Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Phải chăng điện sóng biển là nguồn điện vô cùng to lớn và khá rẻ?

canlevinh
29/7/2012 9:46Phản hồi: 17
Phải chăng điện sóng biển là nguồn điện vô cùng to lớn và khá rẻ?

-Phải chăng chỉ cần khoảng 1 km2 mặt biển và với những công nghệ rất bình thường, nhiều nơi trong nước có thể làm được, nhà máy điện chạy bằng năng lượng sóng biển cũng có thể có công suất lớn hơn công suất của Nhà máy Thủy điện Thác Bà?
-Tại nơi thuận lợi nhất, giá thành của điện sóng biển sẽ như thế nào? Có thể rẻ hơn giá thành của thủy điện hay không?
Đó là những câu hỏi trong thời gian gần đây tôi thường đặt ra và thường suy nghĩ rất nhiều. Nếu những suy nghĩ đó của tôi có thể chấp nhận được và được biến thành hiện thực, nó sẽ có thể đem lại lợi ích rất to lớn cho đất nước. Kính mong các nhà khoa học, các chuyên gia về điện và mọi người quan tâm kiểm tra giúp và chỉ ra những thiếu sót để tôi bổ sung, sửa đổi lại cho tốt hơn. Sau đây là những suy nghĩ của tôi:
Than đá, dầu mỏ, khí đốt,... ngày càng cạn kiệt dần nên việc nghiên cứu và xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng năng lượng tái tạo ở nhiều nước trên thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Việc sử dụng năng lượng sóng biển để chạy máy phát điện đã được nhiều nhà khoa học ở một số nước trên thế giới nghiên cứu từ lâu bằng những công nghệ rất hiện đại. Trong các bản tin thời sự ta thường được nghe các nước đang tích cực đẩy nhanh tỷ lệ phát điện bằng năng lượng tái tạo lên cao. Nhưng rất tiếc rằng năng lượng tái tạo ở đây mới chỉ thấy nói đến năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Điện chạy bằng năng lượng gió và điện chạy bằng năng lượng mặt trời ở nước ta mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ và giá thành còn cao hơn nhiều so với thủy điện và nhiệt điện chạy than, chạy khí. Nhưng trong Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã xác định:
“+ Ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...), phát triển nhanh, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo:
. Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
. Phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường, đến năm 2020, nguồn điện này có tổng công suất khoảng 500 MW, nâng lên 2.000 MW vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất tăng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030.”

Bài: “Phát triển điện gió: Đã mở hướng đi” của Hồng Quân đăng trên báo Lao động ngày 9/7/2011 cho biết: “Theo tính toán của Bộ Công Thương tại thời điểm năm 2009 khi làm tờ trình Chính phủ nghị định khuyến khích phát triển NLTT, bình quân giá điện gió tại VN vào khoảng 12,5UScent/kWh, nhưng giá điện bình quân tại thời điểm đó mới chỉ khoảng 5,3UScent/kWh. Nếu tính cả lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất (1.3.2011) thì giá điện bình quân mới bằng 1.242đ/kWh (tương đương 5,9UScent).”
Qua đó ta thấy tuy điện gió còn rất đắt so với điện chạy bằng các loại năng lượng đã có, nhưng các nước trên thế giới nước ta vẫn tích cực phát triển. Vấn đề đặt ra là tại sao điện chạy bằng năng lượng sóng biển vẫn chưa được đưa vào? Phải chăng việc nghiên cứu sử dụng năng lượng sóng biển để chạy máy phát điện của các nhà khoa học thế giới còn nhiều vấn đề và giá thành phát điện còn rất cao so với các dạng năng lượng khác?
Năng lượng sóng biển tuy có rất nhiều tiềm năng nhưng việc nghiên cứu sử dụng nó cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Muốn nghiên cứu việc sử dụng năng lượng sóng biển để chạy máy phát điện, trước hết ta phải nghĩ đến những khó khăn, trở ngại đó là gì và có thể khắc phục được những khó khăn trở ngại đó hay không? Theo tôi có những khó khăn, trở ngại sau:
1.Sóng biển chỉ lên xuống nhấp nhô nhưng máy phát điện lại cần chuyển động quay theo một chiều nhất định. Có rất nhiều cách để chuyển năng lượng sóng biển thành chuyển động quay theo một chiều nhất định và các kết quả thu được cũng rất khác nhau. Giá thành phát điện phụ thuộc phần lớn vào cách chuyển năng lượng này. Dùng những công nghệ rất hiện đại và phải đầu tư lớn, nhưng kết quả thu được lại không nhiều thì giá thành phát điện cao là điều rất dễ hiểu.
