Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Nhiếp ảnh đời thường

Duy-My
9/9/2009 2:38Phản hồi: 11
Nhiếp ảnh đời thường
Vì rất thích thể loại ảnh này nên em có lang thang và tìm hiểu trên mạng, tìm tòi được 1 số thông tin và ý kiến rất hay liên quan đến "nhiếp ảnh đời thường" ... em xin post vào đây để các bác nào có cùng sở thích vào tham khảo và góp ý thêm nhằm giúp cho phong trào chụp ảnh đời thường của box MAS tinh tế ngày càng lên cao ạ!

Các bài viết em sưu tầm dưới đây sẽ giúp các bác được lắng nghe các bậc tiền bối, các "cây đa cây đề", các nghệ sỷ NA ... trình bày quan điểm và giải đáp các vấn đề xoay quanh các câu hỏi như :

THẾ NÀO LÀ 1 TẤM ẢNH ĐỜI THƯỜNG?

CHỤP ẢNH ĐỜI THƯỜNG DỂ HAY KHÓ?

THẾ NÀO LÀ 1 BỨC ẢNH ĐỜI THƯỜNG ĐẸP?


V.V... VÀ V.V...



Nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh Vũ Đức Tân:

Phải tìm được khoảnh khắc tiêu biểu

Theo tôi chụp ảnh đời thường người nghệ sĩ phải tôn trọng khoảnh khắc trong cuộc sống. Những cảnh dàn dựng không phải là những khoảnh khắc. Ảnh đời thường đó là cuộc sống, là những gì đang diễn ra người nghệ sĩ có thể chụp những sự kiện lớn, hoặc sự kiện nhỏ hay cũng có có thể là cuộc sống yên bình. Tuy nhiên cái nhìn của người nghệ sĩ phải có tính phát hiện, phải tìm được những khoảnh khắc tiêu biểu. Cái khó của người nghệ sĩ khi chụp ảnh đời thường là phải quan sát, cái này không phải ai cũng làm được – đó là nghệ thuật sống khoảnh khắc, sự kiện đó phải được quan sát. Và người nghệ sĩ phải biết chắt lọc và thể hiện quan điểm của mình qua bức ảnh.

Người chụp tuỳ vào phạm vi quan sát của mình để thể hiện cái riêng. Mục đích của người cầm máy là khác nhau, vì vậy hình ảnh từ đó cũng được lọc. Một bức ảnh đời thường đẹp phải giản dị, không quá cầu kỳ, phải nói được một vấn đề gì đó của cuộc sống. Yếu tố tương phản về suy nghĩ hoặc hình ảnh trong bức ảnh cũng rất quan trọng! Người nghệ sĩ phải có một quá trình lâu dài để làm quen hay nói đúng hơn là để thẩm thấu từ đó mới có cơ hội lột tả được hình ảnh thật trong đời sống, diễn tả cuộc sống như nó vốn có. Chẳng hạn nhiếp ảnh không nên từ chối đề tài: ma tuý, mại dâm. Nhiếp ảnh nên có tiếng nói. Như đề tài về chất độc da cam nó gây nên xung đột trong con người mang giá trị nhân văn cao. Nhiếp ảnh nên tham gia những vấn đề như vậy.



NSNA Lại Hiển:

Quảng cáo



Chụp ảnh đời thường là khó

Chụp ảnh đời thường là sự săn tìm khoảnh khắc điển hình, đặc trưng tính cách, tâm tư tình cảm phản ánh bản ngã của con người hoặc khai thác nét văn hóa, bản sắc, phong tục tập quán của cộng đồng xã hội. Có vốn sống, tầm nhìn sâu sắc bản chất xã hội mà người ta thường gọi “nhân sinh quan người nghệ sĩ” là điều rất quan trọng. Nói chung người nghệ sĩ phải thể hiện được phong cách của riêng mình. Mỗi bức ảnh phải thể hiện được chất nhân văn, phản ánh nền văn hóa, bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Và bức ảnh đó phải có ý nghĩa quảng bá, giao lưu trong cộng đồng và quốc tế, đồng thời gợi cho người xem cảm xúc thân thiện, đồng cảm xích lại gần nhau với tấm lòng chia sẻ cao thượng! Chụp ảnh đời thường phải khẳng định là khó, nếu đó đích thực là ảnh nghệ thuật. Nếu nói dễ e rằng chủ quan, có chăng cũng chỉ là ảnh ghi chép tư liệu cuộc sống qua máy ảnh.




