Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Sự thật về phòng thí nghiệm Google X và tham vọng thay đổi thế giới của những "phù thủy" nơi đây

Duy Luân
17/4/2014 12:30Phản hồi: 92
Sự thật về phòng thí nghiệm Google X và tham vọng thay đổi thế giới của những "phù thủy" nơi đây
Google_X.jpg

Astro Teller là nhà khoa học đứng đầu phòng thí nghiệm bí mật Google X, nơi Google thử nghiệm và sáng tạo ra những thứ điên rồ như xe tự hành, mắt kính thông minh, ván trượt lướt trên không, thậm chí là cả thang máy để đi lên… vũ trụ. Trong bài viết hôm nay, mời các bạn nghe Teller hé lộ những bức màn bí mật xung quanh Google X để chúng ta có thêm cái nhìn chân thực hơn về một nơi khởi nguồn của những ý tưởng không bình thường, đồng thời xem phần tường thuật của phóng viên trang Fast Company về nơi mà trước đây chưa có người nào ở mảng truyền thông được đặt chân đến. Bài hơi dài, nhưng càng đọc thì bạn sẽ càng thấy được sự điên rồ cũng như tham vọng biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn của những người đang làm việc tại đây.

Teller không phải là “chủ tịch” hay “giám đốc” gì của X cả, thay vào đó, chức danh của ông là “Thuyền trưởng đội khám phá mặt trăng” (nguyên văn tiếng Anh: Captain of Moonshots - trong đó chữ Moonshots thường dùng để chỉ những ý tưởng lạ lùng mà trước giờ chưa ai làm được). Những thứ được sinh ra ở Google X không chắc là sẽ thành công khi đem ra đời thực và thương mại hóa, tuy nhiên, như chữ Moonshot đã gợi ý, nếu thật sự tốt thì chúng sẽ mang lại một cuộc cách mạng rất lớn.

Google_X_7.jpg
Astro Teller

Teller nhớ lại rằng ở những buổi đầu, ông đã có một cuộc nói chuyện không dễ dàng với đồng sáng lập Google Sergey Brin và CFO Patrick Pichette. Ông nói đây là một buổi họp “phức tạp” bởi ông đang chuẩn bị thông báo về một số tin không vui cho hai trong số những quan chức cấp cao nhất của Google. “Tôi đã nói với họ rằng một trong số các nhóm của tôi đang gặp khó khăn, chúng tôi cần một con đường đúng để đi, và điều đó sẽ tốn tiền. Và không chỉ là những khoản lặt vặt mà thôi”. Teller cùng đồng nghiệp của mình đã rất căng thẳng trong quá trình đối thoại, thế nhưng CFO Pichette chỉ đơn giản lắng nghe và phản hồi lại: “Cảm ơn anh đã cho tôi chuyện này ngay khi anh vừa biết nó. Chúng tôi sẽ làm cho nó trở thành sự thật”.

Jon Gertner, phóng viên của trang Fast Company, cho biết anh đã được hướng dẫn đi đến nhiều nơi trong Google X và nói chuyện với nhiều thành viên của nhóm “Đánh giá nhanh Google X” (gọi tắt là Rapid Eval). Họ sử dụng tất cả những gì con người và công nghệ có thể làm được để đánh giá những ý tưởng mới, sau đó xây dựng nguyên mẫu và thử nghiệm những ý tưởng có tính khả thi cao. Rapid Eval chính là sự khởi nguồn của tất cả mọi quy trình sáng tạo ở X và nhóm có số lần từ chối ý tưởng mới nhiều hơn là số lần chấp thuận. Như lời Rich DeVaul, trưởng nhóm Rapid Eval, thì “Tại sao phải hoãn việc từ chối lại ngày mai hoặc tuần sau trong khi bạn có thể làm điều đó ngay hôm nay?”.

Google X hoạt động theo một cách rất riêng

X không thuê người theo cách mà các công ty ở Thung lũng Silicon thường làm. Thực chất thì Google cũng có một nhóm riêng chuyên thực hiện công việc thử nghiệm, đó chính là Google Research, tuy nhiên bộ phận này chủ yếu tập trung tìm hiểu và phát triển những công nghệ liên quan đến khoa học máy tính và Internet. Trong khi đó, Google X thì có thể nhắm đến nhiều thứ khác nhau. X làm ra những thứ có khả năng tương tác với thế giới thực, và chúng ta cũng có thể thấy được điều đó thông qua những sản phẩm như xe tự hành, Google Glass, bong bóng Wi-Fi.

