Nikon D700 – máy ảnh Full frame lý tưởng để nâng cấp từ Nikon DX

ntt1502
25/8/2014 4:3Phản hồi: 12
Nikon D700 – máy ảnh Full frame lý tưởng để nâng cấp từ Nikon DX
Trước khi viết ra bài viết này tôi đã suy nghĩ rất lâu về việc có liệu có nên upgrade từ Nikon DX. Tôi đã từng sử dụng qua nhiều máy ảnh kỹ thuật số DX, từ những máy ảnh xa xưa như D100 đến các máy mới như D7000. Thực sự mà nói, các máy ảnh DX của Nikon đều rất tốt và được đánh giá cao, nhưng đối với tôi chúng vẫn có điều gì đó khiến tôi không được thỏa mãn, mà tôi chỉ thực sự hài lòng sau lên đời D700. Tôi đã tìm kiếm nhiều thông tin về chiếc máy ảnh này, nhưng những bài viết bằng tiếng Việt mà tôi đọc được chưa thực sự giải đáp được hết những khúc mắc của tôi, vì hầu hết chúng chỉ đưa ra các thông số kỹ thuật mà chưa đưa ra được những phân tích, đánh giá, tổng hợp và so sánh các thông số kỹ thuật của D700 với các máy ảnh DX khác – cũng là vẫn đề mà nhiều bạn khác, cũng như tôi – đã và đang phân vân liệu có nên upgrade chiếc máy ảnh đang sử dụng của mình lên full frame hay không.

I. Cảm biến fullframe:


Kích cỡ cảm biến của Full Frame bằng đúng kích cỡ của tấm phim thời analog ngày xưa 36 x 24 mm, trong khi đó, kích cỡ của máy DX là 23,6 x 15,8 mm. Sở hữu cảm biến fullframe đem lại cho D700 những lợi ích cụ thể như sau:

1. Khả năng khử nhiễu (hay là khả năng chụp ở ISO cao), độ nét và màu sắc tốt hơn


Việc sở hữu một cảm biến lớn đồng nghĩa với việc các cảm biến ảnh cũng sẽ có kích thước lớn hơn và khả năng nhận được lượng ánh sáng (số hạt photon tiếp nhận được) sẽ là lớn hơn. Các cảm biến, sau khi nhận được photon sẽ khuếch đại tín hiệu nhận được (tín hiệu tương tự - analog) để có thể ghi nhận và xử lý nó dưới dạng tín hiệu số (digital). Bản chất của Noise, độ nét kém và màu sắc không trung thực là do cường độ ánh sáng (hay là số lượng photon mà mỗi điểm ảnh nhận được) trên sensor DX là nhỏ, vì thế để đảm bảo cùng một mức tín hiệu, hệ số khuếch đại của cảm biến DX sẽ lớn hơn cảm biến FX. Hệ số khuếch đại lớn dẫn đến phương sai của tín hiệu số (được lưu giữ thành các bit màu sắc trên ảnh được ghi trong thẻ nhớ) cũng lớn theo, dẫn đến sự không liên tục về màu sắc, độ nét và độ sáng của các điểm ảnh nằm cạnh nhau, vì thế mà sinh ra noise, độ nét kém và màu sắc không trung thực.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao Máy Nikon D7100, sản xuất năm 2013 nhưng khả năng khử noise lại thua Nikon D700 sản xuất năm 2008 đến gần 1 stop (Nikon D700 effective ISO: 2303, Nikon D7100 effective ISO: 1256)

Đã có một bài review rất cụ thể về việc kích cỡ của cảm biến đã ảnh hường trực tiếp đến chất lượng ảnh như thế nào, bạn có thể đọc nó tại đây:


[​IMG]

(Ảnh: So sánh độ nét của máy ảnh full frame D3 và crop D300 được sản xuất gần như cùng một khoảng thời gian) – Nguồn: KenRockwell


[​IMG]

[​IMG]

(Ảnh: Các máy ảnh FX sẽ cho ảnh chụp có chất lượng tốt hơn DX - Nguồn: KenRockwell)


2. Khung nhìn và độ sâu trường ảnh tốt hơn:

Quảng cáo



Sở hữu một sensor fullframe với diện tích lớn nên việc khung nhìn của máy ảnh FX rộng hơn DX là điều khá hiển nhiên. Trong khi ở dòng DX ống kính super wide zoom tiêu chuẩn rộng nhất là 12-24mm (độ rộng tương đương là 18mm trên FX) thì các lens FX đã hỗ trợ ống rộng đến 14mm (không tính các ống fisheye) – một điểm vô cùng đáng giá cho những người thích chụp phong cảnh.

