Cài đặt và tùy biến SolydX (một phân phối Linux dựa trên Debian)

tutroc77
17/12/2013 0:1Phản hồi: 18
Cài đặt và tùy biến SolydX (một phân phối Linux dựa trên Debian)
(Bài viết nhiều kỳ. Đối với Linux Mint phiên bản Xfce và Xubuntu cũng có thể tham khảo bài viết này)

Phần I: Giới thiệu chung về Linux


Đối với các bạn từ hồi nào tới giờ chỉ sử dụng HĐH Windows, thì có lẽ nhắc đến Linux các bạn sẽ e ngại: sự khác biệt, lạ lẫm; sự khó khăn khi cài đặt, sử dụng; tính tương thích với phần cứng; phần mềm cho công việc... Nhưng trên thực tế, bốn trở ngại trên hiện nay hầu như không còn nữa.

1- Linux có nhiều loại giao diện, trong đó có những giao diện tương tự Windows XP và Windows 7. Như vậy, so với Windows 8, nó còn thân thuộc hơn đối với nhiều người.

2- Phần lớn các bản phân phối Linux được xây dựng với mục đích dễ dàng sử dụng cho người dùng mới. Nhiều phân phối có mục tiêu nhắm thẳng đến những người dùng mới từ nền tảng Windows chuyển sang.


3- Đối với những phần cứng căn bản như card wifi, card audio, card màn hình Intel, bàn di chuột, cổng usb... Linux thường tự nhận chính xác, không cần cài đặt thêm Driver phức tạp, mất thời gian như trên Windows. Chỉ có những card màn hình Nvidia và ATI loại đồ họa mạnh, thì mới cần cài Driver nguồn đóng chính hãng để tận dụng tốt sức mạnh của chúng, và việc cài đặt thường cũng rất dễ dàng.

4- Các phân phối Linux thường tích hợp sẵn những phần mềm căn bản, phổ biến, để khi cài xong đa số mọi người có thể sử dụng cho công việc ngay được, mà không phải làm thêm bất cứ điều gì.

Chỉ mất khoảng 20-30 phút cài đặt là bạn đã có ngay một hệ điều hành với công nhận phần cứng đầy đủ, phần mềm soạn thảo văn bản, bảng tính, phần mềm máy tính, trình duyệt web, trình nghe nhạc, xem phim, trình xem ảnh, quản lý ảnh...

Ngay cả những phần mềm chuyên nghiệp, so với Windows thì Linux có thể nói là cũng có đủ: biên tập ảnh, làm phim, dựng mô hình 3D, vẽ CAD...

Đối với tôi, sau hơn 14 năm chuyên chỉ sử dụng Windows (từ 1995 đến 2009), và đến nay trên máy tính xách vẫn còn Windows 7 cài sẵn của nhà sản xuất (tôi giữ với mục đích dự phòng). Nhưng từ năm 2010, hầu như tôi không dùng đến Windows nữa, bởi Windows đã trở nên xa lạ, rắc rối, bất tiện, kém an toàn, nặng nề, chậm chạp, khi so với Linux.

Đó là tôi còn là một người dùng cần sử dụng những phần mềm chuyên biệt như vẽ CAD, chỉnh sửa ảnh, trình bày văn bản chuyên nghiệp, làm phim... Còn nếu bạn chỉ sử dụng máy tính cho những công việc phổ thông như lướt web, soạn thảo văn bản... thì tôi chắc chỉ sau 3-6 tháng chuyển sang Linux, bạn sẽ không muốn quay trở lại Windows nữa.

Ngay cả với những bạn mê Game, thì Linux bây giờ cũng được hỗ trợ rất nhiều: Nhiều Game hấp dẫn đã được viết cho Linux; Trung tâm phần mềm Ubuntu có sẵn cửa hàng Game; hãng Valve (Steam) đã tạo khách hàng chơi game để cài đặt trên Linux, và hiện nay còn ra mắt một phân phối Linux chuyên về Game tên là Steam OS. Ngoài Steam OS, còn một vài phân phối Linux khác cũng phát hành phiên bản chuyên về Game.

Quảng cáo


Phần II: Giới thiệu SolydX

SolydX -01.jpg

SolydX là phiên bản giao diện Xfce của phân phối SolydXK (SolydK là giao diện KDE). SolydX có những ưu điểm mà tôi thích như sau:

1- Dựa trên Debian: kho phần mềm lớn, cộng đồng người dùng đông đảo, tài liệu hướng dẫn đầy đủ.

2- Dựa trên kho Testing của Debian: phần mềm được cập nhật phiên bản mới thường xuyên. (SolydXK còn có phiên bản dành cho doanh nghiệp dựa trên kho ổn định của Debian)

3- Phát hành cuốn: Không bao giờ phải cài lại lần thứ 2, lý thuyết là vậy.

Quảng cáo


4- Gói cập nhật định kỳ phát hành 1 tháng 1 lần, sau khi đã được "test", chứ không phải cập nhật trực tiếp từ kho nguồn của Debian Testing: Đảm bảo tính ổn định cao hơn.

5- Giao diện Xfce từ khi được bổ sung thêm Trình đơn Whisker, và bổ sung thêm chức năng mở nhiều Tab cho Trình duyệt file Thunar, thì đã trở nên tiện dụng tuyệt vời; vừa nhanh nhẹ, vừa dễ tùy biến lại vừa đầy đủ các chức năng hiện đại (ở mức độ vừa phải).

6- Giao diện Xfce là loại giao diện đơn giản, dễ sử dụng, quen thuộc (tương tự Windows 7). SolydX sử dụng "theme" bắt chước giao diện KDE, nên trông khá bóng bảy, hấp dẫn.

SolydXK dù mới ra mắt phiên bản đầu tiên ngày 18/6/2013, đến nay, sau 6 tháng, nó đã nhảy lên hạng 40 trong Bảng xếp hạng của trang Distrowatch. Vậy là rất ấn tượng. Và chắc chắn nó sẽ không dừng ở đó.