Trong hầu hết các trường hợp, X tìm kiếm những người thích chế tạo và phát triển những thứ từ nhỏ đến lớn, và những người đó phải không dễ nản chí. Trong phòng thí nghiệm này hiện có hơn 250 nhân viên bao gồm rất nhiều thành phần, từ những người từng làm bảo vệ cho các khu bảo tồn, họa sĩ điêu khắc, nhà triết học cho đến kĩ sư cơ khí. Ngoài ra còn có một người từng lãnh hai giải thưởng hàn lâm về hiệu ứng hình ảnh. Bản thân Teller trước đây cũng viết tiểu thuyết, làm trong ngành tài chính, và đạt bằng tiến sĩ ở Đại học MIT về trí tuệ nhân tạo.

Teller cũng cho biết thêm một người khác trong nhóm của ông đã dành cả cuối tuần trong garage của mình để chế tạo trực thăng và nó hoàn toàn có thể hoạt động được. Tuy nhiên kĩ năng công nghệ của anh ấy không phải là thứ giúp anh được nhận vào Google X, mà chính là chiếc trực thăng. “Định nghĩa truyền thống về một chuyên gia đó là một người biết càng ngày càng nhiều về những thứ ít ai biết. Và những người đó có thể sẽ rất hữu ích trong một khía cạnh nào đó. Nhưng đó không phải là những người làm ở X”, DeVaul chia sẻ.

Google_X_1.jpg

Nếu như hỏi về một kế hoạch lớn của X thì đó là giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của thế giới. Bản thân Google X cũng là một thí nghiệm của chính nó - một nỗ lực tái định nghĩa lại quy trình mà một phòng thí nghiệm của công ty hoạt động, và trong trường hợp của X thì họ phải gánh lấy rủi ro rất cao xuyên suốt nhiều lĩnh vực công nghệ nhưng không thể đi quá xa khỏi lĩnh vực kinh doanh của công ty mẹ. Chúng ta có thể xem X như một mô hình hoàn toàn mới mẻ trước giờ chưa từng có tiền lệ.

Nhưng điều này lại rất có lý. Google có rất nhiều cơ hội để thực hiện những giấc mơ của mình và cơ hội đó có thể sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Hiện nay công ty đang sở hữu tình hình tài chính tốt, tiền nhiều và một cơ số nhân tài. Google đang ở đỉnh cao của mình trong thời đại mà kết nối mạng, sức mạnh điện toán và trí tuệ nhân tạo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, hãng còn đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng thêm nhiều dịch vụ bổ trợ cho việc kinh doanh chính của mình.

Quảng cáo


Vậy thì tại sao Google không tiếp tục làm điều đó thông qua X? Theo Teller, phòng thí nghiệm yêu-thất-bại của ông đang tiến vào khám phá một khoảng không khổng lồ. Những công ty nhỏ nghĩ rằng họ không có đủ nguồn lực và tiền bạc để tạo ra những thay đổi lớn, trong khi các công ty lớn lại sợ họ sẽ làm phật lòng cổ đông khi đầu tư không đúng chỗ. Chính phủ thì tin rằng họ không đủ tiền để nghiên cứu và phát triển, còn các nhà lập pháp thì lo sợ về những bước đi sai lầm sẽ tạo ra scandal. Mọi người đều nghĩ rằng việc sáng tạo là của người khác, sẽ có người khác lo, mình cứ làm việc của mình. Và đó chính là lỗ hổng mà Teller đang nhắc đến.

Google_X_9.jpg

Cũng cần nói thêm rằng các sản phẩm của X không chỉ là những thứ làm ra cho vui, mà nó thật sự giúp ích cho việc kinh doanh của Google. Xe tự hành chắc chắn sẽ cứu được nhiều mạng sống, nhưng nó đồng thời cũng giúp người lái xe có thời gian rảnh để vào web và dùng Gmail. Bong bóng Wi-Fi hiển nhiên sẽ đem Internet đến những vùng hẻo lánh, và điều này “vô tình” giúp cho số lượng người tìm kiếm Google tăng lên. Nhưng công bằng mà nói thì những ý tưởng của hãng cũng rất đáng trân trọng và chúng thật sự mang tính thực tiễn cao. Khi được hỏi vì sao Google chọn đầu tư vào X thay vì những thứ hấp dẫn hơn đang bày ra ở phố Wall, Teller cười và nói: “Người ta đã chọn sai đấy chứ” và không có lời giải thích nào thêm.

Nơi làm việc của các phù thủy


Google X nằm ở phần rìa của trụ sở Google và hầu hết các hoạt động của phòng thí nghiệm này diễn ra trong một tòa nhà ba tầng màu đỏ gạch. Phòng thí nghiệm này không có bảng hiệu, cũng chẳng có website riêng (Tell nói: “Nếu có website thì chúng tôi đăng nội dung gì lên đó bây giờ?”). Cửa chính của tòa nhà sẽ dẫn bạn vào một quầy cafe tự phục vụ, xung quanh là một không gian hiện đại và mang tính công nghiệp. Về phía bên trái là một phòng lớn với nhiều khu vực nhỏ cùng nhiều phòng họp, còn bên phải là nơi dừng xe đạp và phòng ăn với một bản hiệu nói rằng chỉ có nhân viên của X mới được phép sử dụng. Ngoài những thứ này ra thì không nhiều chi tiết cho bạn thấy rằng đây là một phòng thí nghiệm siêu bí mật. Hầu hết những khu vực làm việc nhóm đặt ở tần dưới, còn những tầng trên thì có một số phòng với cái tên ngộ nghĩnh như “Tòa lâu đài đầu lâu xám”.