Đỗ Hữu Tâm (CLB Nhiếp ảnh BP):

Người chụp cần phải “lặn lội” vào đời sống

Quảng cáo


Cuộc sống diễn ra chung quanh ta rất phong phú, nhiều cung bậc và đấy là cả một “kho tàng” để giới cầm máy ảnh tha hồ ngụp lặn theo nhịp đập của cuộc đời. Những đề tài khai thác trong ảnh đời thường thật là thiên hình vạn trạng, trăm màu trăm vẻ. Tuy nhiên chụp ảnh đời thường để trở thành tác phẩm, thật không hề đơn giản. Một bức ảnh chụp đời thường được xem là thành công (tương đối) đòi hỏi tác giả phải thật “tỉnh” để nhìn ra, để khám phá. Mà muốn thế, người chụp cần phải “lặn lội” vào cuộc sống, không chỉ là “ở ngoài nhìn vào” để chụp mà rất cần thái độ “ở trong nhìn ra”, phải biết cách tiếp cận với người trong ảnh, biết tìm hiểu và cảm nhận đối tượng, đề tài. Hơn nữa, cái khó của chụp ảnh đời thường còn nằm ở phần tạo hình, bởi cuộc sống thật không bao giờ sinh ra từ sự dàn dựng. Do vậy, trong kỹ thuật ánh sáng và dày dạn về các phương thức bố cục, về sự chọn lọc không gian. Cái “đắt” của ảnh đời thường là khoảnh khắc, chụp ảnh đời thường như người xạ thủ bắn mục tiêu di động. Nó khác hơn và khó hơn bắn bia cố định. Một bức ảnh đời thường tốt là bức ảnh nắm bắt được hiện thực có thể vui hay buồn, vô tư hay trăn trở, phê phán (xây dựng) hay khích lệ thì vấn đề cao nhất của chụp ảnh đời thường là khai thác và tôn vinh giá trị nhân văn của đời sống, là thái độ trách nhiệm của người thực hiện bức ảnh.




Nhà báo, Đại tá Hồng Lân:

Khoảnh khắc của sự đam mê

Chính vì mê nghệ thuật mà tôi thường chụp các diễn viên một số loại hình nghệ thuật, nhất là múa vì đó là một nghệ thuật tuyệt diệu, rất động, rất nhanh, phong phú, đa dạng, lúc uyển chuyển, lúc nhịp nhàng, lúc sôi nổi, mạnh mẽ, có lúc diễn viên nhảy cao như bay… nên tay máy của mình phải chớp rất kịp thời. Và đương nhiên, phải tuỳ tình hướng cụ thể để quyết định sử dụng loại phim gì (tôi vẫn dùng máy ảnh chụp phim, không dùng máy kỹ thuật số) cho thích hợp, đồng thời quyết lấy khẩu độ và tốc độ hợp lý của máy ảnh cho phép… Những bức ảnh ấy đã phản ánh một khía cạnh hiện thực của cuộc sống và để có chúng cần phải có niềm đam mê.




NSNA Quang Phùng:

Chụp cái bi kịch để thấy được bước tiến của xã hội

Ảnh đời thường thật ra là ảnh sinh hoạt hàng ngày. Trước kia chúng ta chỉ chụp ảnh một chiều, coi cái đẹp là tiêu chuẩn và chúng ta cũng chưa thoát khỏi cái ám ảnh của chụp ảnh nghệ thuật. Hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn giữa chụp ảnh chuyên nghiệp và chụp ảnh không chuyên nghiệp. Tư tưởng chụp ảnh không chuyên chiếm 70%. Một khi đã đem ảnh đi dự thi là không chuyên nghiệp. Nếu chúng ta là chuyên nghiệp thì không là học trò nữa. Chúng ta hòa nhập với thế giới vẫn là kiểu học trò đi thi.