(Các bạn có thể tham khảo thông tin về SolydX tại đây: http://distrowatch.com/table.php?distribution=solydxk, và một bài viết đánh giá về nó tại đây: http://mylinuxexplore.blogspot.com/2013/09/solydx-201309-review-simple-effective.html)


Phần III: Cài đặt SolydX

A. Chuẩn bị cài đặt:

1- Tải ảnh ISO của SolydX từ: http://solydxk.com/homeedition/solydx/


2- Ghi ISO đã tải về vào đĩa DVD, hoặc vào USB. Trên Linux, công cụ để ghi ISO vào USB phổ biến là Unetbootin hoặc Multisystem. Trên Windows 7, các bạn cũng có thể dùng Unetbootin, hoặc dùng Win32 Disk Imager.

B. Các bước cài đặt:


(Các hình ảnh minh họa việc cài đặt dưới đây tôi chụp từ máy ảo, nhưng hơi mờ khi phóng to do tôi để máy ảo ở chế độ Scale)


1- Khởi động máy tính bằng DVD hoặc USB nói trên, chọn khởi động dòng 1 hoặc dòng 2 (dòng 1 có hình ảnh động Logo của SolydX).

SolydX -Install-01.png

2- Nhấp đúp biểu tượng cài đặt trên màn hình, chọn cài đặt với Tiếng Việt:

SolydX -Install-02.png

3- SolydX thường sẽ tự nhận đúng múi giờ, sau đó "next":

SolydX -Install-03.png

4- Bàn phím thông thường là Anh Mỹ, loại 105-key (Intl) PC:

SolydX -Install-04.png

5- Nhập các thông tin người dùng:

SolydX -Install-05.png

6- Vì máy ảo tôi mới tạo ra, ổ cứng của nó chưa được định dạng, nên SolydX đề nghị tạo phân vùng để tiến hành cài đặt:

SolydX -Install-06.png

Khi cài trên máy thật, cũng giống như các phân phối Linux khác, SolydX sẽ đưa ra vài lựa chọn về cách phân vùng ổ cứng để cài đặt. Lựa chọn mặc định thường là xóa sạch ổ cứng, nên các bạn lưu ý điểm này. An toàn nhất là chọn cấu hình bằng tay, mà đó thường là lựa chọn dưới cùng. Tiếc là khi cài trên máy thật, tôi đã không chụp lại ảnh màn hình.

Khi chọn cấu hình phân vùng ổ cứng bằng tay, ta có thể phân chia, chỉnh sửa lại các phân vùng trên ổ cứng bằng phần mềm Gparted (SolydX sẽ tự động bật nó lên), sau đó ta sẽ chọn phân vùng để gán vào cài đặt.

Đây là hình ảnh ổ đĩa cứng trên máy thật của tôi. Bạn lưu ý, cách phân vùng thông thường chỉ tạo ra được tối đa 4 phân vùng chính trên 1 ổ cứng. Nhưng nếu phân vùng cuối cùng (phân vùng số 4), ta chọn nó là loại mở rộng (extended), thì phân vùng này có thể chia ra làm nhiều phân vùng nhỏ (loại logic).

Gparted.png

(Ổ đĩa số 3 - sda3 - là nơi tôi cài SolydX bản 64 bit, nên điểm gán là "/", còn sda8sda9 là tôi chọn tự gán vào /mnt/Linux và /mnt/Data khi cài đặt. Phân vùng cuối cùng - sda10 - là phân cùng "swap" cần phải có nếu muốn HĐH có khả năng "ngủ đông")


7- Đây là kết quả SolydX phân vùng tự động ổ cứng cho máy ảo. Tôi gán sda2 vào "/" là nơi cài đặt SolydX, còn sda1 là phân vùng "swap" thì SolydX tự gắn luôn.

SolydX -Install-07.png

8- Tôi bỏ chọn Plymouth, vì tôi thích nhìn thấy các dòng chữ chạy trên màn hình khi khởi động, có trục trặc gì cũng dễ nhận biết.

SolydX -Install-08.png

Bộ nạp khởi động GRUB sẽ nhận biết nếu có Windows hoặc các HĐH khác đã cài từ trước trên máy bạn, và sẽ tự tạo ra các mục chọn để bạn có thể khởi động vào các HĐH này mỗi khi bật máy.

9- Kiểm tra lại thông tin trước khi thực sự cài đặt:

SolydX -Install-09.png

10- SolydX tiến hành cài đặt vào ổ cứng:

SolydX -Install-10.png

11- Việc cài đặt đã xong. Như vậy là mất khoảng 25 phút. Bây giờ khởi động lại máy tính để xem kết quả:

SolydX -Install-11.png

12- Kết quả đây. Nếu máy bạn có phần cứng đặc biệt, như cạc màn hình Nvidia hoặc ATI chuyên đồ họa, thì bạn vào mục Drivers rồi chọn driver thích hợp để cài.

SolydX -Install-12.png

Thông số chiếm dụng tài nguyên của SolydX sau khi khởi động khá là nhẹ nhàng. Tôi cài đây là bản 64 bit, chứ nếu bản 32 bit còn nhẹ nữa (chiếm dụng ram ít hơn bản 64 bit khoảng 60-80Mb)

SolydX -Install-13.png


Hẹn các bạn ở Phần IV: Tùy biến, hoàn thiện SolydX


(Phần IV sẽ viết tách ra trong nhiều bài kế tiếp bên dưới)
18 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Phần IV: Tùy biến, hoàn thiện SolydX

(Ảnh trong bài viết này hơi mờ khi phóng to do tôi để máy ảo ở chế độ Scale)

IV-1. Cập nhật, chọn "gương tải" từ máy chủ (kho phần mềm chính) nhanh nhất:

SolydX mà tôi cài là phiên bản tháng 11/2013, thông thường cứ đến mùng 6 hàng tháng là có một đợt cập nhật tổng thể. Nhưng ta nên cập nhật sau đó vài ngày, để máy chủ được giảm tải.