Nguồn gốc của X bắt đầu từ năm 2009 khi Brin và nhà đồng sáng lập Larry Page tìm kiếm một vị trí gọi là “Giám đốc quản lý những thứ khác”. Người này sẽ chịu trách nhiệm quản lý những thứ khác xa với công cụ tìm kiếm của Google. Thế rồi dần dần người này cùng với nhóm của mình đã trở thành Google X vào năm 2010 khi kĩ sư Sebastian Thrun quyết định phát triển một chiếc xe không người lái (tất nhiên là có sự hỗ trợ của Brin và Page). Thrun chọn Teller là một trong những cộng sự của mình, nhưng khi dự án xe tự hành tiến xa hơn thì Thrun muốn dành trọn vẹn thời gian của mình cho sản phẩm nên ông không tiếp tục quản lý những dự án khác của X. Đó cũng là lúc Teller nhận lấy trách nhiệm trông coi phòng thí nghiệm bí mật nhưng không bí mật của Google.

Quảng cáo


Google_X_3.jpg

Có nhiều lời giải thích về chữ X trong cái tên Google X. Ở thời gian đầu nó chỉ đơn giản là chỗ để chèn một cái tên khác hay hơn vào, nhưng giờ đây nó mang ý nghĩa rằng Google X muốn tìm kiếm những giải pháp tốt hơn hiện tại gấp 10 lần. Một số nhân viên khác thì nghĩ rằng X có nhiệm vụ tạo ra những công nghệ mà phải 10 năm sau nó mới gây ảnh hưởng lớn.

Google X cũng là một thứ rất đặc biệt trong thời buổi ngày nay. Các công ty khác không phải là không nghĩ đến việc đầu tư vào những dự án điên rồ, nhưng cứ tới mỗi kì báo cáo tài chính thì họ lại bắt đầu lo ngại về số tiền đã đổ vào việc nghiên cứu nhưng chưa thu được lợi nhuận. Thế là dần dần những nghiên cứu đó bị loại bỏ. Trong buổi họp cổ đông gần đây, các nhà đâu tư đã hỏi CEO Page về số tiền khổng lồ mà ông đã chi cho bộ phận nghiên cứu và phát triển. Ông chỉ nói rằng chi phí đó không lớn so với lợi nhuận của Google, sau đó còn hỏi ngược lại rằng chẳng phải các nhà đầu tư luôn muốn công ty đổi mới và sáng tạo trong dài hạn đó sao?

Về cơ bản, có ba tiêu chuẩn mà các dự án của X cùng chia sẻ:
  • Tất cả đều phải giải quyết những vấn đề liên quan đến hàng triệu người, hoặc hơn nữa là hàng tỉ người
  • Tất cả đều phải sử dụng một giải pháp căn cơ có sử dụng ít nhất một yếu tố lấy từ khoa học viễn tưởng
  • Tất cả đều phải sử dụng những công nghệ có sẵn hoặc gần hoàn thiện

Ngoài ra, theo lời DeVaul thì còn một yếu tố quan trọng nữa kết nối ba tiêu chuẩn này đó: không một dự án nào được phép là một nâng cấp nhỏ cho giải pháp hiện có. Ông nói thêm: “Rất khó để làm hầu như bất cứ việc gì trong thế giới ngày hôm nay. Ngủ dậy và bước ra khỏi giường là một chuyện rất khó đối với tôi. Nhưng tấn công vào một vấn đề lớn gấp 10 lần thì không nhất thiết giải pháp phải khó hơn 10 lần”. DeVaul tin rằng việc giải quyết một vấn đề lớn sẽ dễ hơn nhiều so với việc “cố gắng tối ưu hóa để một quy trình nào đó tốt hơn 5% hay 2%”.

Google_X_8.jpg
Chân dung của DeVaul

Hãy nghĩ về xe hơi. Nếu bạn muốn một chiếc xe chạy được 50km với 1 lít xăng thì bạn sẽ phải làm việc rất nhiều. Nhưng nếu bạn muốn một chiếc chạy được 500km với 1 lít nhiên liệu thì bạn phải bắt đầu lại từ đầu vì cơ bản là hiện nay không có công nghệ nào có thể làm việc đó. Bạn phải nghĩ về một loại động cơ khác, một loại nhiên liệu khác, thậm chí có thể bạn sẽ phải bỏ ý tưởng về xe hơi để tìm ra một loại phương tiện khác có thể đạt con số tiêu thụ nhiên liệu như mong muốn.