Độ sâu trường ảnh tốt hơn: Với cùng một ống kính, và với một chủ thể khi lên ảnh có kích thước như nhau, thì máy Full frame sẽ cho ảnh có độ sâu trường ảnh lớn hơn rất nhiều (nôm na là khả năng xóa phông lớn hơn rất nhiều). Lấy ví dụ: 1 ống kính 85mm được lắp trên 1 body D7000 và 1 body D700 để chụp chân dung cùng 1 người. Trên máy D7000, để kích cỡ của mẫu bằng với mẫu trên ảnh từ body D700, người chụp sẽ phải đứng xa hơn khi cầm máy FX, do đó tương quan khoảng cách giữa người chụp và mẫu chia cho khoảng cách từ mẫu đến hậu cảnh sẽ lớn hơn, dẫn đến độ sâu trường ảnh giảm đi (khả năng làm mờ hậu cảnh giảm).

[​IMG]

(Ảnh: độ sâu trường ảnh khác nhau khi chụp với cùng 1 lens trên body full frame và sensor crop 6x8mm - Nguồn: photo.net)


[​IMG]

(Ảnh: độ sâu trường ảnh khác nhau của Nikon D70s và Nikon D3 cùng chụp với lens 85mm, ảnh trên được chụp với body D3, ảnh dưới được chụp với body D70s)

Quảng cáo




II. Tổng hợp những yếu tố đáng giá mà các máy DX còn thiếu sót:

Nikon D700 là sự tổng hợp những nét ưu việt mà các máy ảnh DX Nikon đều bị thiếu sót một hoặc nhiều phần. Không chỉ vượt trội các máy ảnh DX về kích cỡ sensor, Nikon D700 thực sự đã khắc phục được các thiếu sót của các máy DX:

1. Hệ thống lấy nét:


Đối với các máy ảnh ở dòng Mid-range (tầm trung) như D7000 (trước đó nữa là D90, D80, D70): nhược điểm của các máy ảnh này là có hệ thống lấy nét chưa thực sự tốt, các dòng máy D70, D80, D90 chỉ có 11 focus points và 1 cross-type focus points (điểm lấy nét đa chiều), D7000 đã được cải tiến hơn với 39 focus points và 9 cross-type focus points, nhưng vẫn không thể so được với D700 với 51 focus points và 15 cross-type focus points. Số lượng cross-type focus points là một điểm mạnh rất lớn để một máy ảnh KTS có thể lấy nét nhanh và chính xác, kể cả trong điều kiện thiếu sáng, và hệ thống lấy nét của D700 hiện tại vẫn thể hiện được sự xuất sắc của nó khi vẫn được tiếp tục tích hợp trong những chiếc máy ảnh cao cấp và chuyên nghiệp nhất của Nikon là D3, D3s, D4 và D4s. Chỉ đến khi D7100 ra mắt, dòng máy DX mới được trang bị hệ thống lấy nét tương tự như ở D700, tuy nhiên đây là một chiếc máy ảnh mới ra mắt, giá còn cao và còn nhiều điểm thua kém D700 mà điểm thua kém trực tiếp vẫn là khả năng khử noise do kích cỡ sensor nhỏ.

2. Kết cấu:


Một điểm yếu nữa đối với các máy ảnh ở dòng mid-range đó là kết cấu của body không thực sự tốt. Hầu hết các body ở dòng này có chất liệu là nhựa cao cấp hoặc có một phần khung bọc làm bằng kim loại, trong khi body D700 được làm hoàn toàn bằng Magie, không chỉ bền vững mà còn giúp cân bằng trọng lượng của body khi sử dụng với các lens có kích thước lớn, giúp người dùng sử dụng thoải mái và không bị rung tay khi chụp.

Đối với các máy ảnh DX dòng High-End bao gồm D300s, D300 (D200, D100 thì đã quá cũ): các máy này đã có được kết cấu body bền chắc và hệ thống lấy nét tương đương D700, tuy nhiên việc sử hữu sensor crop và được sản xuất từ những năm 2008, 2009 khiến cho khả năng khử noise của các máy này khá kém (D300 bị “chậm” hơn so với D7000 là 0.7 stop, và chậm hơn so với D700 là 1.8 stop – một khoảng cách rất lớn), khiến cho việc sử dụng các máy này với các ống tele hoặc trong điều kiện thiếu sáng trở nên rất khó khăn.