Chụp ảnh đời thường phải chụp được cái khổ, cái bi kịch… người ta căn cứ vào để thấy được bước tiến của xã hội. Ảnh đời thường phải mang ý nghĩa giáo dục, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đó cái biết quyết định cái thấy, nhưng ảnh đời thường phải bảo đảm về nghệ thuật, đẹp về tình ý. Cái khó là làm sao nhà nhiếp ảnh có mặt đúng lúc. Muốn như vậy người nghệ sĩ phải có một ký ức thật, phản xạ nhanh và tay nghề cao. Người chụp phải trong sáng, tĩnh tâm.





NSNA Đào Tiến Đạt:

Sẽ thất bại nếu không có sở trường

Trong văn học nghệ thuật không có loại hình nào thay thế cho nhau được, không dễ hay khó mà khó hay dễ là do con người, nói đúng hơn người sáng tạo nhận biết rõ sở trường và sở đoản của mình. Nhiếp ảnh không loại trừ quy luật trên: Nhiếp ảnh gia Fred Green của Canada từng đoạt 2100 giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc trong ảnh chân dung nhưng ảnh phong cảnh phải nhường lại cho Thomas Lang (Mỹ) và không vượt qua thể loại ảnh đời thường của nhà nhiếp ảnh Cheung Kwan Leung (Hồng Kông)

Nếu hệ thống sẽ thấy rằng những ai lấy sở đoản làm sở trường thường đem lại thất bại. Từ vấn đề này thiết nghĩ nhà nhiếp ảnh cần biết anh là ai, chụp ảnh để làm gì, đề tài nào gây cảm xúc sâu sắc nhất trong anh. Trong trái tim anh không rung động trước đối tượng (con người hay phong cảnh) thì làm sao lan toả đến người thưởng lãm?!

Nhiều người thường nói chụp ảnh đời thường là đi vào sự thật cuộc sống, chắt lọc từ hiện tực và bấm máy những khoảnh khắc điển hình nhất. Điều này là cần thiết không những cho chụp ảnh đời thường mà cho nhiều loại hình nhiếp ảnh, vì cuộc sống sinh ra nghệ thuật, nghệ thuật tồn tại bởi sự sống. Trên hành trình kiếm tìm cái đẹp có nhiều con đường, người thành công nhất là người biết chọn con đường ngắn nhất và phù hợp nhất!




Ninh Giang:

Chụp cho “tử tế” là “đãi cát tìm vàng”

Đời thường là một phần quan trọng của cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó những sinh hoạt đơn lẻ cũng như những sinh hoạt cộng đồng, thường nhật hoặc định kỳ đều mang dấu ấn của con người, chứa đựng bản sắc văn hóa, tập quán, sinh hoạt của những cộng đồng nhất định.

Cái khó trong chụp ảnh đời thường để thể hiện chính cộng đồng của mình là phải bước ra khỏi sự quen thuộc (đôi khi đến nhàm chán), vượt qua sự vô cảm trước cuộc sống đang diễn ra hằng ngày, quanh ta. Ngoài ra để có sự rung cảm đồng điệu với đối tượng muốn thể hiện, bắt được cái “thần”, cái “thật” của đời thường, không hề là một việc dễ dàng, nhất là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của thời điểm bấm máy, của “khoảnh khắc nhiếp ảnh” nếu ta không biết trân trọng nó. Do vậy chụp đời thường không có nghĩa là thấy gì chụp nấy. Thực tế rất ít tác phẩm chụp đời thường (thật sự) thành công. Hơn nữa, để có những bức ảnh chụp đời thường với ánh sáng, tạo hình hoàn chỉnh là rất khó. Chụp ảnh đời thường cho “tử tế” là công việc “đãi cát tìm vàng”.




Đức Nam (CLB nhiếp ảnh Tây Ninh):

Ảnh đời thường phản ánh nét đặc trưng văn hóa

Trong muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, đời thường hiện diện mọi lúc, mọi nơi, tự nhiên và quá quen thuộc… đến nỗi ta khó nhận ra một giá trị hình tượng nghệ thuật nào, khó chọn lọc được những cái “lát cắt” của cuộc sống và vị thế rất nhiều khi ta biến thành vô cảm trước những đối tượng văn hóa mà ta chưa biết rõ về nó!