Từ ý tưởng đến hiện thực


DeVaul cũng dành ít thời gian để nói về những người trong X. Ông mời thêm hai người nữa là Dan Piponi và Mitch Heinrich cùng tham dự một buổi họp mô phỏng. Piponi là một nhà toán học và một nhà vật lý được đánh giá cực kì cao trong X. Heinrich lại là một chuyên gia thiết kế trẻ tuổi, người đã xây dựng nên “bếp ăn thiết kế” nằm kế bên phòng thí nghiệm chính của X. Nơi đây có đầy các máy in 3D, máy cưa và rất nhiều những vật dụng chế tạo khác. Còn DeVaul thì học về nhiều thứ, từ thiết kế, vật lý, nhân loại học cho đến ngôn ngữ máy tính. Ông cũng là người đã nghĩ ra dự án bong bóng Wi-Fi Loon. Ông đã cố gắng hết sức để làm cho Loon này thất bại về mặt kĩ thuật nhưng không thể, vậy là ông đồng ý dẫn đầu dự án này trong vòng một năm.

Google_X_5.jpg

Về một số khía cạnh nào đó, việc xem nhóm của DeVaul làm việc cũng giống như việc xem một ban nhạc đang tập luyện. Ý tưởng được chuyển từ người này sang người khác một cách nhanh chóng, được phân tích kĩ và rất có động lực. Tất cả mọi thứ đều nhắm đến việc khiến cho ý tưởng trở nên tốt hơn. Ngoài ra họ cũng thường gặp nhau vào bữa ăn trưa một lần một tuần để nói về những đề xuất mà họ mới nghĩ ra hoặc kiếm được từ bên ngoài - từ công ty mẹ (Google), hoặc từ những người quen biết. Sau đó, những ý tưởng này sẽ tiếp tục được thảo luận một cách kĩ càng hơn: liệu giải pháp đó có giải quyết vấn đề hay không? Thứ đó có thể được chế tạo ra hay không? Và liệu người ta có chịu dùng sản phẩm hay không?

Lý do mà nhân viên Google X phải nghĩ đến những yếu tố trên đó là nếu bạn nghĩ ra một thứ mới mẻ chưa ai làm thì bạn cũng phải nghĩ đến những chướng ngại có thể gặp phải. Với xe không người lái, những vấn đề chưa giải quyết được đó là sự phức tạp của luật pháp, cơ sở hạ tầng đường xá, bảo hiểm, còn với Google Glass thì đó là vấn đề quyền riêng tư. Nếu nhóm cảm thấy những chướng ngại trên là có thể vượt qua được, họ sẽ nhờ Heinrich hoặc Piponi tạo ra một nguyên mẫu của nó trong vòng vài ngày để rồi chính thức nhảy vào làm việc. Nhưng những điều này cực kì hiếm xảy ra. DeVaul nói: “Rất hiếm khi chúng tôi nói rằng ‘Đây sẽ là dự án mới của Google X’. Và điều đó không có nghĩa là dự án sẽ bị ngừng lại ngay cả khi nó đang được phát triển”.

Đôi khi những vấn đề ở Google X rất dễ để định hình, ví dụ như 2/3 dân số thế giới hiện không có Internet đủ rẻ và tốt. Vậy là ông cùng nhóm của mình quyết định sẽ tiếp tục với ý tưởng bong bóng Wi-Fi. Nhưng đôi khi vấn đề lại nằm tuốt ở tương lai và khi đó, nhân viên Google X phải đứng ở tương lai để trông ngược lại quá khứ. “Vấn đề là phải nhìn ra được một tương lai nơi mà ai ra đường cũng đeo kính mắt thông minh. Tôi muốn được kết nối với thế giới thông tin, nhưng phải theo một cách dễ dàng và không gây ảnh hưởng nhiều đến những việc làm khác của tôi”.

Ván trượt trên không và thang máy vũ trụ


Cũng còn đó các câu chuyện xoay quanh việc xây dựng đến những thứ như ván trượt lướt trên không khí và thang máy để đi lên vũ trụ. DeVaul là một người rất thích chơi ván trượt và việc tạo ra một chiếc ván nổi trên không là điều ông đã ước mơ từ lâu. “Chỉ là tôi muốn một cái thôi”, ông nói. “Nếu có một ý tưởng nào hoàn toàn điên rồ và buồn cười, ý tưởng đó chắc chắn sẽ đến từ tôi”. Thực chất thì ván trượt trên không rất hay và có tính ứng dụng cao. Hãy thử tưởng tượng rằng trong những kho hàng, nơi những tấm pallet đựng đồ có thể nổi lên để di chuyển dễ dàng thì sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu là chi phí và thời gian. Hoặc trong một phòng thí nghiệm nào đó, nơi bạn chỉ cần búng tay là đồ vật sẽ tự bay đến cho bạn dùng.

