Đánh giá Asus G51J, laptop có nVidia 3D Vision đầu tiên trên thế giới

sonlazio
8/2/2010 22:20Phản hồi: 36
Đánh giá Asus G51J, laptop có nVidia 3D Vision đầu tiên trên thế giới
Trong bài viết trên tay chiếc máy tính xách tay hỗ trợ hiển thị hình ảnh 3D Asus G51J, đã có khá nhiều bạn "phàn nàn" tại sao Tinh Tế lại không nói lên những cảm nhận của mình mà chỉ giới thiệu sơ qua, không cho các bạn hiểu thêm về chiếc máy này. Hôm nay mình xin chia sẻ những cảm nhận của mình về chiếc máy này.


I) Phần cứng


1) Tổng thể:


[boxr=320] Cấu hình:
CPU: Intel Core i7 720QM 4 nhân x 1,6Ghz, Turboboost 2,8Ghz.

RAM: 2GB x 2 DD3 8500 1066Mhz.
Card đồ họa: nVidia GTX260, 1GB VRAM
Ổ cứng: 2 x 500GB, 7200 vòng.
Ổ đĩa: đọc Bluray, đọc + ghi DVD/CD.
Giao tiếp: 4 cổng USB, ngõ nhập/xuất audio, microphone, khe đọc thẻ SD/MMC/MS, Express Card 54, HDMI, eSata, mini-FireWire, cổng VGA.
Pin: 6 cell, 4800mAh.[/boxr]Là một chiếc máy chơi game, chẳng ai lại nghĩ, lại mong G51J sẽ nhẹ như các máy siêu di động. Tuy nhiên bạn cũng sẽ ngạc nhiêu về trọng lượng của nó khi cầm lên. Hoặc nếu bạn đang dùng một chiếc Alienware thì có lẽ bạn sẽ không cảm thấy điều đó. Asus G51J là một trong những laptop có màn hình 15,6 inch nặng và to nhất từng xuất hiện trên Tinh Tế. Chiếc máy này nặng khoảng 3,3kg, kích thước xấp xỉ một chiếc Macbook Pro 17 inch, điều này là do tỉ lệ màn hình 16:9 làm cho máy rộng hơn. Dù vậy, xét theo tiêu chuẩn của 1 máy có 4 khe cắm RAM và 2 ổ cứng HDD thì máy không to lắm.

Thiết kế của G51J mang đậm những điểm nhấn, đường nét để thể hiện sự mạnh mẽ, điều mà các game thủ luôn mong muốn ở chiếc máy của mình. Có lẽ G51J lai rất nhiều từ chiếc Asus VX5 Lamborghini trước đó. Nắp máy có 3 đèn LED chạy dọc 2 biên và ngang màn hình, bao trọn logo Republic Of Gamers rất đẹp. Có vẻ như Asus muốn nhiều đường cong hơn trên G51J để tạo sự khác biệt với VX5 nhưng chính những đường cong mang đậm nét Asus này lại làm cho chiếc máy nhìn càng trở nên nặng nhọc và thô hơn. Nhìn kỹ thì chúng ta có thể thấy Asus có khả năng thu hẹp khung màn hình và khung máy lại để giảm kích thước của toàn máy, nhưng có vẻ như điều đó không quan trọng lắm.

Khu vực dưới bàn phím của G51J là một điểm khác lại. Nó được phủ một lớp nhung giống như trên mặt của các máy IBM ThinkPad, lớp nhung này hạn chế việc bị trầy, xước trong quá trình sử dụng máy. Nó cũng giúp bạn cảm thấy êm và mềm hơn khi để tay lên. Không biết dùng lâu nó có tróc ra hay không.