Hình ảnh dưới đây là Trình Quản lý Cập nhật cho ta biết đã có đợt nâng cấp ngày 06/12/2013, tổng số 239 gói, 222Mb.

SolydX -Update-01.png

Nhưng ta không nên cập nhật ngay, mà hãy chọn "gương tải" từ máy chủ nhanh nhất (thường là gần nhất về mặt địa lý), bằng công cụ tích hợp sẵn trong Trình Quản lý Cập nhật. Như hình dưới đây, đối với Việt Nam thì gương nhanh nhất là ở Úc (AUS).

SolydX -Update-02.png

Các bạn hãy đánh dấu chọn vào hai dòng mà cột Country là AUS. Sau đó "Áp dụng" để Trình Quản lý Cập nhật tải lại danh sách gói. Cuối cùng là nhấn nút "V" để Cài đặt các bản cập nhật.

(Đọc tiếp phần IV-2: "Cài đặt và Cấu hình bộ gõ Tiếng Việt IBus-Unikey" ở bên dưới)
(Ảnh trong bài viết này hơi mờ khi phóng to do tôi để máy ảo ở chế độ Scale)

IV-2. Cài đặt và Cấu hình bộ gõ Tiếng Việt IBus-Unikey:

SolydX có sẵn 2 công cụ quản lý phần mềm là "Synaptic Package Manager" và "Trình Quản lý Phần mềm". Synaptic thì nhanh, mạnh mẽ và chuyên sâu, còn Trình Quản lý Phần mềm thì trực quan, dễ hiểu.

Để gõ được Tiếng Viết trên hầu hết các ứng dụng, ta cần cài 2 gói: một là ibus-unikey (nó sẽ kéo theo 1 số gói cần thiết như ibus, ibus-gtk, ibus-gtk3, im-config); hai là ibus-qt4 (dành cho các ứng dụng KDE-Qt)

SolydX -Ibus-Unikey-01.png

Cài đặt 2 gói nói trên xong, chạy "Tùy chọn IBus" từ Menu; nó sẽ đề nghị ta chạy "IBus Daemon". Bạn hãy đồng ý.

Phiên bản IBus hiện nay không còn sử dụng cụm phím tắt "Ctrl+Space" để tắt bật bộ gõ nữa. Chế độ gõ bằng IBus bây giờ luôn bật. Chỉ còn có cụm phím tắt để chuyển giữa các kiểu gõ (ví dụ: Anh - Việt ...) là "Super+Space".

Do đã quen dùng Ctrl+Space từ xưa, nên tôi tạo thêm phím tắt này bằng cách nhấn vào nút "..." ở cuối mục "Phím tắt - Kiểu gõ kế tiếp", sau đó đánh dấu chọn vào phím "Control", bỏ chọn phím "Super", nhấn "Thêm", nhấn "Áp dụng" và OK. Làm như vậy xong là tôi đã có 2 cụm phím tắt để chuyển đổi giữa các kiểu gõ.

SolydX -Ibus-Unikey-02.png

Cấu hình cho hệ thống sử dụng IBus (hình như không cần cũng được) bằng công cụ "im-config" (Trình chuyển cách nhập liệu):

SolydX -Ibus-Unikey-03.png

Chọn ibus:

SolydX -Ibus-Unikey-04.png

Cấu hình sử dụng IBus cho các ứng dụng KDE-Qt bằng công cụ "qt4-qtconfig" (Qt 4 Settings). Trong thẻ Interface, mục dưới cùng là Default Input Method, chọn ibus. Nếu bạn không gõ Tiếng Việt trong các ứng dụng KDE-Qt thì bỏ qua bước này.

SolydX -Ibus-Unikey-05.png

IBus hiện tại có những cải tiến rất đáng khen:

1- Khi nhấp chuột (trái) vào biểu tượng IBus, các chức năng lựa chọn đều thực hiện ngay ở đây: chuyển đổi kiểu gõ, lựa chọn các chế độ gõ... (phím phải chuột là cấu hình và một vài chức năng quản lý). Các bạn xem hình dưới đây sẽ rõ hơn.

2- Chức năng "Bắt sự kiện chuột" tốt hơn trước rất nhiều. Tức là khi chuột bị di chuyển, thì IBus tự biết chấm dứt chữ đang gõ, không còn bị nhảy ký tự khi nhấp chuột vào nơi khác nữa.

Bức ảnh dưới đây cho các bạn thấy việc gõ Tiếng Việt trên phần mềm soạn thảo AbiWord (Qt) bị lỗi. Tôi không biết cách sửa lỗi này. Tuy nhiên, điều này không đáng quan tâm lắm, vì sắp tới đây chúng ta sẽ cài bộ phần mềm văn phòng nổi tiếng là LibreOffice.

Còn nếu bạn thích tương thích tốt với Microsoft Office, thì hãy cài Kingsoft Office phiên bản dành cho Linux. Phần này tôi sẽ nói kỹ sau.

SolydX -Ibus-Unikey-06.png

Bức ảnh này các bạn lưu ý thêm một điểm nữa. Hiện tại IBus đang có 3 kiểu gõ: 1 kiểu là Tiếng Việt - Unikey, 2 kiểu còn lại đều là Tiếng Anh. Trong 2 kiểu gõ Tiếng Anh ta chỉ cần giữ lại kiểu English (US) đối với các bàn phím thông dụng.

Để làm việc này, nhấp chuột phải vào biểu tượng IBus (chữ V - vì đang ở chế độ gõ Tiếng Việt), chọn Tùy thích. Ở Tab "Kiểu gõ", đánh dấu chọn vào mục "Customize active input methods", chọn vào kiểu gõ ở giữa (thứ 2) ở trong hình, rồi nhấn nút "Bỏ".