2.Tính không ổn định của sóng biển và mực nước biển. Điện sản xuất ra cần đều đặn và ổn định, nhưng:
-Sóng biển lúc cao, lúc thấp, lúc mạnh, lúc yếu.
-Chu kỳ và khoảng cách giữa 2 làn sóng biển cũng khó xác định.
-Mực nước biển lên cao, xuống thấp theo thủy triều.
3.Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, sóng biển thường liên tục mạnh trong nhiều ngày, lớn hơn những ngày bình thường rất nhiều.
4.Nước biển có độ ăn mòn rất cao.
5.Các thiên tai như động đất, sóng thần,...
6.Có thể xây dựng được nhà máy phát điện với công suất lớn, ổn định và đều đặn hay không? Nếu chỉ phát điện được với công suất nhỏ thì rất khó hòa được vào lưới điện quốc gia.
Rất may cho tôi là từ cuối năm 1956, khi đó tôi mới 16 tuổi, tôi đã quan sát và suy nghĩ rất nhiều về chiếc líp xe đạp. Đồng thời tôi lại nghĩ đến chuyện tàu thuyền đi lại trên biển phải dùng rất nhiều nhiên liệu, nhưng lại hay gặp phải những cơn sóng dữ rất nguy hiểm. Tại sao tàu thuyền không chạy bằng cách dùng 2 chiếc líp lớn đặt ngược chiều nhau và các bánh răng nhận lực, truyền lực để biến chuyển động quay đi, quay lại thành chuyển động quay theo một chiều nhất định? Sau đó tôi cũng quên luôn những ý nghĩ đó đi. Trong các năm vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại đưa tin nhiều tàu thuyền đánh cá bị chìm khi gặp bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nhiều ngư dân bị chết giữa biển khơi. Những ý nghĩ từ hồi còn nhỏ hiện trở lại trong óc tôi. Vì thế tôi đã viết bài: “Nên nghĩ đến việc nghiên cứu chế tạo những tàu đánh cá chạy bằng năng lượng sóng biển và không sợ gì giông bão”. Bài này tôi đã đưa lên Diễn đàn Tài nguyên nước Việt Nam tainguyennuoc.vn ngày 31/07/2011. Ngay khi mới viết xong bản thảo bài này tôi lại nghĩ đến chuyện dùng năng lượng sóng biển để chạy máy phát điện. Sau khi bổ sung, sửa đổi rất nhiều lần trong mấy tháng trời, ngày 28/07/2011 tôi đã đưa bài này lên Diễn đàn webdien.com – Cầu nối dân điện trong mục Hệ thống năng lượng mới với tiêu đề là: “Nhà máy điện chạy bằng năng lượng sóng biển”. Tại Diễn đàn này tôi đã được nhiều người giúp đỡ rất nhiệt tình, đã cung cấp thêm cho tôi nhiều thông tin mới và đã góp ý cho tôi nhiều ý kiến quý báu. Từ những thông tin và những ý kiến đóng góp đó, tôi tiếp tục suy nghĩ thêm và bổ sung, sửa đổi lại bài viết cho tốt hơn. Cho đến nay trên Diễn đàn này tôi đã bổ sung, sửa đổi lại bài này 3 lần, ngoài ra còn có thêm 8 bài bổ sung, tổng cộng là 12 bài gồm 7 bài năm 2011 và 5 bài năm 2012.