2) Bàn phím và bàn di chuột:

Cám ơn tỉ lệ màn hình 16:9 mà ta có một chiếc máy rất rộng, rộng đến nỗi ta có thể bố trí một bàn phím số bên cạnh bàn phím chữ truyền thống, việc này giúp chúng ta thao tác nhanh hơn công việc đòi hỏi gõ số nhiều. G51J được trang bị bàn phím chicklet, kích thước tiêu chuẩn. Giống như hầu hết những chiếc MTXT của ASUS hiện nay thì bàn phím của G51J là một mảng có thể tách rời. Ngay trên phía trên của bàn phím có 5 chốt nhỏ, mình chưa thử gỡ ra nhưng chắc chắn đó là các nút để khóa bàn phím vào thân máy. Bàn phím nguyên khối rời này tuy tiện cho việc sản xuất, sửa chữa, thay thế nhưng lại làm cho nó có vẻ không chắc chắn và rời rạc với máy. Khi bạn gõ lên một phím nào đó hơi mạnh thì bạn sẽ thấy như là cả bàn phím cùng nhúng xuống theo nhịp. Mỗi phím đều được phủ một lớp nhôm đen và có đèn ở dưới có thể vì lớp nhôm này mà một số người sẽ cảm thấy bàn phím G51J khô.

Bàn phím G51J được chiếu sáng bằng đèn blacklight nền giúp bạn nhìn rõ hơn trong đêm tối. Có 4 mức độ sáng khác nhau để bạn tự do chuyển đổi, tránh làm ảnh hưởng đến người khác. Đây là điểm mà mình rất thích ở chiếc máy này.

Quảng cáo



ASUS không trang bị các phím chuyên nghiệp giành cho game thủ trên chiếc G51J này tuy trên bàn phím có rất nhiều phím tắt khác nhau. Các phím này bố trí rải rác khắp bàn phím và có tác dụng khi ta nhấn nút Fn.


Tuy cảm giác bấm bình thường nhưng cách sắp xếp vị trí của Asus không hay lắm. Nhiều người lo ngại việc máy có cụm phím số sẽ đẩy tay qua bên trái, khó bấm hơn nhưng điều đó không có thực. Mình chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen với nó. Nhưng điều khó chịu ở đây là Asus đã đặt phím định hướng (4 chiều) quá dở, nút phải nằm chung với cụm phím số chứ không tách riêng ra. Hậu quả là mình thường xuyên gõ lầm cho dù đã cố gắng nhớ. Đây là điều mà họ tiếp tục mắc phải với những chiếc máy chơi game sau nay, kể cả GJ73 mới nhất.

Ngoài ra, cũng có khá nhiều phím tắt được thiết kế thiếu hợp lý. Máy tính chơi game và giải trí mà Asus không hề có bất cứ phím riêng nào dùng để điều khiển đa phương tiện. Nếu không muốn đụng đến chuột, bạn phải dùng tổ hợp phím Fn + 4 chiều nhưng vị trí giữa chúng là quá xa, không có cách nào để với tới nếu dùng 1 tay cả. Vậy thì phím tắt để làm gì khi người dùng bắt buộc phải dùng 2 tay để sử dụng? Cũng may là với một số phím như tắt/mở 3D, chuyển đổi giữa các chế độ hiệu năng khác nhau và tắt/mở bàn di chuột thì Asus đã làm thành nút riêng dưới dạng cảm ứng khá tiện lợi.

Bàn di chuột của G51J có thể đạt điểm số xuất sắc. Ngoài các dòng Macbook vượt trội hơn hẳn thì bàn di chuột của các máy VAIO là tốt nhất và G51J đã đạt đến đẳng cấp đó. Bàn di rất nhạy và cảm giác bấm phím cũng rất tốt. Tuy vậy, bàn di chuột này không có tính năng cảm ứng đa điểm thời thượng. Để bù lại, Asus cũng rất tâm lý khi tặng kèm chuột chuyên dụng Razer Abyssus có giá khoảng 50$ với độ phân giải cực cao, 3500 dpi.

3) Màn hình:

Quảng cáo


Nằm trong số ít máy tính có màn hình quét ở tốc độ 120Hz trên thế giới, chất lượng hình ảnh của G51J khá tốt. Tốc độ quét cao giúp hiển thị hình ảnh mượt mà hơn cũng như để đáp ứng yêu cầu tối thiểu của bộ công cụ nVidia 3D Vision nhằm coi phim và chơi game 3D. Chất lượng hiển thị phiên bản thương mại ở Việt Nam khá tốt, góc nhìn ngang đã "ngon" hơn rất nhiều so với bản thử nghiệm tuy góc nhìn dọc còn hơn kém.