Chụp ảnh đời thường là phản ánh nét đặc trưng văn hóa trong sinh hoạt, ứng xử xã hội với những tập quán đặc thù của con người trong cuộc sống hàng ngày tron đó chứa đựng tính văn hóa hoặc triết lý nhân sinh. Quả thật là khó!

Để vượt khó, người cầm máy phải có khả năng cảm nhận cuộc sống bằng sự hiểu biết về văn hóa của đối tượng mà người chụp định khai thác, phải trải nghiệm cuộc sống với “tấm lòng thành” biết rung động trước những điều dung dị bằng sự tinh tế và nhạy cảm với một bản năng nghề nghiệp sắc bén. Một bức ảnh đời thường thành công khi nó được tư duy, chắt lọc và sáng tạo của “người cầm máy làm văn hóa ảnh”.




Phùng Triệu – nhà báo, NSNA TTXVN:

Phải tôn trọng sự thật dù ở góc độ nào.

Để có một bức ảnh đẹp người chụp phải có thời gian thâm nhập thực tế, đi nhiều gạn lọc và bằng con mắt nhạy cảm của nghề nghiệp chớp lại những giây phút điển hình nhất. Chụp ảnh đời thường nói là dễ thì không đúng, dễ là có thể chụp theo lối tự nhiên chủ nghĩa, nhưng ảnh đời thường để lại dấu ấn cho đời thì rất khó. Người chụp phải có sự đầu tư, biết chọn lọc, phải bắt được cái hồn của nhân vật, cái bản chất của sự việc và bằng kinh nghiệm và kỹ thuật (ánh sáng, bố cục, góc độ) biến cái mớ hỗn độn của đời thường thành một tác phẩm. Ảnh đời thường mang tính khách quan cao vì vậy người nghệ sĩ phải có vốn sống thực tế, phải luôn luôn củng cố vốn sống và trau rồi kiến thức, phải nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, ghi nhận bằng cảm quan của mình. Ảnh đời thường cũng mang tính giáo dục cao, ý nghĩa nhân văn và mang tính tư liệu. Nó là những trang nhật ký của người cầm máy ghi lại những khoảnh khắc tiêu biểu. Tuy nhiên dù chụp ảnh góc độ nào người cầm máy cũng phải tôn trọng sự thật không nên can thiệp vào sự việc khách quan.




NSNA Hữu Chỉnh (Hà Nội):

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Ảnh đời thường chính là ảnh sự kiện, ảnh miêu tả. Cho nên dù hiện thực thế nào vẫn phải chú ý đến nội dung bức ảnh. Người chụp phải hiểu được bản chất của xã hội. Con người trước thiên nhiên rộng lớn rất nhỏ bé, nhưng phải biết vươn lên giữa cái rộng lớn đó. Một bức ảnh có giá trị là một tác phẩm có nội dung tốt và thể hiện được nội tâm nhân vật. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, người chụp phải thể hiện được thân phận và cuộc đời của nhân vật qua bức ảnh. Muốn làm tốt điều đó người nghệ sĩ phải chọn được cơ hội và phải tôn trọng khoảnh khắc trong cuộc sống. Ngoài ra người nghệ sĩ phải có tính phát hiện, phải thể hiện được cái tôi của mình qua bức ảnh. Để có một bức ảnh đời thường đẹp người chụp phải thể hiện rõ mục đích chụp, bố cục hài hòa, ánh sáng tốt và đặc biệt nội dung phải thể hiện được nội tâm nhân vật. Vốn sống và năng lực triết học là tiêu chí không thể thiếu đối với người nghệ sĩ.

Các bài viết trên được trích từ nguồn: VAPA (Theo Tạp chí Thế giới ảnh)


=========================================================


Còn dưới đây là 1 bài viết mà em rất thích của bác SUNF (Xóm nhiếp ảnh)


ẢNH ĐỜI THƯỜNG BIẾT NÓI

Ảnh đời thường - đường phố, nếu chỉ đơn thuần mang tính tư liệu, thì chắc chắn nó chỉ mang tính... tư liệu mà ko có gì hơn. Nghĩa là loại ảnh mà người ta xem xong thì quên ngay, hoặc tệ hơn chỉ xem lướt qua hay thậm chí chẳng buồn xem nữa... Vậy liệu giá trị của những bức ảnh đời thường là ở đâu?