(Đọc tiếp phần IV-3: "Một vài tùy biến giao diện đơn giản nhưng quan trọng" ở bên dưới)
(Ảnh trong máy ảo ở các bài viết bên trên hơi mờ khi phóng to do tôi để máy ảo ở chế độ Scale. Trong bài viết này tôi đã tắt chế độ Scale của máy ảo)

IV-3. Một vài tùy biến giao diện đơn giản nhưng quan trọng:

Sau khi cài xong, SolydX trông chưa hấp dẫn lắm: chưa có hiệu ứng bóng đổ, nhất là font chữ trông hơi xấu... Cho nên ta sẽ làm vài tùy chỉnh để cải thiện vấn đề này.

1- Kích hoạt hiệu ứng đồ họa: Vào Settings -> Tinh chỉnh trình quản lý cửa sổ -> thẻ Compositor -> Đánh dấu chọn "Enable display compositing" và chọn đủ 4 dòng phía dưới nó.

SolydX -Setting-Compositor.png

2- Thay đổi và làm mịn font chữ: Settings -> Appearance -> thẻ Fonts: Đổi font mặc định thành Droid Sans Regular cỡ 11 hoặc DejaVu Sans Book cỡ 11. Đánh dấu chọn vào mục "Enable anti-aliasing". Tiếp đó, mục "Hinting" chọn "Slight", mục "Sub-pixel order" chọn "RGB"

SolydX -Setting-Appearance.png

3- Tối ưu font chữ cho màn hình LCD: Trong thư mục Cá nhân (/home/tên_người_dùng), tạo file có tên ".fonts.conf" có nội dung là 35 dòng như sau:

Code:
<?xml version="1.0"?>
<!DOCTYPE fontconfig SYSTEM "fonts.dtd">
<fontconfig>
<match target="font">
  <edit mode="assign" name="hinting" >
  <bool>true</bool>
  </edit>
</match>
<match target="font" >
  <edit mode="assign" name="autohint" >
  <bool>true</bool>
  </edit>
</match>
<match target="font">
  <edit mode="assign" name="hintstyle" >
  <const>hintslight</const>
  </edit>
</match>
<match target="font">
  <edit mode="assign" name="rgba" >
  <const>rgb</const>
  </edit>
</match>
<match target="font">
  <edit mode="assign" name="antialias" >
  <bool>true</bool>
  </edit>
</match>
<match target="font">
  <edit mode="assign" name="lcdfilter">
  <const>lcddefault</const>
  </edit>
</match>
</fontconfig>
 
(Dòng 35 để trống)

Đăng xuất và đăng nhập trở lại là xong

SolydX -Setting-Font.conf.png

(Còn tiếp)
IV-4. Một số tùy biến cơ bản:

1- Tùy bến Panel: Nhấp chuột phải vào chỗ trống trên thanh Panel -> Panel ->Panel Preferences...

Nếu muốn di chuyển vị trí Panel, ở thẻ Display, bỏ chọn mục "Lock panel", sau đó giữ chuột vào đầu trái hoặc đầu phải của Panel là có thể di chuyển để đưa nó lên đỉnh màn hình... Còn "Mode" là chọn kiểu Panel nằm ngang hay dọc...

SolydX -Setting-Panel-01.png

Ở thẻ Appearance, kéo thanh Alpha về = 0 thì Panel trong suốt:

SolydX -Setting-Panel-02.png

Để phù hợp với Panel trong suốt, trong thẻ Items, chọn mục "Window Buttons" rồi nhấp vào nút Edit..., sau đó đánh dấu chọn vào mục "Show flat buttons" trong cửa sổ chỉnh sửa vừa hiện ra:

SolydX -Setting-Panel-03.png

Trong thẻ Iterms này, ta có thể thêm (dấu + xanh) hoặc bỏ (dấu x đỏ) các thành phần, hoặc thay đổi vị trí của chúng trên Panel (2 mũi tên lên xuống). Trong ảnh dưới đây, khi thêm plugin giám sát nhiệt độ, nó yêu cầu tôi chạy lệnh "chmod u+s /usr/sbin/hddtemp" với quyền root và khởi động lại Plugin.

Để làm việc này, mở cửa sổ dòng lệnh Terminal (ở đây là xfce4-terminal) lên, chạy lệnh:
Code:
sudo chmod u+s /usr/sbin/hddtemp

Sau đó bỏ plugin nói trên đi và thêm nó trở lại là xong.

SolydX -Setting-Panel-04.png

Tôi không thích "Đồng hồ" mặc định, vì nó không hỗ trợ xem lịch, cho nên tôi bỏ nó và thay bằng "DateTime", chọn Layout dạng "Time only"... như ảnh này:

SolydX -Setting-Panel-05.png

Đây là các thành phần của Panel Xfce4 trên máy thật của tôi, cũng là SolydX bản 64 bit. Tôi khuyên các bạn nên thêm plugin "Places" vào Panel (cái bảng thả xuống ngoài cùng bên trái). Nó rất tiện dụng.

SolydX -Setting-Panel.png


2- Tùy biến Desktop: Nhấp nút phải vào màn hình -> Thiết lập desktop...

Nếu trong thẻ Icons, mục "Icon type" mà các bạn chọn "Không", thì Desktop không còn hiện bất kỳ biểu tượng nào, và khi nhấp chuột phải vào màn hình cũng không còn hiện Menu chuột phải giống hình dưới đây, mà nó hiện Menu Applications. Khi đó, muốn chỉnh sửa Desktop thì các bạn vào Settings -> Desktop.

SolydX -Setting-Desktop.png

(Còn tiếp)
IV-5. Tùy biến các cụm Phím tắt (Keyboard shortcuts):

Nếu biết tận dụng các phím tắt, việc sử dụng máy tính sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Ta cứ so sánh giữa máy tính bảng và máy tính truyền thống, thì sẽ thấy việc có bàn phím thật nó thoải mái như thế nào. Bây giờ, nếu ta còn biết khai thác triệt để khả năng của bàn phím thật thì còn hay hơn nữa.