Bên cạnh đó, màn hình này cũng có độ phân giải thấp, chỉ là 1366 x 768 pixel. Cho dù Asus cho biết máy có tùy chọn độ phân giải Full HD nhưng theo mình, tất cả những máy kiểu này nên để Full HD là mặc định. Ngay cả netbook VAIO W cũng có độ phân giải bằng G51J, độ phân giải này chỉ thích hợp cho các máy 13 inch trở xuống mà thôi.

Tựu chung lại, chất lượng màn hình của G51J khá tốt nhưng Asus còn phải chỉnh sửa một chút nếu muốn nó hoàn thiện hơn.

4)Giao tiếp:

Là máy tính xách tay thay thế máy tính để bàn, G51J tích hợp đầy đủ các giao tiếp phổ thông. Dọc theo viền máy từ trái sáng phải, bạn có thể thấy các giao tiếp sau: đầu Bluray/DVD/CD, 2 cổng USB, ngõ nhập/xuất audio, lỗ cắm microphone, loa nhỏ, các đèn LED nhỏ báo trạng thái, công tắc tắt/mở Wi-Fi, khe đọc thẻ SD/MMC/MS, lỗ loa nhỏ thứ 2, khe Express Card 54, 2 cổng USB, HDMI, eSata, miniFireWire, lỗ khóa Kensington và cổng VGA. Trong khi đó, lỗ cắm nguồn và mạng LAN lại ở phía sau máy. Cổng LAN của G51J là loại gigabit chứ không dừng ở bức 100Mbps bình thường nữa.




II) Trải nghiệm


1) Sử dụng bình thường:


[boxr=320] Turbo Boost là một công nghệ của Intel cho phép tắt tất cả các nhân xử lý trừ 1 nhân xử lý chính. Sau đó, công nghệ này sẽ tự ép xung nhân đó lên đến một tốc độ được quy ước sẵn nhằm đạt được hiệu năng cao hơn. AMD cũng mới đưa ra công nghệ này nhưng nó chưa bằng được Intel[/boxr]Mình dùng G51J để thay thế máy tính cá nhân trong các tác vụ bình thường như duyệt web, gõ văn bản, nghe nhạc, xem phim... chứ không làm các "việc nặng nhọc". Sau khoảng một tuần mình cảm thấy khá hài lòng với máy. Mọi thứ đều hoạt động trơn tru nhờ vào bộ xử lý 4 nhân Core i7 720QM và 4GB bộ nhớ RAM DDR3. Do được tích hợp công nghệ siêu phân luồng nên nhìn vào Device Manager, bạn có thể thấy Windows nhận Core i7 720QM như là bộ xử lý 8 nhân. 720QM cũng được tích hợp Turbo Boost nâng xung nhịp CPU lên 2,8Ghz.



Hệ điều hành của Asus G51J là Windows 7 Home Premium nhưng máy cũng có tính năng Instant Boot-up cho phép bạn truy xuất nhanh vào các ứng dụng nghe nhạc, xem phim trong vòng 8 giây kể từ lúc bấm nút khởi động. Bên cạnh đó, G51J còn có camera 2.0 MP giúp bạn chụp những bức hình khá đẹp nếu đủ sáng. Máy cũng sử dụng 2 microphone giống các laptop Asus khác nhằm nâng cao chất lượng thoại.

Ổ cứng Asus cung cấp cũng khá hào phóng với 2 ổ 500GB nâng tổng dung lượng lưu trữ lên 1TB. Mình chứa gần 100 bộ phim HD trong này mà vẫn còn khá nhiều. Tốc độ truy xuất của chúng cũng khá nhanh, mình thử chép một file từ ổ cứng này sang ổ cứng kia thì tốc độ ghi là 40-50MB một giây.

Mình có dịp cầm 2 máy G51J khác nhau, 1 máy dùng card đồ họa GTS 360, bộ nhớ RAM 8GB nhưng ổ cứng chỉ có 1 ổ 640GB. Máy còn lại là máy mà mình thực hiện benchmark trong bài viết này có cấu hình thấp hơn một chút. Nhưng điều dáng nhắc đến ở đây là Asus đã cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách dùng 4 thanh nhớ 2GB chứ không dùng 2 thanh 4GB. Với 4 khe cắm RAM, chắc chắn bạn sẽ có khả năng nâng cấp tốt hơn nhiều trong tương lai. Bên cạnh đó, với 2 ổ cứng, bạn có thể thay 1 ổ cứng SSD cài hệ điều hành và 1 ổ HDD lớn chứa dữ liệu. Có thể nói khả năng nâng cấp của G51J đã gần bằng máy tính để bàn rồi.