Phần dưới biển rất đơn giản, chỉ có khung thép lớn để giữ phao từ trên cao và gắn các bơm nén khí, các đường ống dẫn khí nén. Phao nâng lên, hạ xuống làm cho thanh thép dài có răng ở giữa phao cũng phải chạy lên, chạy xuống liên tục. Bánh răng ở bộ phận giữ phao tiếp xúc với răng của thanh thép biến chuyển động chạy lên, chạy xuống thành chuyển động quay đi, quay lại. Phần chuyển lực biến chuyển động quay đi, quay lại thành chuyển động quay tròn theo một chiều nhất định. Do kết cấu rất đơn giản, lực ma sát không đáng kể nên hiệu suất của phần chuyển lực gần như đạt 100%. Cho chuyển động đó chạy bơm nén khí và khí nénđược chuyển theo đường ống về kho chứa khí nén ở trên bờ. Kho khí nén gồm nhiều bình chứa khí nén lớn sẽ cung cấp đều đặn khí nén với áp suất ổn định để chạy các tổ máy phát điện. Rất nhiều nơi trong nước ta có thể làm được các bộ phận đó. Nội dung cụ thể như trong bài: “Nguồn điện vô cùng to lớn” đã đưa lên Diễn đàn webdien.com sáng ngày 01/01/2012.
Trong tháng 12 năm 2011, tôi đã tìm kiếm dự báo độ cao sóng biển trong các bản tin dự báo sóng biển của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn. Kết quả là tôi đã thu thập được 86 bản tin của năm 2011. Rất tiếc là các tháng 5, 7, 8 và 9 không thu thập được bản tin nào. Tháng 10 chỉ thu thập được 1 bản tin, tháng 6 được 2 bản tin, tháng 11 được 3 bản tin. Ngay trong tháng 12, nhiều bản tin đã đưa lên mạng nhưng rồi khi có bản tin mới thì bản tin cũ lại không còn nhìn thấy nữa. Trong một số bản tin, thỉnh thoảng có chỗ vừa có độ cao sóng bình thường lại còn có thêm có lúc sóng cao hơn. Tại những chỗ này tôi chỉ lấy độ cao sóng bình thường. Sau khi lấy được bản tin dự báo sóng biển cuối cùng năm 2011 của của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn. Đó là bản tin 15 giờ 30 ngày 31/12/2011. Tôi hoàn chỉnh việc tính thử công suất phát điện cho các phao hình trụ tròn đường kính 5 m, cao 2 m khi sử dụng sóng biển trên diện tích 1 km2 mặt biển của từng tháng trong năm 2011 cho từng vùng biển của nước ta. Kết quả cụ thể như biểu trong file Vungbien5.pdf đính kèm

Quảng cáo


Ở nước ta, trong năm 2011 ít bị ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gió tây nam cũng không thổi mạnh như mọi năm. Nên sóng biển lớn chủ yếu là do gió đông bắc. Chỉ cần một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền hoặc lướt qua gần bờ thì độ cao bình quân sóng biển của tháng đó sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu có được thật nhiều bản tin dự báo sóng biển trong nhiều năm thì sẽ có kết quả tốt hơn.
Phương pháp tính toán, tôi đã trình bàyrất cụ thể trong bài: “Tính thử khả năng phát điện của năng lượng sóng biển” đã đưa lên Diễn đàn webdien.com sáng ngày 01/01/2012 để xin mọi người kiểm tra giúp và góp ý. Nếu các số liệu trong biểu trên có thể chấp nhận được, ta có thể rút ra các nhận xét sau:
-Lớn nhất là vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau: 200,71 MW, tiếp đến là các vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận: 162,96 MW, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi: 123,70 MW. Trong khi đó công suất lắp máy của nhà máy Thủy điện Thác Bà chỉ có 120 MW. Trong mùa khô, nhà máy còn phát điện với công suất nhỏ hơn.
-Nếu công suất lắp máy của nhà máy điện sóng biển bằng trung bình của 4 tháng 12, 1, 2 và 3. Khối lượng khí nén dự trữ cũng được tính để dự trữ hết khí nén còn thừa của tháng 1 sau khi nhà máy đã chạy hết công suất.Tháng 2 nhà máy sẽ vừa sử dụng khí nén phát sinh vừa sử dụng khí nén cũ để chạy hết công suất và tháng 3, tháng 4 sẽ sử dụng hết phần khí nén còn lại. Với cách tính đó thì công suất lắp máy của nhà máy điện sóng biển tại vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau là 275 MW, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận là 234 MW, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi là 188 MW. Như vậy nhà máy sẽ phải chạy hết công suất trong tháng 1 và tháng 2, chạy gần hết công suất trong tháng 12 và tháng 3. Khi đó là giữa và gần cuối mùa khô của Bắc Bộ và Tây Nguyên, thủy điện đang rất cần sự hỗ trợ của các nguồn điện khác.
