 2 phán quyết ngược chiều nhau giữa 2 thời kỳ; việc bán quyền sử dụng bằng sáng chế và sử dụng luật sáng chế như trước đây, hay độc quyền bằng sáng chế và sử dụng luật sáng chế với hướng đi hiện nay của Apple; sắp tới sẽ có một điêu được kiểm chứng ngay thôi, đó là việc hệ quả của nó sẽ khiến thế giới và người tiêu dùng được tốt hơn như thế nào ?


Tham khảo tại
Trang 2 tập bài giảng CURRICULUM ON INTELLECTUAL PROPERTY - Professor Michael Blakeney
Trang 3 The Patentability of Software in the U.S and Europe by John Moetteli
Điều 35 U.S.C 41 Patent Law
WTO, Báo cáo của Hội đồng giải quyết tranh chấp, WT/DS50/R, 5 tháng 9 năm 1997, đoạn 7.18
Cnet.com
Wikipedia
USPTO.
19 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Dài quá, ngại đọc !
Ờm văn chương mình cũng ngu dốt nữa :-<
Lucy Koh không dám phán là các bằng sáng chế có vấn đề lúc đky nên phải khai đao với SS là bình thường.

Bài viết này phản ánh nhiều logic mờ của IP ở Mỹ. Ở VN cũng có điều 134 luật SHTT khá thú vị 😃
@thanhdat276 Theo như hiểu biết của mình thì đơn nộp yêu cầu cấp bằng sáng chế sẽ phải đưa ra công chúng sau thời hạn 18 tháng kể từ ngày nộp đơn trừ một số trường hợp, vì vậy thành quả của phát minh luôn được public rất sớm để các công ty khác có hướng để nghiên cứu phát triển.
Còn theo như hiệp định TRIP thì mỗi sáng chế bảo hộ trong 20 năm sau đó chúng là của toàn nhân loại, nếu như không có quy định khác về gia hạn.
Vì vậy đừng lo, sau 20 năm thì sẽ là chia sẻ miễn phí 😁
Thân
@admtkc Đoạn 3 này có chỗ mình muốn nói.
Liệu kéo hai ngón tay để zoom có phải là tính năng mà các os khác vi phạm của appl?
Liệu appl Chưa kiện, hay ko cần kiện (dù có quyền) hay ko được kiện?

Về cơ chế đáp ứng mình ko rõ quá trình nó diễn ra có giống hay ko, nhưng hành động là dùng hai ngón tay kéo ra, kq là hình ảnh giãn rộng ra.
Nếu chỉ nhìn vào đó, bất chấp phương pháp xử lý ?


Theo mình , cách zoom tránh thằng kia ra thì có thể là chạm hai ngón tay lên màn hình cùng lúc, rê chúng lên or xuống

Gửi từ Galaxy S3/Tapatalk
@YPMVSTAFF Có nhiều cách để Zoom lắm bác ạ, ví dụ tì cả ngón tay cái lên, tức là một tiết diện tiếp xúc màn hình cảm ứng lớn, vuốt lên là zoom.
Hoặc cũng có thể là làm một cái trackwheel giống trên dòng P của Sony ngày xưa hay Blackberry ngày trước, khi ở chế độ có bàn phím, nó sẽ là di chuyển con trỏ, còn khi là ảnh/web nó sẽ là zoom, thực sự thế thì còn hợp lý hơn là cả dùng 2 ngón tay zoom, vừa lâu mà lại vướng.
@YPMVSTAFF Cái Pinch to Zoom này tùy thuộc vào cái bằng sáng chế được công nhận của AP, việc dùng 2 ngón tay thay đổi khoảng cách để zoom in hay zoom out có thể thay thế bằng nhiều phương thức khác miễn là nó đủ để ủy ban đăng ký bằng sáng chế nó công nhận là khác với cái của AP là được.

Có môt cách khác mà mình thấy đã có thiết bị nó làm rồi đó là, ấn mạnh 1 ngón tay vào rồi đẩy lên thì zoom out, đẩy xuống là zoom in và 1 cách khác là dùng một ngón tay ấn vào rồi xoay theo chiều kim đồng hồ là zoom in, ngược lại là zoom out cũng khá thú vị.

Ý mình ở đây, là các nhà sản xuất khác có thể tạo ra rất nhiều phương thức khác nhau để thực hiện cùng một kết quả, và việc dùng 2 ngón tay thay đổi khoảng cách chỉ là 1 trong các phương thức đó mà thôi !

Cheers
Nghe hấp dẫn đây, thx bác chủ.
Bài của bác hay đấy. Mỹ có thể ép SS phiên bản Galaxy S, nhưng không hiểu nhiều bản không có liên quan như Captivate, s2 vẫn có trong dạn sách ( vì kiểu dáng ip4 không được bảo hộ).

Tóm lại theo như mình hiểu thì bồi thẩm đoàn coi như đứng về phía Apple từ ngày đầu tiên, và việc của họ là thu xếp patents nào vào thiết bị nào mà thôi.

Chờ xem kháng cáo xem sao, hi!

Bài của bác hay, cố viết thêm nhé. Ah, Apple còn có vụ kiện với Sun Microsystem, bác có thông tin không?
cam on bac vi bai viet rat co ich.
Theo như mình đọc biết thì Captivate không thuộc danh mục xâm phạm kiểu dáng, chỉ có dòng Galaxy S2 USA bị liệt vô vì 2 bằng sáng chế liên quan tới mặt trước của thiết bị bo tròn phủ trơn láng là kính, màn hình đặt chính giữa và viền benzen. Nói chung chuyện này nên hỏi cơ quan nào đã cho phép cấp cái bằng sáng chế mang tính chung chung như vậy thôi.

Sun và Apple theo như mình biết thì chỉ có một hồi Java của Sun gây ra cho Apple một trận dịch virus lớn và khoảng những năm Apple sắp phá sản, Sun định mua lại Apple thôi chứ không biết gì hơn 😃
vuduyhong
ĐẠI BÀNG
12 năm
Luật của Mỹ mang hơi hớm bạo hộ ,không đạt được tiếng nói chung trên đa quốc gia như Luật của Anh .

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019