G51J có một loa siêu trầm ở đáy máy, kết hợp với 2 loa nhỏ đã đề cập ở trên và dải loa chính do Altec Lansing sản xuất chạy dọc dưới khớp nối màn hình. Bộ loa này cho tiếng không được to lắm so với vẻ ngoài "hoành tráng" của nó nhưng cũng đủ dùng. Chất lượng loa khá nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn dùng tai nghe 3,5mm hoặc loa ngoài.

Trong điều kiện sử dụng bình thường, khu vực kê tay bên phải mát và hiếm khi bạn nghe tiếng quạt quay. Tuy vậy, do khe tản nhiệt chính nằm ngay cạnh trái nên nếu vô tình để tay qua đây, bạn sẽ không còn cần lò sưởi trong những ngày đông lạnh lẽo nữa! Mình thử đặt bàn tay cách khe tản nhiệt cách xa 10 cm mà vẫn cảm nhận được một chút hơi ấm của máy. Bàn phím phía bên trái cũng hơi ấm hơn cụm phím số bên phải một chút nhưng không nhiều lắm. Điều này chứng tỏ khả năng tản nhiệt của G51J là khá tốt vì ngoài khu vực này, toàn bộ thân máy đều không bị ảnh hưởng gì.

Thời lượng sử dụng pin là điểm yếu nhất của G51J, Khi để chế độ tiết kiệm pin, mình phải sạc lại máy sau khoảng gần 1,5 tiếng. Thử nghiệm bằng Everest cho máy chạy hết sức ở chế độ High Performance, máy "tồn tại" được khoảng 40 phút.

2) Thử nghiệm:

Trước tiên mình dùng Everest để đo nhiệt độ của máy, Super PI đánh giá sức mạnh CPU, sau đó PC Mark Vantage bản 64 bit sẽ đưa ra để đo hiệu năng tổng thể, cuối cùng 3D Mark06 và game Resident Evil 5 sẽ chạy để xem khả năng đồ họa của G51J đến đâu. Máy gần như mới trước khi thực hiện tất cả các thử nghiệm này. Mình không cài thêm bất cứ phần mềm bên ngoài hay chỉnh sửa gì trong máy. Trước mỗi thử nghiệm, G51J đều được khởi động lại.

Để Everest "hành hạ" máy bằng cách bắt tất cả các thành phần của như CPU, RAM, ổ cứng... làm việc hết mức trong đúng 5 phút, nhiệt độ tối đa đo được bên trong CPU nhanh chóng tăng từ 60 lên là khoảng 87 độ C, ổ cứng gần như không thay đổi nhiều, vẫn nằm trong khoảng 40 độ trong khi quạt tản nhiệt chạy với tốc độ hơn 4400 vòng một phút. Lúc này bạn đã có thể nghe rõ tiếng quạt quay nhưng máy vẫn rất mát trừ khe tản nhiệt chính.


"Dã man" hơn, mình để máy chạy qua đêm với thời gian chính xác là 7,5 tiếng. G51J vẫn thể hiện khả năng tản nhiệt tốt của mình với nhiệt độ CPU cao nhất chỉ là 92 độ, không tăng nhiều so với chạy 5 phút. Quạt cũng tương tự, tốc độ trung bình là gần 4700 vòng. Sau một thời gian đứng yên thì ổ cứng cũng chịu tăng nhưng không nhiều, cao nhất là 46 độ C. Máy vẫn khá mát và bạn có thể dùng bình thường ngay sau khi tắt Everest. Điều này chứng tỏ G51J rất ổn định.


[boxr=320] Super PI là chương trình dùng để tính toán các số sau PI (3,14). Chương trình này sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của CPU để thực hiện việc này [/boxr]Chuyển qua bài test Super PI, mình tắt hết các chương trình đang chạy nền rồi chạy các phép tính 1 triệu và 2 triệu. Thời gian Core i7 720QM hoàn thành khá ấn tượng, tính 1 triệu số sau gần 16 giây và 2 triệu sau hơn 35 giây.