Trong giao diện Xfce, việc quản lý các cụm Phím tắt nằm trong hai mục ở Settings là "Keyboard" và "Trình quản lý cửa sổ". Keyboard quản lý những phím tắt gọi các Ứng dụng hoặc các câu Lệnh trong thẻ "Application Shortcuts". Trình quản lý cửa sổ thì quản lý các phím tắt điều khiển hành vi Cửa sổ của các ứng dụng và Desktop (Windows Shortcuts) trong thẻ "Keyboard".

Ảnh chụp dưới đây là các cụm Phím tắt mặc định của SolydX trong máy ảo. Các bạn lưu ý: "Super" tức là phím có biểu tượng Windows (cửa sổ); "Primary" tức là phím "Ctrl".

SolydX -Keyboard-shortcut-01.png

Còn đây là các phím tắt trên máy thật của tôi. Một số phím tắt thường dùng tôi có liệt kê trong Conky (dãy cột chữ nằm trên nền màn hình, bên cạnh phải)

SolydX -Keyboard-shortcut-02.png

Đối với "Windows Shortcuts", ta chỉ có thể gán, sửa hoặc xóa các phím tắt, chứ không thể thêm các mục mới được. Dù nhấp đúp chuột vào cột Action hay cột Shortcut thì chỉ có Bảng nhập cụm Phím tắt hiện ra cho ta nhập.

Còn với "Application Shortcuts", ngoài việc gán, sửa hoặc xóa các phím tắt, ta còn có thể thêm các mục phím tắt thoải mái. Cột bên trái là Command, tức là lệnh gọi các Ứng dụng có giao hiện, hoặc chạy các dòng Lệnh bất kỳ. Nhấp đúp chuột vào bên Command thì Bảng nhập lệnh hiện ra, còn nhấp đúp chuột vào cột Shortcut bên phải thì Bảng nhập cụm Phím tắt hiện ra cho ta nhập. Muốn thêm mục phím tắt mới thì có nút Add.

Các bạn để ý bên "Application Shortcuts", nằm trên dòng phím tắt cho Thunar (trình Quản lý file mặc định của Xfce), từ dưới lên lần lượt là cụm Phím tắt để tắt và để bật Touchpad (Bàn dê chuột) mà tôi tạo thêm.

Ở bức ảnh này, cũng bên "Application Shortcuts", các mục phím tắt tính từ trên xuống, từ mục số 2 đến mục số 6 là các ứng dụng mà tôi tạo thêm và cài từ nguồn khác, chứ Debian và SolydX không có những lệnh này. Tạm thời tôi xin bỏ qua chúng.

Cũng bức ảnh này, các bạn có thể thấy một điểm lạ, là Cửa sổ Keyboard nằm chui xuống dưới thanh Panel, cao hết màn hình. Đó là do tôi đánh dấu chọn vào mục "Don't reserve space on borders", ở thẻ Display trong Bảng cấu hình thanh Panel. Do đó tôi có thể kéo các cửa sổ ứng dụng chui xuống hoặc đè lên thanh Panel. (Đè lên Panel nếu bật Always on Top cho cửa sổ ứng dụng)

Nếu làm giống tôi, các bạn cần phải nhớ một phím quan trọng này; đó là phím "Alt". Khi nhấn và giữ phím Alt, cùng lúc đó nhấn và giữ chuột ở bất kỳ vị trí nào trên cửa sổ ứng dụng, là ta có thể di chuyển nó, chứ không cần thiết phải nhấn giữ chuột trên thanh Tiêu đề của cửa sổ ứng dụng như bình thường.

(còn tiếp)
IV-6. Cài đặt và cấu hình LibreOffice:

Trong thế giới Linux, bộ phần mềm văn phòng LibreOffice hầu như ai cũng biết. Nó là một bộ phần mềm mạnh mẽ, thân thiện, nhiều thành phần tương tự như Microsoft Office, nhưng nhẹ hơn. Nó cũng có hỗ trợ các định dạng của Microsoft Office, tuy nhiên hiện nay, với các tài liệu phức tạp thì định dạng khi mở trên LibreOffice không thể hiện được đúng hoàn toàn.

LibreOffice gồm 6 công cụ chính như sau:

1- Writer: soạn thảo Văn bản (tương tự Word)
2- Calc: Phân tích và trình bày Bảng tính (tương tự Excel)
3- Impress: làm Thuyết trình (tương tự PowerPoint)
4- Draw: vẽ hình (2D, 3D, hình động, sơ đồ)
5- Base: quản trị dữ liệu
6- Math: viết phương trình, công thức toán

LibreOffice còn tích hợp sẵn chức năng xuất bản ra PDF rất tiện lợi.

(Trang web Tiếng Việt của LibreOffice: http://vi.libreoffice.org/home/)

Để cài đặt trọn bộ, dễ nhất là mở Trình quản lý Phần mềm, gõ vào ô tìm kiếm: "libreoffice", nhấn Enter, nhấp đúp vào dòng kết quả libreoffice hiện ra, nhấp Install... Cài đặt thông qua Synaptic cũng vậy, chỉ cần cài gói libreoffice là xong.

Tuy nhiên, nhu cầu của tôi chỉ cần dùng 2 công cụ là Writer và Calc, với giao diện và hướng dẫn Tiếng Việt. Đặc biệt, đối với Writer, tôi cần cài thêm phần mở rộng (Extension) "B2UConverter", để chuyển đổi các loại font chữ Tiếng Việt sang Unicode. Do đó, với các phiên bản hiện tại của LibreOffice là 4.1.x, còn U2BConverter là 11.0, tôi cài 5 gói sau:
Code:
libreoffice-calc libreoffice-writer libreoffice-help-vi libreoffice-gtk python-uno
Gói "python-uno" sẽ thay thế gói "python3-uno" mà mặc định sẽ cài kèm theo LibreOffice. Hiện tại, trên Debian, dùng python-uno (python phiên bản 2) thì mới chạy được U2BConverter 11.0 trên LibreOffice 4.1.x.