3028156-slide-s-4-185-the-google-x-way.jpg
Một chiếc ván trượt bình thường xuất hiện trong không gian của Google X

Sau đó Heinrich có kêu Piponi trình diễn tấm ván trượt mà anh đang phát triển. Nó là một hình chữ nhật nhỏ cỡ bìa một quyển sách bìa cứng và trên bề mặt thiết bị này là một vòng nam châm. “Vậy câu hỏi đầu tiên ở đây liên quan đến vật lý”, Piponi nói. “Bạn thật sự có thể làm một thứ gì đó lướt lên trên được không? Và người ta đã thử làm điều này bằng nam châm”. Đây cũng là cách thức mà Nhật và Trung Quốc áp dụng cho những tuyến tàu cao tốc của họ. Tuy nhiên, tàu cao tốc lại dùng hệ thống nam châm chỉ cho phép tàu chạy tới theo một hướng xác định, trong khi tấm ván trượt cần phải di chuyển theo bất kì hướng nào người dùng muốn. Ngoài ra, nam châm cũng thường xuyên bị đảo cực nên tấm vấn sẽ lật vòng vòng khi người dùng trượt đi đây đó. Bất kì tay trượt ván nào cũng có thể nói với bạn rằng tấm ván bạn đang dùng quá tệ.

Thế nhưng may mắn thay đây lại là vấn đề mà Google X sinh ra để giải quyết. Piponi nói: “Có những lỗ hổng mà bạn phải tìm được cách giải quyết. Có những loại vật liệu rất lạ kì và nó không giống như những gì nam châm thông thường có thể làm được”. Piponi khám phá ra rằng nếu sử dụng một tấm graphite rất mỏng thì nó có thể hoạt động tốt với một tấm nền nam châm. Vậy là ông làm ra một cái cho nhóm của mình. Piponi đẩy tấm ván nhỏ đó qua cho phóng viên của trang FastCompany và quả thật nó đang nổi lên bên trên nam châm. Khi anh trượt nhẹ về một phía nào đó thì tấm ván sẽ di chuyển theo. DeVaul nói rằng lần đầu tiên ông thấy thiết bị này, ông đã thật sự cảm thấy kinh ngạc.

Tuy nhiên, khi Piponi thử tính toán để tăng kích thước của tấm ván lên mức có thể sử dụng được, anh nhận thấy rằng đến một lúc nào đó khi đạt đến một điểm trọng lượng nhất định thì đệm không khí sẽ không còn tồn tại nữa, tấm ván không còn có thể nổi lên. Anh cũng có nghĩ đến việc thay đổi nguyên vật liệu nhưng điều đó kéo theo chi phí khổng lồ cùng sự phức tạp không cần thiết so với những gì mà một tấm ván bay có thể thay đổi thế giới. Thế là Google X quyết định hủy dự án này. DeVaul nói: “Khi chúng tôi từ bỏ, đó là một thứ tích cực. Chúng tôi nói với nhau: ‘Cái này rất là tốt, và giờ thì chúng ta phải làm việc trên những thứ khác nữa’”.

Như thang máy không gian chẳng hạn. Và đây là một trong những thứ mà X được đồn đại từ lâu là đang phát triển nhưng Google chưa bao giờ thừa nhận. DeVaul hỏi: “Bạn biết thang máy không gian là gì mà đúng không?”. Ông nhanh chóng mô tả sơ lược rằng nó là một sợi cáp lớn nối với một chiếc vệ tinh trong không gian, cách cả nghìn cây số so với mặt đất, với hai chiếc tàu chạy dọc theo chiều dài của cáp. Chiếu theo các tiêu chuẩn của X thì kiểu thang máy này đáp ứng được việc mang yếu tố khoa học viễn tưởng. Nó cũng giúp giảm chi phí du hành không gian so với hiện nay.”

Và lại một lần nữa nhóm gặp vấn đề giống như chiếc ván đệm không khí. DeVaul biết rằng sợi cáp dùng cho dự án phải cực kì bền, “ít nhất là bền hơn vài trăm lần so với loại thép bền nhất mà chúng ta đang có”, theo tính toán của Piponi. Anh cũng đã tìm ra một vật liệu phù hợp cho ý tưởng này: ống nano carbon. Tuy nhiên hiện chưa ai có thể sản xuất được một ống nano carbon có chiều dài hơn 1m, vậy thì làm sao có thể tìm được một sợi cáp dài để nối từ mặt đất lên không gian? Thế là dự án thang máy này “được đem đi đông lạnh” và dừng lại.

Nhưng những tình huống trên là áp dụng cho khoa học vật liệu, còn với những vấn đề liên quan đến điện toán thì khác. Định luật Moore dự đoán sức mạnh của chip sẽ tăng theo số mũ nên tốc độ khai thác khả năng tính toán sẽ nhanh hơn. Đây cũng là lý do vì sao mà nhóm ủa DeVaul tự tin rằng Google Glass sẽ trở nên thông dụng hơn trong vài năm tới. Trong khi đó, chúng ta không thể dự đoán được khi nào thì một loại vật liệu mới sẽ được phát minh. Có thể ngay năm sau, nhưng cũng có thể đến 100 năm sau.