-Ở nước ta, thủy điện có giá thành điện thấp nhất vì không phải dùng đến bất kỳ loại nhiên liệu nào, nhưng phải đầu tư rất lớn. Xem trên mạng tôi thấy Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) công suất 100 MW, vốn đầu tư 2.372 tỷ đồng; Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) công suất 190 MW, vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng; Thủy điện Đăk Mi 4 (Quảng Nam) công suất 190 MW, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng; Thủy điện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) công suất 170 MW, vốn đầu tư 2.372 tỷ đồng,... Đó là những thông tin trong các bài cập nhật từ tháng 1 năm 2008 trên mạng tin247.com. Đến nay chắc là vốn đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều. Ngay Thủy điện Lai Châu có công suất lắp máy 1.200 MW, vốn đầu tư theo Quyết định số: 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã là 35.700 tỷ đồng. Như vậy nếu tính theo giá hiện nay, để thủy điện có công suất lắp máy 100 MW sẽ phải đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Điện sóng biển cũng không phải dùng đến bất kỳ loại nhiên liệu nào. Nếu những tính toán của tôi về công suất phát điện cho điện sóng biển có thể chấp nhận được, xin các nhà đầu tư tính thử giúp xem sẽ phải đầu tư bao nhiêu và sẽ cho giá thành phát điện khoảng bao nhiêu?
Ngoài ra tôi cũng đã tính thử công suất phát điện trên các vùng biển nước ta khi dùng phao có đường kính 6 m, cao 2 m. Kết quả cho thấy công suất không giảm bao nhiêu so với khi dùng phao có đường kính 5 m, cao 2 m nhưng rất phù hợp với chiều dài 12 m của các thanh thép hình thường bán trên thị trường. Ngày 15/01/2012 tôi đã đưa thêm biểu kết quả tính thử công suất phát điện này vào phía dưới của bài “Nguồn điện vô cùng to lớn” để người xem tham khảo thêm.
Ngày 05/02/2012, tôi đưa thêm lên Diễn đàn webdien.com bài: “Điện sóng biển đắt hay rẻ và có ảnh hưởng gì đến môi trường biển hay không?”, trong đó nói rất kỹ về khung thép như thế nào, cách đưa xuống biển ra sao, phao thép theo đề xuất của tôi ra sao và lượng thép phải sử dụng khoảng bao nhiêu tấn để các nhà đầu tư và người xem rõ hơn về những phần này. Trong bài này tôi cũng sơ bộ suy nghĩ về giá thành phát điện của điện sóng biển so với thủy điện.
Trong các bài trước của tôi, ưu thế thuộc về các vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau nên ngày 02/03/2012, tôi lại đưa thêm lên Diễn đàn webdien.com bài: “Điện sóng biểncho các vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ và từ Cà Mau đến Kiên Giang”.
Qua bài này lại có thể rút ra kết luận: Nơi nào có tỷ lệ giữa độ cao bình quân và độ cao lớn nhất của sóng biển cao hơn sẽ có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nên tôi quay trở lại với vùng biển có ưu thế nhất là vùng biển từ Bình Thuận tới Cà Mau và ngày 07/03/2012 tôi lại đưa thêm lên Diễn đàn webdien.combài: “Tại nơi thuận lợi nhất, giá thành của điện sóng biển sẽ như thế nào?”
Tôi năm nay đã 72 tuổi rồi. Nhưng theo tôi nghĩ điện sóng biển là nguồn điện vô cùng to lớn và khá rẻ. Vì vậy tôi đã liên tục đưa vấn đề này lên Diễn đàn để tranh thủ ý kiến đóng góp của mọi người và sửa đổi lại cho tốt hơn. Tôi rất mong sẽ có những người có những ý kiến tốt hơn, có những cách làm hay hơn và sớm biến nó trở thành hiện thực để đem lại lợi ích rất to lớn cho đất nước.