Với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng một bức ảnh nói chung thường có giá trị đặc trưng nhất là giá trị của khoảnh khắc. Khoảnh khắc quý giá là đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa nhiếp ảnh và hội họa. Khoảnh khắc càng có vai trò cốt yếu trong những bức ảnh đời thường. Khoảnh khắc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các thể loại ảnh khác, như chân dung, hay phong cảnh... Một bức chân dung chớp đúng khoảnh khắc sẽ lột tả được nhiều điều về đối tượng. Một bức ảnh phong cảnh hẳn cũng cần thời điểm để có một chùm nắng rực vàng, hoặc phút giây mặt trời chìm xuống một nửa trong chiều hoàng hôn lãng mạn...

Nhưng khoảnh khắc cũng chưa phải là tất cả của những bức ảnh, kể cả thể loại ảnh đời thường - đường phố. Đứng từ góc độ của một người xem ảnh, ấn tượng đầu tiên khi ngắm bức ảnh theo tôi là một giá trị đáng kể. Ngoài ra, một bức ảnh đời thường có giá trị phải kể thêm tới lượng thông tin và tính nghệ thuật của bức ảnh. Góc máy và các yếu tố sáng tạo cũng có thể là những giá trị gia tăng cho bức ảnh... Về giá trị của khoảnh khắc thì quá hiển nhiên rồi. Giá trị nghệ thuật thì hơi khó bàn. Tôi chỉ xin xem xét hai yếu tố là lượng thông tin và ấn tượng ban đầu của một tấm ảnh đời thường - đường phố.

Những bức ảnh có thể mang lại ấn tượng mạnh cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên có thể được coi là thành công ở một mức độ nhất định... Nhưng sẽ không ổn lắm nếu chúng ta cố gắng tìm cách gây ấn tượng một cách dễ dãi. Thí dụ như việc tập trung khai thác các chủ đề về sự nghèo hèn trong xã hội hay những sự kiện đau đớn tang thương của con người. Một người ăn mày ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, dĩ nhiên là đáng thương dưới góc nhìn chung của xã hội. Một đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc, cũng bẩn thỉu, rách rưới, thò lò mũi xanh, cũng đáng thương lắm chứ ạh. Tôi không phản đối việc tái hiện những góc cạnh khác nhau của xã hội bao gồm cả khía cạnh đói nghèo đau khổ. Nhưng lạm dụng những đề tài này, để tạo ấn tượng cho người xem thì hoàn toàn không ổn một chút nào. Cá nhân tôi cho rằng ấn tượng ban đầu của bức ảnh hoàn toàn có thể được tạo nên bởi một góc máy độc đáo, một cách nhìn sáng tạo, hoặc một kiểu bố cục lạ mắt, mà không nhất thiết cứ phải là ăn mày đường phố hay những cụ già cô đơn nhăn nheo bạc tóc... Dĩ nhiên, có nhiều khoảnh khắc tự thân nó đã mang lại một ấn tượng mạnh. "Chộp" được những khoảnh khắc này thì quá tuyệt vời rồi, phải không bạn?