3028156-slide-s-3-185-the-google-x-way.jpg

Nói như thế không có nghĩa là Google X không quan tâm đến thế giới vật liệu. Hiện tại, nhóm Rapid Eval đang theo dõi công trình nghiên cứu của một số học viên, những dự án đang ngày đêm nỗ lực tạo ra những thứ siêu bền và siêu nhẹ. Một giáo sư tên Julia Greer hiện đang làm việc với một thứ gọi là “nanotrusses” và DeVaul vô cùng hứng thú với công trình này. “Nó sẽ thay đổi toàn bộ cách mà chúng ta xây dựng những toàn nhà. Bởi vì nếu tôi có một thứ cực bền và siêu nhẹ, tôi có thể dệt nên cả một tòa nhà trong tích tắc. Bình thường nó sẽ nằm gọn trong một chiếc hộp, tôi mang nó đến công trường mà nó sẽ bật ra như kiểu origami và trở thành một tòa nhà bền hơn bất kì thứ gì mà chúng ta đang có hiện nay”. Và rồi có một khoảng lặng trong phòng. “Tôi biết nó nghe hết sức điên rồ”.

Người đưa Google X trở lại mặt đất


Vào cuối ngày, phóng viên của Fast Company được gặp Obi Felten, người giúp kéo cả nhóm Google X trở về mặt đất sau khi họ bàn về những ý tưởng của mình. DeVaul nói người phụ nữ này là người bình thường duy nhất trong nhóm có khả năng kéo nhân viên của X về thực tại chỉ bằng những câu hỏi đơn giản, ví dụ như “Điều đó có hợp pháp không?”, “Có ai sẽ mua nó không?”, “Người ta có thích nó không?”. Felten không phải là một kĩ sư, bà làm việc cho bộ phận marketing của Google ở Châu Âu trước khi về với X. Felten hóm hỉnh: “Chức vụ hiện tại của tôi đó là Trưởng bộ phận giúp các dự án moonshot liên hệ với thực tế”. Một vấn đề mà Felten gặp phải đó là không ở đây có sẵn một hình mẫu, một mô hình giúp thực thi các ý tưởng điên rồ mà X đưa ra bởi nó quá mới mẻ, quá lạ lùng. Nhưng may mắn với X là không phải sản phẩm nào cũng cần có doanh thu. “Toàn tuyến sản phẩm thì phải làm ra tiền, nhưng không phải là mọi thứ trong đó. Có những sản phẩm đem đi kinh doanh tốt hơn những thứ còn lại nếu bạn muốn tính ra đô la. Có những thứ khác sẽ gây ảnh hưởng lớn với thế giới, nhưng không mang lại lợi nhuận cao”.

Google_X_6.jpg
Obi Felten

Vào khoảng cuối năm nay X dự tính sẽ giới thiệu một dự án siêu bí mật rơi vào trường hợp thứ hai. Đó sẽ là gì? Hiện chúng ta chưa có bất kì manh mối nào, nhưng nhiều khả năng nó sẽ liên quan đến phương tiện giao thông, năng lượng sạch, thiết bị chẩn đoán y tế.

Cuối cùng, người phóng viên này kể cho Teller nghe về ý tưởng mà ông đã từng nói với DeVaul về một viên đạn có khả năng tránh né nạn nhân và chỉ nhắm đến những tội phạm đang đứng gần đó. Anh phóng viên nói đây là một ý tưởng tốt nhưng nó thật sự không cần thiết. Teller đáp lại: “Điều đó cũng bình thường thôi. Hầu hết mọi ý tưởng đều không áp dụng được. Nên cũng bình thường nếu chuyện đó cũng áp dụng cho ý tưởng của bạn”. Ông dừng lại suy nghĩ thêm và nói: “Vậy nếu một viên đạn mang độc dược nhưng có thể được cứu chữa trong một tuần thì sao?”. Nó sẽ không giết kẻ phạm tội ngay, nhưng một khi đã bị bắn thì tội phạm phải tự nộp mình cho cảnh sát để có được thuốc chữa. Rồi Teller nghĩ thêm: “Tôi không biết. Tôi chỉ đang suy nghĩ về những thứ xung quanh nó mà thôi”.

Nguồn: Fast Company
92 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Các dự án của GG X thường đưa ra những sản phẩm có phạm vi sử dụng hạn hẹp, không mang tính phổ biến đại chúng.