Với chiều dài hơn 3.260 km bờ biển, tổng diện tích các vùng biển chủ quyền bao gồm các đảo, quần đảo, các vùng đặc quyền kinh tế biển rộng gấp 3 lần đất liền và rộng hàng triệu km2, Việt Nam là một quốc gia biển và là quốc gia đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ sở hữu biển. Vùng biển gần bờ thường xuyên có sóng biển mạnh nhất nước ta lại đồng thời là vùng ít gặp bão hơn các vùng biển khác, bão lớn có đến gần bờ vùng này thì gió đã yếu đi nhiều, rất thuận lợi cho việc xây dựng những nhà máy điện sóng biển lớn. Năng lượng sóng biển vô cùng to lớn. Đó chính là thế mạnh của nước ta. Nếu ta nghiên cứu thành công việc sử dụng năng lượng sóng biển để chạy máy phát điện với giá thành phát điện tương đối rẻ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho đất nước và sẽ phát huy được thế mạnh ít nước có được. Không biết phương pháp tính của tôi có sai sót chỗ nào hay không? Kính mong các nhà khoa học, các chuyên gia về điện và mọi người giúp đỡ, phát hiện những chỗ tính sai để tôi sửa lại cho tốt hơn.
Cái lợi lớn nhất của điện sóng biển đối với môi trường là không phải dùng đến bất cứ loại nhiên liệu nào, sẽ giảm được việc phát thải một khối lượng lớn khí CO2 ra ngoài không khí. Bất cứ nơi nào có biển cũng đều có thể xây dựng được nhà máy điện chạy bằng năng lượng sóng biển. Giá thành của điện sóng biển bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ở từng nơi, cần phải tính toán kỹ và phải qua thực tế mới có kết quả chính xác. Điều đó vô cùng quan trọng vìnó sẽ quyết định tốc độ phát triển của điện sóng biển.

Quảng cáo


Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại nhất khi mực nước biển dâng cao lên do biến đổi khí hậu. “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam (tháng 6 - 2009)” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 37,8% diện tích các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Bài: “Chủ động thích nghi, ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu” đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Chính phủ ngày 16/2/2011 cho biết Chính phủ đã tính tới kịch bản nước biển dâng 2m. Nếu biến đổi khí hậu trên trái đất chậm lại thì Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Kính mong Đảng, Nhà nước, các tỉnh ven biển quan tâm và giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét lại phương pháp tính toán của tôi để có những ý kiến cụ thể về vấn đề này. Xin chân thành cám ơn.
Lê Vĩnh Cẩn

Địa chỉ liên hệ:
Phòng 204 nhà B4, 189 Thanh Nhàn, Hà Nội
Điện thoại: (04)39716038
Thường hay ở nhà con, điện thoại: (04)35527218
17 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

dài quá @@
nhưng với các nguồn nhiên liệu sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hay của sóng biển trên đây thì quả thực là tuyệt vời
@Quang_Dung Cám ơn bạn Quang_Dung. Rất mong bạn góp ý những bài viết của tôi để tôi sửa lại cho tốt hơn.
mình có đọc bài của bác bên webdien, một ý tưởng hay và tâm quyết, nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia
@phuong_nong_dan Rất cám ơn bạn phuong_nong_dan.
Ý tưởng mới và lạ. Không biết các bạn nghĩ sao?
Bài viết của chú quá chung chung, phù hợp với người làm luật, định hướng chính sách. Cháu tưởng chú đề xuất một giải pháp cụ thể, khả thi nào đó, chỉ cần chỉnh sủa chút ít là có thể đưa vào áp dụng trong thực tế. Nói như chú thì còn nhiều nguồn năng lượng ở quanh ta mà ta chưa sử dụng hiệu quả như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... còn sóng biển tuy có năng lượng như khó khai thác do tính không ổn định của nó. Hơn nữa sóng biển cũng có nguồn gốc từ gió biển là chủ yếu. Dùng năng luông sóng biển sẽ khiến trái đất quay chậm lại đấy chú ạ. Đó là lý do tại sao thế giới xem nhẹ nguồn năng lượng này.