Cá nhân ý kiến của tôi, việc so sánh D700 với các máy ảnh dòng entry level như D5300, D3300 là một sự so sánh tương đối khập khiễng, vì thế tôi sẽ không viết thêm nữa.

III. Giá thành:


Trong các lựa chọn để nâng cấp lên FX, D700, theo đánh giá của tôi là xứng đáng nhất, không tính tới những máy ảnh chỉ dành cho dân chuyên nghiệp với mức giá quá cao như D3, D3s, D4, D4s thì D700 tính về hiệu năng trên giá thành hơn hẳn các máy ra sau đó là D800 và D810, với các cải tiến không thực sự rõ rệt và mức giá chênh lệch rất lớn. D700 cũng là chiếc máy ảnh có thể sử dụng trong nhiều năm mà vẫn giữ được giá trị vì hiệu năng tốt và tốc độ trượt giá thấp do đã được sản xuất từ lâu.

Nói tóm lại Nikon D700 được sản xuất từ năm 2008, là một chiếc máy ảnh cũ, nhưng không hề lỗi thời bởi độ ưu việt của nó so với những máy ảnh DX. Chỉ với mức giá 22-26tr là bạn có thể sắm một con D700 đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Đối với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là cảm giác thoải mái khi chụp mà các máy ảnh DX khác không làm được. D700 thực sự xứng đáng với số tiền mà tôi bỏ ra cũng như thời gian mà tôi đã sử dụng để tìm hiểu về chiếc máy ảnh cao cấp này.
12 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết hay. Còn 1 con FF rẻ hơn nữa là 5D Mark 1, nhưng thua xa D700 về focus và khử noise.
papai_no1
ĐẠI BÀNG
9 năm
12mpx có là vấn đề ko bác? mình thấy nhỏ so với các máy gần đây ra. nếu để làm ảnh thương mại thì có đủ ko bác? D700 mình băn khoăn mỗi mpx hơi thấp so với hiện tại thôi 😔
@papai_no1 12 chấm là đủ nhu cầu rồi bác... D3 giá 5200 khi mới ra mắt cũng 12 châm thôi.... và giờ giá hàng 2nd cũng vẫn 40tr
Em cũng đang định xúc em này, chủ yếu là chụp phong cảnh, macro thì đi lens gì cho phù hợp vậy bác ? Em là gà tập sự mong bác mở chỉ giáo giúp e với 😃
@marsupinladen lens 105 f2.8 nhé
Hoc hoi thoi
bác sợ chấm ít thì chuyển mục tiêu qua D800 chấm to kinh hồn luôn :3
vitkon
CAO CẤP
7 năm
Kích thước cảm biến bằng với máy phim. Phim là phim, không phải analog cụ ah
dovtkh
ĐẠI BÀNG
7 năm
@vitkon Phim không phải analog chẳng lẽ lại là digital?
vitkon
CAO CẤP
7 năm
@dovtkh Ngoài analog và digital ra thì trên đời này không còn gì nữa ah?

Máy ảnh film là một thiết bị quang - cơ học. Ghi hình bằng tấm phim hoá học. Còn analog và digital đều là khái niệm dành cho thiết bị điện tử.

Analog là tín hiêu điện tương tự như gốc được ghi lại. Ví dụ: âm thanh là biến sóng âm thành dòng điện biến thiên, và lưu dòng điện này vào băng từ.

Digital là thiết bị dạng số. Tín hiệu đầu vào được qua bộ DAC, băm nhỏ theo khoảng thời gian (tỷ lệ lấy mẫu) rồi ghi lại giá trị tại thời điểm đó. Kết quả là tín hiệu được chuyển thành mã nhị phân 0-1 hết.

Google vẫn chưa thu phí đâu.


Về hình ảnh, trước đây có một số máy quay dùng filter và ghi nhận cường độ ánh sáng qua
dovtkh
ĐẠI BÀNG
7 năm
@vitkon Ghi trên tấm phim hóa học thì tại sao không được gọi là analog, cái âm thanh analog anh giải thích em thấy không thuyết phục cho việc mình đang trạn cãi nhiếp ảnh analog.
huunghi_82
ĐẠI BÀNG
4 năm
Mình bây giờ mới có điều kiện để xài em này. Đang lang thang lên mạng tìm những bài viết về em nó, cảm ơn bạn vì bài viết rất hay.
Cho hỏi thêm bạn có tài liệu về HDSD bằng tiếng Việt ko?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019