Hoặc là những dự án bất khả thi.
Razor's
ĐẠI BÀNG
10 năm
@Black Mamba Bác ngoa ngoắt cũng ko vừa. Nhưng mình thích cách suy nghĩ của bác
@htpcty Dzạ thưa cụ, 2 đại ka CEO của gg đồng ý thì không phải ko có lý do đâu, đầu óc mấy ông này cụ còn vài kiếp nữa mới theo kịp, anh hùng bàn phím vừa thôi, tiến sĩ AI của MIT đó ạ, chứ ko phải tiến sĩ giấy vn đâu cụ ạ ><
@htpcty chú cần thêm bộ não nhân tạo để não bớt láng đấy 😁
Nokia6686
TÍCH CỰC
10 năm
@htpcty Với tầm nhìn và độ hiểu biết của chúng ta nói chung và của 1 người như bạn nói riêng thì lời nhận xét trên hoàn toàn có thể hiểu được!

Google X là "nhà hát của những giấc mơ" cho tất cả những ai yêu công nghệ và say mê nghiên cứu. Ở đó không hề có "chế độ nhà tù" như phòng nghiên cứu của 1 công ty nào đó.

Cứ nghiên cứu đi, họ chấp nhận thất bại và tự họ gánh chịu, còn họ thành công thì cả nhân loại được hưởng. Vậy hà cớ gì mà chỉ trích, ném đá người ta?...
kiennams
TÍCH CỰC
10 năm
có lẽ nên chế tạo viên capsules huyền thoại chăng 😆
Hay quá.
google sẽ nuốt chửng cả thế giới! và viễn cảnh thống trị của loài robot dc bắt nguồn từ google X! 😁
mong sao google chế tạo cái gì đó gọn nhẹ để người biết bay trên không như chim:p;) .để không còn có tai nạn nữa:eek:
@hoangphithanh Gãy cánh, hết pin, ... rơi xuống 😃
@saiback thêm cái năng lượng vô tận như gió mặt trời và nguyên tử hehhehe
@hoangphithanh Mình đang nghĩ tới viễn tưởng nơi nào có nhiều chim, nơi đó phân chim rơi đầy mặt đất =))
@hoangphithanh chỉ giảm đc thui bác ạ 😁
qwerty87
TÍCH CỰC
10 năm
@hoangphithanh Sự phát triển luôn mang theo tính hai mặt cho đến chừng nào những người làm khoa học thực sự để ý thật kỹ đến sự bền vững trong những nghiên cứu của mình. Con người vật chất càng được tự do, tiện lợi bao nhiêu thì càng dễ gây xung đột hoặc va chạm bấy nhiêu với những thứ, vật, người xung quanh nếu không kiểm soát được sự tự do đó. VD: khi chưa có xe máy, không có tai nạn nhiều như bây giờ, còn ngày nay, khi ta phát triển sự tự do về tốc độ di chuyển đã không tính toán đến nó làm tăng tỉ lệ ảnh hưởng đến nhau (cụ thể là tai nạn giao thông bất chấp luật giao thông ngày càng dày đặc hơn), do con người không phải là hệ thống cứng nhắc, mà là có thể xem là một hệ thống tự do, nên hành động không đi theo những quy luật nhất định, mà luôn có "sai số" lớn. Đó là lý do tại sao phải nghĩ tới hệ thống xe tự hành, vì nó đi theo quy luật và tính toán bằng máy móc cứng nhắc, tốc độ tính toán và độ chính xác cao nên khi di chuyển sẽ tránh được va chạm không đáng có. Do đó, nếu VN ta mà chế được máy bay cá nhân như xe máy, thì cũng không cho bay được, vì tỉ lệ tai nạn sẽ còn cao hơn và thảm khốc hơn nữa, trừ khi có được hệ thống kiểm soát bay tự động toàn quốc thì may ra máy bay cá nhân mới được chấp thuận hoàn toàn khi nó ra đời. Còn bây giờ chế ra máy bay mà tự ý bay lui bay tới coi chừng bị phòng không quốc gia bắn thành heo quay luôn.:p
harry277
ĐẠI BÀNG
10 năm
ít ra google còn nghĩ đến sự phát triển của thế giới, không như apple chỉ nghĩ đến lợi ích và tiền của công ty thôi, đụng gì ra cũng kiện tụng
@harry277 tôi đố bạn thành lập công ty làm ăn mà không nghĩ đến lợi lích và tiền bạc đấy. Sao bạn biết Apple nó không dự án giúp thế giới phát triển chứ? Chẳng lẽ nó làm project gì thì phải báo cáo cho bạn biết hả? Ở Mỹ học sinh được Apple support cũng nhiều nhé. Thử hỏi nếu như không có iPhone thì mấy hãng khác có thi đua nhau làm smartphone cho mọi người dùng không? công nghệ có được thúc đẩy trên sự cạnh tranh không? Còn vấn đề kiện tụng là vi phạm bạn quyền cũng như lợi ích của toàn công ty, nghĩ xa hơn một chút bạn sẽ thấy.