Sent from my GT-P7500 using Tinhte.vn
@bshuy2003 Rất cám ơn các bạn cong189 và bshuy2003. Xin trả lời các bạn như sau:
1. Đây chỉ là bài tóm tắt những suy nghĩ và kết quả tính toán của tôi, nhưng nó cũng đã dài như thế. Thực ra nó rất cụ thể, xin mời bạn bshuy2003 xem giúp các bài:
- Tính thử khả năng phát điện của năng lượng sóng biển.
- Nguồn điện vô cùng to lớn.
- Điện sóng biển đắt hay rẻ và có ảnh hưởng gì đến môi trường biển hay không?
- Tại nơi thuận lợi nhất, giá thành của điện sóng biển sẽ như thế nào?
Các bài này đều nằm trong mục Hệ thống năng lượng mới trên Diễn đàn webdien.com – Cầu nối dân điện. Tại Diễn đàn này các bạn đã trao đổi và góp ý những bài viết của tôi rất sôi nổi. Rất mong bạn bshuy2003 có những ý kiến cụ thể vào những bài viết này để xem nó khó khả thi ở chỗ nào?
2. Sóng biển có nguồn gốc từ gió biển. Nhưng nó được tích lũy năng lượng từ rất xa, có thể đến hàng nghìn km, nên năng lượng của nó rất lớn. Bạn thử nghĩ xem gió đông bắc thổi từ eo biển giữa Đài Loan và Philipin đến vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau của nước ta sẽ phải qua biển dài khoảng 2.000 km.
3. Năng lượng sóng biển khó khai thác do tính không ổn định của nó. Các nhà khoa học nhiều nước trên thế giới đã sử dụng năng lượng sóng biển để phát điện bằng những công nghệ rất hiện đại. Họ là những người rất giỏi và đã mất rất nhiều công sức để làm việc này, nhưng rất tiếc rằng họ đã không để ý đến một vật dụng rất tầm thường là chiếc líp xe đạp. Dùng những công nghệ rất hiện đại và phải đầu tư lớn nhưng năng lượng thu được không nhiều thì giá thành điện cao, không cạnh tranh được với những loại điện khác là điều rất dễ hiểu.
4. Không biết bạn đã lấy từ đâu thông tin: Dùng năng lung sóng biển sẽ khiến trái đất quay chậm lại,đó là lý do tại sao thế giới xem nhẹ nguồn năng lượng này? Trên thế giới ngày nay ai cũng biết hậu quả của việc sử dụng năng lượng hóa thạch quá nhiều đã làm cho khí hậu trái đất biến đổi theo chiều hướng rất xấu. Nhưng năng lượng hóa thạch vẫn đang sử dụng ngày càng nhiều do chưa tìm đủ được nguồn năng lượng tái tạo để thay thế.
Bạn Quang_Dung cho là dài quá, nhưng bạn bshuy2003 lại cho là quá chung chung. Vậy tác giả bài viết nghĩ sao?
Nếu các bạn xem các bài viết về năng lượng mặt trời hoặc trạm thủy điện nhỏ, chúng ta thấy họ viết rất cụ thể, giới thiệu kỹ lưỡng các thiết bị họ đang có trong tay (chứ không chỉ là ý tưởng), có hình minh họa dễ hiểu. Có bài, tác giả còn đưa cả địa chỉ mua bán và giá cả thiết bị. Diễn đàn này quá nhỏ để chú chủ thớt trình bày các ý tưởng của mình. Tôi muốn được xem bản thiết kế, sơ đồ hoạt động... chứ không phải ý tưởng khó khả thi này.

Sent from my LG-LU6200 using Tinhte.vn
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng hầu như chưa đâu làm máy phát điện cỡ lớn dùng sóng biển, điều này không phải không có lý do của nó. Tất cả mọi khó khăn của việc phát điện bằng sóng biển thì chú đã đề cập cả rồi. Cháu chỉ hỏi chú một điều nữa thôi, nếu chú tự tin vào ý tưởng của mình thì tại sao cỗ máy phát điện từ sóng biển của chú chưa có mặt trên thị trường? Phải chăng có 2 nguyên nhân sau:
- còn nhiều vấn đề về kỹ thuật chưa giải quyết được?