SolydX -LibreOffice-Writer-01.png

Để cài đặt U2BConverter cho LibreOffice, vào mục "Công cụ" trên thanh menu, chọn "Bộ quản lý phần mở rộng", chọn "Thêm", rồi cài gói "b2uconverter-11.0-py2.oxt" đã tải về sẵn. Sau khi khởi động lại LibreOffice, trên thanh menu của nó sẽ xuất hiện một mục B2UConverter riêng.

LibreOffice có một tính năng rất hay, đó là mở tài liệu tại vị trí ta lưu nó lần cuối. Nhưng để sử dụng được tính năng này, yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cơ bản cho LibreOffice. Chỉ cần vào Công cụ -> Tùy chọn, đánh dấu vào mục "Dùng dữ liệu cho thuộc tính tài liệu", rồi khai báo tên và họ là được.

SolydX -LibreOffice-02.png

Như ảnh dưới đây, bạn có thể tăng thông số Bộ nhớ dành cho LibreOffice, để giúp bộ phần mềm này làm việc với các tài liệu nặng được mượt mà hơn:

SolydX -LibreOffice-03.png

(Còn nữa - Phần tiếp theo: Kingsoft Office, phiên bản dành cho Linux)
IV-7. Bộ phần mềm văn phòng Kingsoft Office, phiên bản dành cho Linux

Tôi biết 2 bộ phần mềm văn phòng phiên bản dành cho Linux được nhiều người khen ngợi là tương thích tốt với Microsoft Office. Một là Kingsoft Office/WPS (Writer - Presentation - Spreadsheet) xuất xứ từ Trung Quốc; hai là FreeOffice xuất xứ từ Đức (?). Phần này, tôi viết về Kingsoft Office/WPS trước.

Như tên viết tắt của nó, WPS gồm có 3 thành phần: Writer là công cụ soạn thảo Băn bản; Presentation để làm Thuyết trình, còn Spreadsheet để làm Bảng tính.

Phiên bản hiện tại của WPS dành cho Linux là Alpha12 Patch3 [2013-12-04]. Nó có cả bản 32 bit và 64 bit, nhưng 64 bit chỉ chạy trực tiếp chứ không cài đặt được. Do đó, tôi chọn bản 32 bit.

Những bản phân phối Linux 64 bit hiện đại đều hỗ trợ sẵn kiến trúc 32 bit. Nên tôi tuy đang dùng XolydX 64 bit mà vẫn có thể cài WPS 32 bit bình thường.

Nhấp đúp vào file cài đặt đã tải về, Gdebi sẽ bật lên và rà quét các gói độ 2 phút, sau đó nó thông báo có một số gói phụ thuộc cần phải cài. Nhấp "Install..." để cài chúng:

SolydX -Kingsoft-Office-01.png

Sau khi cài xong những gói này, Gdebi tự động tắt (lỗi chăng?), cho nên, tôi phải nhấp đúp vào file cài đặt WPS một lần nữa để cài nó.

Đây là giao diện của WPS học theo kiểu Ribbon của Microsoft Office (Trung Quốc là trùm sò vụ bắt chước này;)). Bạn để ý biểu tượng hình chiếc áo sơmi ở góc phải bên trên thanh đường viền của WPS, trước dấu hỏi. Đó là nút để thay đổi giao diện. WPS hiện có 3 giao diện miễn phí.

SolydX -Kingsoft-Office-02.png

Bức ảnh trên còn cho thấy WPS phát hiện ra đã có bản cập nhật mới, nên nó đề nghị ta tải về để nâng cấp.

Còn dưới đây là hình ảnh khi tôi gõ Tiếng Việt. Các hiển thị của chữ khi gõ tôi không thích, vì khi chưa gõ xong thì phần chữ đang gõ hiển thị nhỏ ở dưới, nên trông không trực quan như khi gõ Tiếng Việt trên phần lớn các phần mềm khác. Có điều, chỉ cần bạn nhấn các phím điều hướng, nhấn phím Ctrl... hoặc động đậy chuột là chữ sẽ tự kết thúc (Đây là do chức năng "Bắt sự kiện chuột của IBus" đã được cải thiện tốt).

SolydX -Kingsoft-Office-03.png

WPS có một điều cần lưu ý: Nó tương thích tốt với tài liệu của Microsoft Office, nhưng lại chưa tương thích với các tài liệu định dạng mở mặc định của LibreOffice và OpenOffice (đuôi ODT...).

(Còn nữa - Bài sau: Tối ưu Pin cho Laptop...)
IV-8. Tối ưu Pin cho Laptop

1. TLP - Phần mềm quản lý điện năng cho Laptop. Cấu hình mặc định của nó kiểm soát các hoạt động của Laptop nhằm tối ưu tuổi thọ Pin. Cài đặt:

- Thêm vào file "/etc/apt/souces.list" một dòng địa chỉ kho cho TLP: (phải dùng quyền root)
Code:
deb http://ppa.launchpad.net/linrunner/tlp/ubuntu raring main
Hoặc tạo một file có đuôi ".list" trong thư mục "/etc/apt/souces.d/" (phải dùng quyền root) cũng có dòng địa chỉ kho cho TLP như vậy, tương tự bức ảnh dưới đây.

