Các nhà nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng say độ cao và nhịp thở không đều khi ngủ

bk9sw
15/4/2014 17:23Phản hồi: 12
Các nhà nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng say độ cao và nhịp thở không đều khi ngủ
say_độ_cao.jpg

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi - đây là những cảm giác khi cơ thể bạn bị thiếu oxy và là một trong những dấu hiệu khi bạn bị say độ cao, chẳng hạn như khi đi leo núi. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một mối liên hệ giữa nhịp thở không bình thường khi bạn đang ngủ ở độ cao lớn và các triệu chứng của say độ cao, cụ thể là chứng đau đầu. Những phát hiện này có thể dẫn đến một phương pháp để chúng ta thở tốt hơn khi đang ngủ nhằm chống lại các triệu chứng khó chịu của say độ cao.

Nhịp thở bị tác động bởi sự giảm sút về áp suất không khí ở độ cao lớn hơn 2500 m so với mặt nước biển. Khi còn thức, người leo núi có thể điều hòa nhịp thở có ý thức nhưng khi ngủ, họ sẽ thở theo một chu kỳ có tên Cheyne-Stokes. Trong chu kỳ này, nhịp thở sẽ thay đổi từ thở nhanh, thở rất nhanh đến thở rất chậm và ngưng thở tạm thời. Đây là kết quả của sự phản hồi của cơ thể trước những thay đổi về nồng độ CO2 và oxy trong máu và khi ngủ, cơ thể tự phản hồi để điều hòa các nồng độ này.

Peter Stein - nhà nghiên cứu đến từ khoa gây mê, điều trị đặc biệt và liệu pháp tại đại học y Frankfurt giải thích: "Sự thiếu hụt oxy ở độ cao lớn có thể khiến người leo núi thở nhanh hơn, làm giảm nồng độ CO2 trong máu. Tuy nhiên, sự sụt giảm CO2 lại dẫn đến tình trạng thở chậm hay thậm chí ngưng thở khi khả năng điều hòa có ý thức giảm dần khi ngủ. Kết quả là nồng độ oxy giảm gây kích thích và khiến cơ thể thở nhanh trở lại."

Để nghiên cứu, một nhóm các nhà nghiên cứu y học từ Đức đã theo chân 6 nhà leo núi cùng leo lên đỉnh Kilimanjaro ở Tazania. Họ đem theo các máy móc lên sườn núi và dựng trại ở độ cao 4000 m. Để giám sát nồng độ oxy và CO2 trong máu lên não, các nhà nghiên cứu đã gắn các điện cực cận hồng ngoại NIR lên trán của các nhà leo núi khi họ đi ngủ. Đo quang phổ cận hồng ngoại là một kỹ thuật giúp phát hiện các phân tử dựa trên sự hấp thụ và phản xạ của ánh sáng tại các bước sóng cận hồng ngoại.

"Thách thức đối với chúng tôi không chỉ là việc đưa chiếc máy đo quang phổ cận hồng ngoại lên trại mà còn là vấn đề tất cả các trang thiết bị đều cần đến điện để hoạt động. Vì vậy, chúng tôi cũng đem theo một chiếc máy phát hạng nhẹ và nhiên liệu đủ để cung cấp nguồn điện khi tiến hành nghiên cứu vào ban đêm," Stein nói.

Qua nghiên cứu, họ đã phát hiện ra rằng chu kỳ Cheyne-Stokes gây ra những thay đổi về tổng hàm lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và các hemoglobin gắn oxy nhưng không ảnh hưởng đến nồng độ hemoglobin khử oxy. Từ kết quả này, họ kết luận rằng mặc dù nhịp thở không bình thường khi cơ thể đang ngủ làm thay đổi dòng máu lên não nhưng không làm giảm lượng oxy được cung cấp cho các mô não.

Một mối tương quan thú vị hơn là các nhà leo núi dễ bị đau đầu nếu họ trải qua chu kỳ Cheyne-Stokes khi ngủ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng bằng việc tìm hiểu và kiểm soát nhịp thở không bình thường khi ngủ có thể ngăn ngừa các triệu chứng say độ cao như đau đầu.

Stein cho biết: "Những thí nghiệm của chúng tôi đã khám phá ra một cơ chế gây ra một trong những triệu chứng phổ biến nhất của say độ cao là đau đầu. Tôi hy vọng rằng dựa trên những phát hiện, một liệu pháp chữa trị có thể được phát triển giúp tăng độ an toàn và sự thoải mái cho những người leo núi trong tương lai."

Nguồn: IM Publications
12 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

shasimi
ĐẠI BÀNG
10 năm
Vấn đề nằm ở chỗ khi ngủ bạn thở đều nhưng không tập trung được toàn bộ năng lượng vào một nơi mà nó lan tỏa không đều!
đối với bản thân mình, ngày càng biểu hiện rõ rệt về sợ độ cao . có lẽ là ý thức về sợ chết rõ rệt hơn lúc trẻ con
hoavien
ĐẠI BÀNG
10 năm
@Net0925345000 bài viết đề cập đến độ cao so với mực nước biển, khảo sát khi đi núi, có nghĩa là vẫn đi trên mặt đất, và vùng đấy cao hơn so với mực nước biển > 2000m.

Ko liên quan vụ sợ độ cao
cubim0803
ĐẠI BÀNG
10 năm
Tưởng say rượu độ cao
abto
ĐẠI BÀNG
10 năm
Mình đứng tầng 5 nhìn xuống, thấy chân tay bủn rủn 😃 hoa mắt, thao tác không chính xác ...vậy có phải say không ta?
tuoity2082
ĐẠI BÀNG
10 năm
@abto bác giống e. nhìn xuống mà hãi 😔 k biết thế đã gọi là sợ độ cao chưa :p 😁
CloudNine
TÍCH CỰC
10 năm
ai mà chả sợ độ cao chứ.
abto
ĐẠI BÀNG
10 năm
Mấy bác cn xây dựng và công nhân lau kính nhà cao tầng 😔
tốt nhất là không ngủ 😁
tieugia35
ĐẠI BÀNG
10 năm
độ cao ư, bình thường như cân đường uống sữa thôi 😁
kuduyz
ĐẠI BÀNG
10 năm
Đọc chả hiểu mô tê gì, nhưng mà mình đã thức trông ông mình ốm trong viện nhiều lần để ý thấy rằng, khi ngủ nhịp thở sẽ đều, ổn định, nồng độ Oxi luôn đạt mức cao 97 98%, theo các máy ghi là SpO2. Đối với người bình thưởng khoẻ mạnh thì SpO2 lúc nào cũng 99 100%.
Không liên quan nhưng nhiều anh em khi leo "2 quả núi" xong, cao cũng có , thấp cũng có nhưng khi leo xong đều ngủ rất ngon và giảm stress hẳn...Đau đầu j ở đây 😆

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019