- giá thành cao, khó phổ biến?
Sent from my LG-lu6200 using Tinhte.vn
@bshuy2003 Rất cám ơn bạn bshuy2003. Xin trả lời bạn như sau:
1. Các vấn đề về kỹ thuật: Mô hình của tôi đưa ra rất đơn giản, chỉ dùng những công nghệ rất bình thường, rất nhiều nơi trong nước có thể làm được. Nếu có vấn đề gì về kỹ thuật thì xin mọi người cứ chỉ rõ để tôi sửa lại cho tốt hơn. Đưa lên Diễn đàn chính là để tranh thủ ý kiến của mọi người xem nó còn có gì thiếu sót không?
2. Về giá thành của điện sóng biển: Trong các bài: “Điện sóng biển đắt hay rẻ và có ảnh hưởng gì đến môi trường biển hay không?” và bài: “Tại nơi thuận lợi nhất, giá thành của điện sóng biển sẽ như thế nào?” tôi đã sơ bộ so sánh giá thành của điện sóng biển với giá thành của loại điện rẻ nhất là thủy điện. Nếu có gì sai sót, xin các bạn cứ chỉ rõ để tôi sửa lại. Hiện nay điện gió, điện mặt trời còn rất đắt so với điện chạy than, nhưng nước ta và các nước trên thế giới vẫn đang phải cố gắng phát triển và nâng dần tỷ lệ của các loại điện này lên.
3. Điện sóng biển đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ nhiều năm nay bằng những công nghệ rất hiện đại nhưng giá thành phát điện còn rất cao so với các loại điện khác. Nay chỉ cần công nghệ rất bình thường, nhiều nơi trong nước có thể làm được mà lại có thể xây dựng những nhà máy điện rất lớn có công suất vài trăm MW với giá thành phát điện khá rẻ là điều rất khó tin, cần phải xem xét lại rất kỹ. Các cơ quan có trách nhiệm và các nhà tài trợ chưa thể dễ dàng tin ngay được điều này. Chính vì thế mới cần đưa lên các Diễn đàn để thảo luận rộng rãi. Tôi là người đã già rồi chỉ có thể nêu ra những ý tưởng là chủ yếu. Các bạn trẻ có thể có nhiều ý kiến hay hơn tôi, có thể có nhiều cách làm tốt hơn tôi. Rất mong Đảng, Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm và các nhà tài trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ sớm biến điện sóng biển trở thành hiện thực trên những vùng biển rất thuận lợi của nước ta.
Ý tưởng của chú rất hay, có điều chưa có một bản vẽ hoặc hình ảnh cụ thể nên không có tính thuyết phục cao! Tôi chưa già, nhưng cũng không còn trẻ (50 tuổi) nên phải cẩn thận xem xét từng chi tiết. Tôi không phải là nhà sản xuất (chỉ có thể là người mua) vì thế tôi không cần nghe nhiều lập luận mà muốn nhìn thấy một sản phẩm CỤ THỂ. Theo tôi, chú thử liên kết với ai có khả năng về cơ khí, sản xuất ra một mẫu tốt. Nếu nó hoạy động ngon lành thì người ta mới chịu bỏ tiền ra mua. Khi các máy phát điện của chú được phổ cập kha khá, lúc bấy giờ chú kiến nghị về chính sách và kêu gọi đầu tư mới có hiệu quả chú ạ.

Sent from my LG-LU6200 using Tinhte.vn
@bshuy2003 Rất cám ơn bạn bshuy2003. Xin lỗi bạn vì mấy hôm vừa rồi tôi về nhà, đường truyền internet ở đó rất kém không thể mở mạng tinhte.vn ra được, nên không trả lời ngay cho bạn được. Nay xin trả lời như sau:
Nếu làm được một sản phẩm cụ thể thì rất tốt. Nhưng rất tiếc rằng tôi đã quá già và chẳng quen ai, nên chỉ có thể nêu ý tưởng ra để trao đổi với mọi người. Hy vọng rằng bạn nào đó có điều kiện sẽ thay tôi làm việc này.