ko biết có thành phim "kẻ hủy diệt" ko nữa
Hic.. Trich.." Bài hơi dài"... Dài thiệt.. Có những ý tưởng gần như hoang tưởng nhưng với con người thì ko có gì ko thể ..Ko là hiện thực hôm nay còn ngày mai thì ai biết được.. Anh Gồ số1
Steve Chu
TÍCH CỰC
10 năm
Sự thật về phòng thí nghiệm Google X và tham vọng thay đổi thế giới của những "phù thủy" nơi đây là làm sao để đc nhiều XXX
P/s: hiểu theo nghĩa trong sáng nha, công nghệ X đấy..😁
@trontu20 Tưởng chi đuối lý rồi dở ra mấy cái ngôn ngữ đó :rolleyes:
Đúng là nó không có đả động gì đến mình thật. Xin lỗi vì đã làm phiền bạn.
Steve Chu
TÍCH CỰC
10 năm
@Green.Monster Xin lỗi bạn vì nóng giận mà mình quá lời, nhưng bạn cũng hiểu cho là mình viết như vậy cũng chỉ đùa thui, mình cũng ko nghĩ gì khi viết, và cũng là loại người ko phải lúc nào cũng nghĩ đến mấy cái chuyện đó, và bạn cũng đừng nghĩ là cái đó là xấu, chẳng qua xấu vs trẻ con thui, vì để cho tâm hồn trẻ con trong sáng nên người lớn mới bảo việc đó là xấu(bảo việc xấu mà họ vẫn làm). Nói chung là tùy quan điểm của từng người và ko phải chỉ một câu nói mà có thể đánh giá đc nhân cách của họ. 1 lần nữa xin lỗi vì đã xúc phạm bạn..😔
@trontu20 Mình cũng xin lỗi bạn. Toàn chuyện không đâu việc gì phải cãi nhau nhỉ 😁
Steve Chu
TÍCH CỰC
10 năm
@Green.Monster ok.. 😃
mrblack01
TÍCH CỰC
10 năm
mong sao phát triễn được viên pin cho smartphone dùng 1 tuần là được rồi
@mrblack01 Đi mua cái đt sd năng lượng mặt trời mà dùng, không bao giờ hết pin 😁
Chữ này ở sai vị trí trong câu nhỉ?! 😁
@tyvn bác này chắc uống nhiều vinaSOI :D:D
@android no.1 tại mình kém về khả năng đọc lướt hay đọc quét :p lúc đọc đến đó bị ngắt mạch tiếp thu nên mới "SOI" :D
Google mãi là nơi mơ ước của tôi 😃. Ôi, cũng làm trong ngành công nghệ phần mềm mà nghĩ phận lại buồn 😃)
những thứ trong phim viễn tưởng google glass cũng đã thành hiện thực! mong sau này còn nhiều sp nữa để còn trải nghiệm!
hoangtu2410
ĐẠI BÀNG
10 năm
thử nhìn lại 10 năm trước xem, có những thứ 10 năm trước chả dám nghĩ đến thì bây giờ nó đã nhan nhản rồi . Google quá tuyệt vời khi tạo ra dự án có ý nghĩa như thế này , trên hết là hiện tại họ làm không vì lợi nhuận .
@hoangtu2410 Lợi nhuận kiểu gì cũng sẽ có mà bác.
Google là công ty đã cổ phần, và sẽ phải làm việc với mục đích chính cao nhất là mục đích của cổ đông, đó là lợi nhuận.
Đành rằng các dự án, sản phẩn của họ ý nghĩa và sức ảnh hưởng lớn, nhưng khi càng lớn thì càng sẽ có lợi nhuận. Những gì free cho khách hàng thì đều có cách khác để kiếm tiền, hoặc tới lúc nào đó nó sẽ thương mại hóa để tồn tại.
hoangtu2410
ĐẠI BÀNG
10 năm
@vicktorbui bạn có thấy 2 chữ hiện tại của mình không vậy :-s
deep_blue_v
ĐẠI BÀNG
10 năm
Duy Luân dịch bài hay quá.
nletgo
ĐẠI BÀNG
10 năm
Thường thì những ý tưởng thay đổi thế giới hay đến từ những kẻ ngoại đạo (họ tạo ra những thứ đó vì nhu cầu bản thân thôi thúc, trc hết phục vụ họ. khi họ tạo ra họ k hề có ý muốn thay đổi thế giới.
Container đc 1 anh nông dân người Mỹ nghĩ ra do thấy xếp dỡ hàng ở cảng quá chậm
Facbook cũng chỉ đơn giản muốn liên kết moi người trong trường...
dn9116
TÍCH CỰC
10 năm
đọc mà bị cuốn vào luôn, đúng là những ý tưởng "đặc biệt"
Google có cả 1 đội ngũ nhân viên cấp cao yêu công nghệ...còn apple có hàng nghìn luật sư sãng sàng cho sứ mệnh kiện tụng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019