TLP-ppa.list.png

Một ví dụ cách thức để làm việc này: Nhấn tổ hợp phím Alt+F2, gõ lệnh "gksu mousepad" (để chạy trình soạn thảo mousepad với quyền root), nhấp Enter, dán vào cửa sổ mousepad vừa hiện ra dòng chữ nội dung địa chỉ kho bên trên, nhấn Enter xuống dòng để thêm một dòng trắng, lưu file vào thư mục nói trên với tên bất kỳ nhưng có đuôi ".list"

- Thêm Key cho PPA, chạy 1 trong 2 lệnh sau trong cửa sổ dòng lệnh:
Code:
apt-key adv --keyserver keyserver.ubuntu.com --recv-keys 02D65EFF
apt-key adv --keyserver pool.sks-keyservers.net --recv-keys 02D65EFF
- Cập nhật và cài đặt TLP, chạy lần lượt 2 lệnh sau trong cửa sổ dòng lệnh:
Code:
apt-get update
sudo apt-get install tlp tlp-rdw
Hoặc cập nhật danh sách gói và cài gói "tlp" thông qua Synaptic hoặc Trung tâm phần mềm>

Cơ bản như vậy là được, chỉ cần khởi động lại máy hoặc chạy lệnh "sudo tlp start" trong cửa sổ dòng lệnh (lxterminal) để khởi động TLP là xong.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tùy chỉnh cấu hình TLP theo ý của mình trong file "/etc/default/tlp". Ảnh dưới đây, tại dòng 22, tôi quy định Laptop sẽ chạy với công suất cao nhất khi cắm nguồn điện, còn dòng 23 quy định Laptop sẽ chạy công suất tùy theo yêu cầu của các công việc khi sử dụng Pin (tôi ưu ái hiệu suất công việc hơn là kéo dài thời gian dùng pin).

TLP-conf.png


2. Tắt màn hình hoàn toàn:


Mặc định thì SolydX dùng Trình bảo vệ màn hình giống đa số các phân phối Linux khác. Khi máy không nhận được thông điệp từ chuột hoặc bàn phím một thời gian, thì màn hình máy tính sẽ hiển thị các hình đồ họa động hoặc hiển thị nền đen tùy theo cấu hình của ta.

Screensaver Preferences.png

Tuy nhiên, dù là hiển thị nền đen, nhưng đèn nền màn hình vẫn bật (sáng mờ mờ), tức là màn hình vẫn sử đụng điện năng. Cho nên, trên Laptop tôi không dùng Trình bản vệ màn hình (chọn mục "Disable Screen Saver" trong bức ảnh bên trên), mà sử dụng một tổ hợp phím để gọi lệnh tắt hoàn toàn màn hình, khi không cần sử dụng đến nó:

Xset-DPMS-force-off.png

Lệnh tắt màn hình là "xset dpms force off", và tổ hợp phím tắt tôi đặt là "Ctrl+Shift+Alt+f".

Bạn lưu ý điều này: khi nhấn tổ hợp phím tắt xong, lúc nhấc tay ra khỏi bàn phím thì nhấc đồng thời tất cả các phím. Nếu bạn nhấc tay lên mà phím trước, phím sau, thì màn hình vừa tắt đi mới khoảng 1-2 giây sau là nó lại bật sáng lại. Cũng vậy, khi màn hình đã tắt, chỉ cần bạn di động chuột hay nhấn phím bất kỳ là màn hình bật sáng trở lại.

(Còn tiếp)
IV-9. Giới thiệu FreeOffice và so sánh 3 bộ Phần mềm Văn phòng trong bài

FreeOffice cũng gồm 3 thành phần giống Kingsoft Office (WPS):

- PlanMaker: làm Bảng tính
- Presentations: làm Thuyết trình
- TextMaker: soạn thảo Văn bản

FreeOffice sẽ yêu cầu thông tin Email... khi ta muốn vào trang web của nó để tải về file cài đặt. Sau đó đọc trong Email nó gửi cho thì ta mới có Link tải và mật khẩu để cài đặt.

SolydX -FreeOffice-Download.png

Tôi không cài được FreeOffice bản 64 bit. Có lẽ trên dòng họ nhà Ubuntu thì cài được. Do đó tôi tải về file "DEB" 32 bit và cài. Kinh nghiệm cài cũng giống WPS, tức là phải chạy file DEB 2 lần: lần đầu cài các gói phụ thuộc, lần sau mới cài gói chính.

Dưới đây là giao diện của FreeOffice; trông hơi cổ và sơ sài. Khi gõ Tiếng Việt cũng gặp tình trạng giống WPS: các ký tự đang gõ không hiển thị trực tiếp vào văn bản.

SolydX -FreeOffice.png

Còn dưới đây là 4 bức ảnh chụp màn hình thể hiện sự tương thích với văn bản ".doc" của Microsoft Word, của 3 bộ Phần mềm Văn phòng trong các bài viết ở chủ đề này.

1- Văn bản gốc đã được xuất ra PDF (Dù có cả file DOC gốc, nhưng tôi không có Word nên đành xem bằng PDF):

Writer- So sanh -PDF-goc.png

Các bạn lưu ý các chữ bắt đầu và kết thúc của trang 6 và trang 7, để so sánh với 3 bức ảnh dưới đây.

2- Văn bản mở bằng LibreOffice: Font chữ kiểu Script trong phần văn bản này là "VNI-Park" đậm. LibreOffice có vẻ không tương thích tốt với những loại font chữ kiểu này. Đoạn văn bản ở đây bị giãn dòng; bức ảnh con Tê ngưu bị nhảy sang trang 8.

Writer- So sanh -LibreO.png

3- Văn bản mở bằng FreeOffice: Font chữ "VNI-Park" thực chất không có định dạng Bold. FreeOffice không có khả năng ép cho font chữ này đậm giống như LibreOffice, WPS và Microsoft Word. Ngoài ra, phần đầu trang và chân trang không hiểu vì sao cũng bị lệch. Còn lại thì nó hiển thị đúng văn bản gốc.

Writer- So sanh -FreeO.png

4- Văn bản mở bằng Kingsoft Office: Hiển thị chuẩn nhất trong cả 3. (đây là giao diện Classic của WPS)

Writer- So sanh -WPS.png

Tôi chỉ mới so sánh sơ lược được như vậy. Bạn nào có kinh nghiệm sâu hơn về các phần mềm này xin cho ý kiến.
Bổ sung "- Thêm Key...""- Cập nhật và cài đặt TLP..." vào phần IV-8:
"Tối ưu Pin cho Laptop".