Chú già thì cháu biết rồi! Cháu không phải dân công nghệ và cũng nhiều việc để làm, nhưng cháu rất quý ý tưởng của chú. Vì thế, cháu vào trao đổi với chú cho chú vui và cháu tích lũy thêm hiểu biết! Nói thật với chú, cháu là một bác sỹ tâm thần rất nổi tiếng, cháu rất đông bệnh nhân nhưng vẫn dành thời gian để tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác. Cháu rất giỏi về phần mềm điện thoại android. Nhưng về cơ khí thì cháu chịu thua! Chúc chú luôn khỏe mạnh và lạc quan. Có gì cần cháu giúp, chú liên hệ theo số 0913301550. Huy.
Sent from my LG-LU6200 using Tinhte.vn
Tôi có xem qua video về sản xuất điện từ sóng biển khi tôi còn nhỏ theo trí nhớ của tôi nó cần sóng biển lớn để đẩy pjtong, tôi không biết sóng ở ninh thuận to và cao không nên không thể nói được, nhưng tôi nghĩ mô hình này cũng như là sx điện từ gió, nó chưa phù hợp lắm tại việt nam, chi phí xây dựng lớn, nếu có thì cũng chỉ đủ cung cấp cho 1khu vực nhỏ

xương rồng đỏ
@xuongrongdonhn Rất cám ơn các bạn bshuy2003 và xuongrongdonhn. Xin trả lời bạn xuongrongdonhn như sau:
1. Điện gió rất đắt so với điện chạy than, nhưng nước ta và các nước trên thế giới vẫn cứ phải phát triển. Điện sóng biển đã được các nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm bằng những công nghệ rất hiện đại nhưng có lẽ còn nhiều vấn đề và có lẽ còn đắt hơn điện gió nên chưa được quan tâm như điện gió. Họ là những người rất giỏi, nhưng rất tiếc rằng họ đã không để ý đến công dụng của một loại vật dụng rất tầm thường là chiếc líp xe đạp.
2. Trong các bản tin dự báo sóng biển của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương có độ cao của sóng trên từng vùng biển của nước ta. Từ độ cao của sóng ta có thể tính được năng lượng sóng và công suất điện. Kết quả cho thấy bằng những công nghệ rất bình thường, nhiều nơi trong nước có thể làm được lại cho lượng điện phát ra rất lớn và giá thành có thể khá rẻ. Vậy điều đó có đáng tin không? Chính vì thế tôi mới phải đưa vấn đề này lên các Diễn đàn để xin mọi người góp ý cho xem trong tính toán và trong phương pháp làm có sai sót gì hay không để tôi sửa lại cho tốt hơn.
3. Xin mời bạn xem giúp các bài:
- Tính thử khả năng phát điện của năng lượng sóng biển.
- Nguồn điện vô cùng to lớn.
- Điện sóng biển đắt hay rẻ và có ảnh hưởng gì đến môi trường biển hay không?
- Tại nơi thuận lợi nhất, giá thành của điện sóng biển sẽ như thế nào?
Các bài này đều nằm trong mục Hệ thống năng lượng mớitrên Diễn đàn webdien.com – Cầu nối dân điện. Tại Diễn đàn này các bạn đã trao đổi và góp ý những bài viết của tôi rất sôi nổi. Rất mong bạn có những ý kiến cụ thể vào những bài viết này để xem nó chưa phù hợp lắm tại việt nam và chi phí xây dựng lớn ở chỗ nào?
Điện sóng biển có thể rẻ hơn thủy điện hay không?

Hiện nay, thủy điện là loại điện có giá thành phát điện rẻ nhất trong các loại điện ở nước ta. Nhưng ngày 19/09/2012 tôi đã đưa bài: “Thử so sánh giá thành phát điện của điện sóng biển và thủy điện” lên Diễn đàn webdien.com – Cầu nối dân điện trong mục Hệ thống năng lượng mới. Rất mong các bạn xem giúp bài này và góp ý để tôi sửa lại cho tốt hơn. Xin chân thành cám ơn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019