Ở bài test tiếp theo, hiệu năng tổng thể của máy sẽ được đo bằng PC Mark Vantage. Thử nghiệm ở độ phân giải 1024 x 768, khử răng cưa 4 mẫu thì điểm số của máy là 5814, khá cao so với một laptop. Điểm số này cao hơn hầu hết các máy laptop Core 2 Duo trước đây. Và bạn hãy nhớ là trong thử nghiệm, các chương trình kèm theo của nhà sản xuất chưa được gỡ bỏ cũng như hiệu năng chưa được tinh chỉnh lại. Nếu làm 2 việc đó, chắc chắn tốc độ sẽ cao hơn rất nhiều.



Thực hiện tất cả các bài thử nghiệm của 3D Mark 06, khử răng cưa 4 mẫu ở độ phân giải tối đa của máy là 1366 x 768, bộ lọc Anisotropic thì máy đạt điểm tổng thể là 8411. Một con số rất ấn tượng với điều kiện thử nghiệm như vậy. Tuy nhiên, bài thử nghiệm 3D Mark này mình đã tắt tính năng 3D Vision đi vì nhận thấy số khung hình bị tụt giảm liên tục chỉ còn bằng khoảng 3/5 so với lúc kích hoạt.


Cuối cùng, mình thử dùng chương trình benchmark của game Resident Evil 5, game đầu tiên được nVidia chứng nhận hiển thị 3D Vision để đánh giá card đồ họa của máy. Thử nghiệm được thực hiện ở độ phân giải 1280 x 720 pixel, khử răng cưa 4 mẫu, kích hoạt tất cả các hiệu ứng ở mức cao nhất. Riêng thử nghiệm tắt 3D thì tần số quét màn hình là 60Hz, kích hoạt hiệu ứng Motion Blur còn bật 3D thì ngược lại, mở Motion Blur và chuyển tần số thành 120Hz.

Card nVidia GTX260 của G51J có thể thực hiện khá tốt các tác vụ chơi game. Khi tắt hiển thị 3D, Resident Evil 5 có thể chạy trơn tru với lần lượt 47,7 khung hình 1 giây (fps) và 49,2 fps ở DirectX9.0c và DirectX10. Khi kích hoạt 3D, số khung hình một giây ngay lập tức bị giảm một nửa, chỉ còn 28,5 và 23,7. Đây vẫn là những con số có thể chấp nhận được. Bạn có thể tắt khử răng cưa hoặc giảm các hiệu ứng để tăng lên trên 30 fps một cách dễ dàng.

Kết luận:


Asus Việt Nam cho biết cấu hình máy trong bài viết có giá vào khoảng 1.700-1.800$ và được bảo hành toàn cầu 2 năm. Ngoài ra, bạn có thể tùy chọn màn hình Full HD và card đồ họa GTX360 mạnh hơn rất nhiều. Theo mình, đây là mức giá khá tốt với những gì máy thể hiện. Đặc biệt, bạn còn được tặng kèm balô đựng máy, bộ nVidia 3D Vision trị giá khoảng 200$ và chuột 50$ nữa. Tính ra, chỉ phải bỏ ra 1.500$ cho chiếc máy này. Hy vọng trong phiên bản thương mại, Asus sẽ cố gắng khắc phục những điểm yếu đã chỉ ra trong phần trên của bài viết để G51J ngày càng hoàn thiện hơn.

Điểm mạnh:
Cấu hình mạnh, giá tốt.
Bàn phím có đèn nền, khá đẹp.
Trackpad cho cảm giác tốt.
Màn hình nhìn trực diện khá tốt.
Nghe nhạc hay.

Điểm yếu:
Pin quá kém.
Thiết kế bàn phím chưa hợp lý.
Góc nhìn màn hình không tốt.
36 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

steavankas
ĐẠI BÀNG
14 năm
1 sự lựa chọn tốt cho game thủ. So với Allienware thì em này có giá "dễ chịu" hơn. Và cấu hình có thể chấp nhận. Với 3D nữa thì khỏ chê rồi
ASUS con nào con nấy đẹp vật vã ấy nhỉ..................................
angel2706
TÍCH CỰC
14 năm
Như vậy nếu mở 3D vision thì số khung hình sẽ tăng lên cao hơn nữa hả anh? cái này em nghĩ đúng ra là số khung hình bị tụt giảm còn khoảng 3/5 so với lúc không kích hoạt chứ!