Sau cái ấn tượng đầu tiên khi ta xem ảnh, phải xét tới lượng thông tin mang lại trong bức ảnh đó. Một bức ảnh sẽ thú vị hơn nhiều nếu nó mang đầy ắp thông tin tới cho chúng ta. Tây họ có thành ngữ "Một bức ảnh bằng cả ngàn lời nói". Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có nhiều bức ảnh có thể mang lại những ấn tượng ban đầu khá tốt, có thể bằng bố cục, có thể bằng góc chiếu sáng và ánh sáng trong bức ảnh... Nhưng ngoài ra, có thể chúng ta không nhận được thông tin gì nhiều hơn những ấn tượng ban đầu đó. Những bức ảnh như vậy, theo tôi mang nặng chất thơ, chất lãng mạn, hơn là một bức ảnh đời thường "thực sự". Qua những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của Việt nam lâu nay, tôi nghe nhiều người bình luận rằng nhiếp ảnh Việt nam nhiều chất thơ mà thiếu đi phần hiện thực xã hội. Ảnh đời thường tôi quan sát lâu nay cũng vậy. Phân loại ra, có lẽ ta có thể xếp ảnh đời thường đương đại vào mấy dạng: (1) Ảnh chụp nhanh (snapshot) - mang nhiều tính chất tầm thường, có chăng chỉ có chút giá trị tư liệu, mà phần lớn cũng là không đáng kể. (2) Ảnh thơ (romantic streetlife photography) - Là những bức ảnh đời thường đẹp về bố cục, ánh sáng, mà thiếu hụt phần nội dung, thiếu thông tin, không mang tính phản ánh hiện thực xã hội. (3) Ảnh tư liệu xã hội (social documentary) - Là những bức ảnh phản ánh cuộc sống muôn màu, ghi lại những nhịp sống hàng ngày, mang lại cho chúng ta nhiều thông tin về các khía cạnh khác nhau của xã hội. Những bức ảnh xuất sắc trong thể loại social documentary này xét theo một khía cạnh nào đó, có thể được gọi là những tấm ảnh "biết nói" Bản thân tôi là người thích thơ. Nên tôi cũng thích các thể loại "ảnh thơ". Nhưng chắc chắn là tuyệt vời nhất nếu ta có thể có cả hai tính chất trong cùng một bức ảnh, nghĩa là bức ảnh vừa mang một lượng thông tin lớn, lại vừa nhiều chất thơ...

Nhưng dẫu cho bức ảnh có hơn ngàn lời nói, đa phần chúng chỉ lưu giữ lại một khoảnh khắc của cả một câu chuyện, một tiến trình. Nên để bức ảnh đời thường mang đầy đủ thông tin, tiêu đề (title) và chú giải (caption) của bức ảnh cũng là một phần rất quan trọng. Việc bài xích chuyện đặt tên và chú thích cho bức ảnh mà cứ đòi hỏi chỉ một bức ảnh thôi để nói lên nguyên một câu chuyện thực ra là những suy nghĩ và quan điểm ấu trĩ và thật là ngây thơ.

Còn một bộ ảnh, một câu chuyện ảnh thì sao? Mảng này có lẽ nhiếp ảnh Việt nam mình còn khá yếu. Vì sao như vậy lại là một đề tài lớn vượt quá khỏi phạm vi của bài viết này. Thường một phóng sự ảnh phải có một chủ đề xuyên suốt, hoặc phải kể lại một câu chuyện cụ thể nào đó. Tuy nhiên, có rất nhiều những bộ ảnh tôi được thấy thực chất chỉ là một chuỗi (series) các bức ảnh khá là lặp lại về khía cạnh thông tin. Sự khác nhau giữa các bức ảnh trong bộ nhiều khi chỉ là các góc máy... Và thể loại "ảnh thơ" cũng thấy xuất hiện rất nhiều ở các "bộ ảnh" đời thường mà tôi đã từng được chiêm ngưỡng.

Suy cho cùng, ảnh cũng là một trong các phương tiện để thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người chụp ảnh. Sẽ có những nhiếp ảnh gia "yêu thơ", có những nhiếp ảnh gia yêu thích trường phái hiện thực. Cũng có những nhiếp ảnh gia đơn thuần chỉ thích... chụp ảnh! Sản phẩm của họ đa phần sẽ là những bức ảnh chụp nhanh (snapshot). Cũng có thể họ may mắn có được những bức ảnh "xuất thần" trong hàng ngàn bức ảnh chụp nhanh chụp vội của họ. Nhưng tôi nói chung không thích và cũng không đủ thời gian để xem những bức ảnh đời thường chụp vội. Còn lại, tôi thích cả. Cả ảnh đời thường "biết nói", và cả ảnh "thơ"... Miễn là chúng đủ thú vị đối với tôi. Chắc bạn cũng vậy, phải không?...