(lúc trước viết thiếu)
Đã viết xong phần IV-9: "Giới thiệu FreeOffice và so sánh 3 bộ Phần mềm Văn phòng trong bài".

(Hết)
Để nâng cao tính ổn định cho SolydXK, nhóm phát triển đã quyết định năm 2014 chỉ phát hành các gói cập nhật lớn mỗi quý một lần: http://solydxk.com/up-process-change/
cám ơn bác, bài viết rất chi tiết và hữu ích, em đã cài đặt và thấy rất hài lòng với dístro này ;)
theo em bác nên làm nốt bài hướng dẫn về tinh chỉnh hệ thống và trang điểm desktop đi ạ (như cái conky bác đang chạy trên desktop đó)
(Theo đề nghị của bạn hungxalo)

Trang điểm Desktop với conky:


Trong hình dưới đây, phần cột chữ thông tin dọc bên cạnh phải màn hình chính là conky

SolydX -Conky.png

Cài đặt conky rất đơn giản, chỉ cần cài 1 gói "conky-std" (hoặc "conky-all" cho nhiều tính năng hơn).

Để conky tự khởi động cùng hệ thống, vào Menu -> Settings -> Session and Startup, trong thẻ Application Autostart, tạo một mục khởi động có Tên là "conky", với Câu lệnh cũng là "conky".

Để cấu hình conky, trong thư mục NHÀ (/home/tên_user/), tạo một file văn bản có tên ".conkyrc".

(Dấu chấm trước tên file quy định nó là file ẩn. Để bật tắt chế độ hiển thị file ẩn trong Trình quản lý tập tin Thunar, ta có thể dùng tổ hợp phím tắt "Ctrl + H", hoặc trên thao tác trên menu của Thunar)

Nội dung file ".conkyrc" là cấu hình quy định thông tin conky sẽ hiển thị trên Desktop. Dưới đây là nội dung file ".conkyrc" của tôi:

Code:
# conky configuration
#
# The list of variables has been removed from this file in favour
# of keeping the documentation more maintainable.
# Check http://conky.sf.net for an up-to-date-list.
#
# For ideas about how to modify conky, please see:
# http://crunchbanglinux.org/forums/topic/59/my-conky-config/
#
# For help with conky, please see:
# http://crunchbanglinux.org/forums/topic/2047/conky-help/
#
# Enjoy! 😃
##############################################
# Settings
##############################################
background yes
use_xft yes
xftfont Droid Sans:size=10
xftalpha 1
update_interval 1.0
total_run_times 0
own_window yes
own_window_transparent yes
own_window_type desktop
#own_window_argb_visual yes
own_window_hints undecorated,below,sticky,skip_taskbar,skip_pager
double_buffer yes
minimum_size 200 200
maximum_width 240
draw_shades no
draw_outline no
draw_borders no
draw_graph_borders no#4D4D4D
default_color 262626
default_shade_color 000000
default_outline_color 828282
alignment top_right
gap_x 15
gap_y 75
no_buffers yes
uppercase no
cpu_avg_samples 2
override_utf8_locale yes
##############################################
#  Output
##############################################
TEXT
S Y S T E M    I N F O
${hr}
Host:$alignr$nodename
Uptime:$alignr$uptime
RAM:$alignr$mem/$memmax
Swap usage:$alignr$swap/$swapmax
Disk usage:$alignr${fs_used /}/${fs_size /}
CPU usage: $alignr$color${cpu cpu0}%  ${execi 8 sensors | grep ^temp1 | tail -n 1 |awk '{print $2}'}


S H O R T C U T    K E Y S
${hr}
Super+Esc$alignr Panel Menu
Super+Space$alignr Desktop Menu
Super+Tab$alignr All Running App
Alt+Tab$alignr Switch Window
#Alt+Esc$alignr Panel Menu
#Alt+F1$alignr Desktop Menu
Alt+F2$alignr Run App
Alt+F3$alignr Search App
Alt+F4$alignr Close Window
Alt+F6$alignr Move W. to Center
Alt+F7$alignr Move Window
Alt+F8$alignr Resize Window
Alt+F9$alignr Minimize Window
Alt+F10$alignr Maximize Window
Alt+F11$alignr Fullscreen
Ctrl+Alt+D$alignr Show Desktop
Ctrl+Alt+F$alignr TouchPad Off
Ctrl+Alt+O$alignr TouchPad On
Ctrl+Alt+S$alignr Catfish Search
Ctrl+Alt+L$alignr Lock Screen
Ctrl+Alt+Delete$alignr Logout
PrtSc$alignr Screenshot

${hr}
Ctrl+Space$alignr IBus (Go Tieng Viet)
#Alt+Shift$alignr (Thay doi) BoGo/Unikey
Super+D$alignr Dolphin Files Manager
Super+E$alignr Editor (Text)
Super+F$alignr Thunar File Manager
#Super+S$alignr Search Command
#Super+R$alignr Run App
Super+T$alignr Terminal
Super+Alt+Left$alignr AeroSnap Left
Super+Alt+Right$alignr AeroSnap Right

Những dòng có dấu "#" (thăng) ở đầu, conky sẽ hiểu là dòng đó bị vô hiệu hóa. Cho nên ta sử dụng dấu "#" ở đầu dòng để viết chú thích, hoặc vô hiệu hóa một dòng mà chưa muốn xóa bỏ hẳn.

Trong nội dung bên trên, từ dưới dòng "#Settings" đến trước dòng "#Output" là các cấu hình chung cho conky, còn bên dưới dòng "TEXT" là những thông tin mà conky sẽ hiển thị ra ngoài Desktop.

Tham khảo tại trang mạng của conky: http://conky.sourceforge.net/
longtg2004
ĐẠI BÀNG
10 năm
Hay qá . 1 bài viết công phu
longtg2004
ĐẠI BÀNG
10 năm
Hay qá . 1 bài viết công phu

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019