Con G51J này em từng có cơ hội sờ thử, xem 3D rất thích!Cảm giác thật vô cùng! So với xem 3D ở Mega thì một 9 một 10 😁
Hehe:D Bạn đọc kỹ lại thì sẽ thấy ý mình và ý bạn trùng nhau mà:D
cấu hình đã quá 😁 thèm thèm.......
lại thêm một bài đánh giá nữa, bác có thể nói rõ hơn về cái 3D của nó không
Máy khủng......Nhưng mà vẫn là ước mơ...😁
super pi chạy 2M mà mất đến 35s cơ à, có vẻ hơi chậm nhỉ, tại vì P8700 chạy mất 46s, và T9300 chạy mất 44s, không biết lúc chạy super pi thì cpu đã turbo boost chưa nhỉ
máy khá đẹp, nhưng theo cảm quang của mình thì vỏ ngoài nếu ko sơn màu xanh sẽ đẹp hơn. cấu hình quá là khủng cộng với 1 cái giá cũng khủng ko kém nên chỉ biết mong đợi ngặm ngùi hì hì 😁
minhomo
ĐẠI BÀNG
14 năm
Hjhj thật hãnh diện khi mình cũng đang được xài em nóa! quả là sự lựa chọn sáng xuốt vì mình mua nó khá lâu rùi, trước khi được Asus phân phối về Vn.
thick cái 3D quá..........................................
cadum
ĐẠI BÀNG
14 năm
Cái cục hình khối là gì vậy mấy bác............?
Đừng nói bác để Strees CPU hơn 7 tiếng đồng hồ nhé.

Kinh khung thật.

Em là fan của ASUS và rất thích ASUS ở điểm mát 😃

Bình thường thôi mà! trước mình cùng con lap cùi Stress ~6 ngày liên tục ( thực ra đang cắm torrent + render phim ) liên tằng tằng mà chẳng sao 😁
Hic, em cũng có để nguyên một tuần cắm phim, nhưng nó ko đến nỗi khi nào CPU cũng chạy 100% như thế.

Nhỡ nó cháy thì sao 😆
1500 $ là giá cũng khá hợp lí rồi đấy chứ, nhưng để chọn lap chơi game thì em chọn alien !^^
Dòng G của Asus chơi game là tuyệt vời, đặc biệt là giá cả rất hợp lý
raptor983
TÍCH CỰC
14 năm
kích hoạt 3d thì tần số quyét tăng lên 120hz-->đòi hỏi card đồ họa mạnh hơn. Đồ họa con này hơi yếu, xem phim 3d thì ngon chứ game thì hơi oải. Game 3D thì cứ phải hai card rời trở lên hoặc dùng card gắn ngoài như desktop.
Các bác cần chiêm ngưỡng e nó co thể ghé chổ e xem

Dòng này thi k chê vào đâu được và là điều từng mơ ứoc của các game thủ-Tuy nhiên thời gian dùng pin khoảnng 1giờ thi hơi thấp-hình như mấy dòng game Asus thì như nhau cả -k chú trọng đến dung lượng pin
anhtuank15
ĐẠI BÀNG
14 năm

Bình thường thì chơi game phải cắm sạc chứ pác , ko cắm chạy nữa tiếng " hết ga " mất .Đang xài G50vt Nếu để chế độ bình thường ( xem HD , lướt wed .... ) thì cũng xài dc 2,5 - 3h ấy chứ . Túm lại là dòng G em ko chê vào đâu dc ^^ .
Thanks bài viết 😁
thangcoi123
ĐẠI BÀNG
14 năm
máy có giá tốt vì 1 bộ 3D cho desktop cũng phải yêu cầu card GT 240 trở lên + 1 cái kính + 1 màn hình 3D ready cũng đã khoãng $700 giá gốc rồi.
Dung2503
ĐẠI BÀNG
14 năm
Giá cũng đẹp các bác nhỉ?
demonvn
TÍCH CỰC
14 năm
wa, thích quá, nhưng vẫn không thích Asus cho lắm ^^ các bác fan của Asus đừng chém em nha^^

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019