Bài viết của bác SUNF (Xóm nhiếp ảnh)


Một số ảnh đời thường trích trg các trang web của 1 nhiếp ảnh gia Trung Quốc :

1/A death row inmate uses the bathroom
[​IMG]


2/A horsedrawn cart, a truck and an airplane
[​IMG]


3/A parent disciplines the child
[​IMG]


4/A soon-to-be completed commercial building and the still quiet old alleyway
[​IMG]


5/A photo before jumping into the water in winter
[​IMG]


6/An astonished spectator at a nude photography exhibit
[​IMG]


7/Changing in public
[​IMG]


8/Child plays at the courtroom while parents bid for a divorce
[​IMG]


9/Four brothers take a bath in summer
[​IMG]


10/Mother breast feeding triplets
[​IMG]


11/Street side tailor making an instant repair on a skir
[​IMG]


12/Postman delivering mail on difficult rural route
[​IMG]


Các bác có thể xem trọn bộ ảnh trg các links dưới đây:

Sống còn:
Humanizing China - Part 1 (Survival)
http://www.zonaeuropa.com/20041223_1.htm


Mối quan hệ:
Humanizing China - Part 2 (Relationships)
http://www.zonaeuropa.com/20041224_1.htm


Ước vọng:
Humanizing China - Part 3 (Desires)
http://www.zonaeuropa.com/20041226_1.htm
11 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

anhcobra
TÍCH CỰC
15 năm
Ảnh đời thường với em là thấy gì chụp nấy, tuy nhiên thấy gì lại tuùy mắt từng người
3/A parent disciplines the child
Bất chợt xem đến tấm ảnh này làm em nhớ tới Ba mình quá, ngày xưa em cũng hay bị đánh đòn vì Ba em rất nghiêm khắc, ông là Sĩ quan quân đội. Hồi còn nhỏ em rất hận ông vì những trận đòn, bây giờ lớn lên mới biết nếu không có những cái roi đằng sau lưng ông thì chắc em không có ngày nay. Ba ơi, con ở xa quá, Ba có khỏe không?
sony x1
TÍCH CỰC
15 năm
Ảnh đời thường với em là khó nhất, các đồng chí chụp ảnh này toàn dùng ống góc rộng nên phải đứng rất gần chủ thể. Chụp được 1 tấm tự nhiên đã khó huống hồ phải có nội dung, ý nghĩa, khoảnh khắc...
Tổng hợp các bài viết rất hay và chí lý, tôi rất thích bức ảnh các bà mẹ tắm cho mấy đứa trẻ, trông thật ngộ nghĩnh, đáng yêu và cũng rất ..... đời thường ....! Tặng bạn 1 bức ảnh cũng rất đời thường khác với tiêu đề: "dòng thời gian" được thực hiện bằng máy canon S5IS tròng 1 buổi chiều hè bên triền đê sông Hồng.

http://i979.photobucket.com/albums/ae273/laclonglinh/CopyofIMG_2742No2.jpg
Những khoảnh khắc đời thường được ghi lại luôn cho người xem những cảm xúc kỳ lạ
Đời thường là những gì bình thường xung quanh ta hàng ngày. Để biến những cái bình thường đó thành 1 tác phẩm quả thật không hề dễ dàng. Ngoài khả năng kỹ thuật, xử lý nhanh mọi tình huống còn phải đòi hỏi óc sáng tạo, tư duy cùng nhiều kinh nghiệm, vốn sống của người cầm máy. Ngoài ra cũng cần có một chút may mắn.
chiphoi3012
ĐẠI BÀNG
13 năm
Đời thường là mặt phải dày 😆
madi3d8
ĐẠI BÀNG
11 năm
Vậy nếu đem triễn lãm thì có bị kiện vì xâm phạm đời tư của những cá nhân có trong bức hình không ạ ?
@madi3d8 ở VN thì ko biết thế nào chứ, bên nước ngoài thím có chụp hình ông obama đái bậy trước toà bạch ốc rồi đưa lên mạng cũng trả ai làm gì được.

p.s lưu ý là chụp nơi công cộng thôi nhé, lẻn vào nhà riêng người ta mà chụp thì hơi bị VKL đấy. 😁
vanhung872
ĐẠI BÀNG
11 năm
chộp dc nhiều khoảng khắc đẹp ..
Hôm nay mình mới biết có bài viết quá tuyệt đến thế này 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019