Điện toán đám mây nội địa: Một nửa chặng đường

takeshi90
25/2/2015 10:30Phản hồi: 6
Gõ từ tìm kiếm "máy chủ ảo" trên Google với phạm vi tìm kiếm tại Việt Nam, bạn sẽ thấy được khoảng chục kết quả tìm kiếm trả về, tương ứng với đó cũng có khoảng chục quảng cáo liên quan, gồm tên tuổi các công ty tương tự như kết quả SEO trên Google. Nói chung, kết quả tìm kiếm này khá mỹ mãn cho người dùng vì có được những chọn lựa dịch vụ cần thuê. Nhưng đối với một ngành công nghệ thì một chục kết quả tìm cùng với bằng đó quảng cáo cho thấy thị trường điện toán đám mây trong nước còn quá mới, chưa có tính cạnh tranh cao và là cơ hội để các công ty công nghệ, nhất là công ty khởi nghiệp đầu tư. PC World Vietnam đã tiếp cận một số doanh nghiệp trong nước sớm đầu tư vào điện toán đám mây để tìm hiểu sâu hơn về thị trường này.

Mới chỉ là bước khởi đầu


Trong vài năm qua, giới công nghệ luôn nhấn mạnh đến điện toán đám mây. Các quốc gia phát triển đã triển khai và ứng dụng điện toán đám mây ở mức phổ biến. Nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có nền kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào tiền mặt, thương mại điện tử mới chỉ chuyển mình thì việc người dùng chuyển mọi thứ lên một nền tảng hoàn toàn "vô hình" như điện toán đám mây vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Công ty PAVietnam mới chỉ xem mảng đầu tư vào điện toán đám mây như là giải pháp lấp chỗ trống cho dải sản phẩm/dịch vụ lâu nay của họ là phát triển trang web, tên miền và họ vẫn còn đang theo dõi thị trường. Còn công ty khởi nghiệp Long Vân 2 năm tuổi với định hướng cụ thể, hoàn toàn tập trung nguồn lực vào điện toán đám mây, cho thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) và máy chủ ảo hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sao Bắc Đẩu nhà cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp quy mô lớn, cũng không làm ngơ khi từ năm 2011, họ đã vạch ra lộ trình phát triển cho mảng kinh doanh điện toán đám mây nhắm đến mảng ngân hàng, tổ chức tài chính và bảo hiểm. ODS (Online Data Services) với vai trò nhà phân phối nền tảng ảo hóa Parallels, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ảo hóa cũng chỉ khoảng cách nay 3 năm... Theo ông Mạc Minh Hưng, phó giám đốc công ty cung cấp điện toán đám mây IDC Online có trụ sở tại Hà Nội, hiện trong nước chỉ mới có khoảng từ 5-7 doanh nghiệp thực sự kinh doanh điện toán đám mây mà thôi.

Việt Nam chỉ mới có một nửa đám mây


Google Docs, iCloud, Dropbox, Mediafire, game online và vô vàn ứng dụng trực tuyến mà chúng ta sử dụng bấy lâu nay đều là có bản chất là điện toán đám mây. Nhưng có một thứ chung: đa phần chúng đều từ nước ngoài, trừ vài cái tên (rất ít) như dịch vụ chia sẻ file Fshare (fshare.vn), Tên lửa (tenlua.vn)… Nhưng đây mới là một mặt của điện toán đám mây. Điện toán đám mây có thể được định nghĩa khác nhau, nhưng tạm chia thành 2 mảng lớn: nền tảng và ứng dụng.

Thị trường điện toán đám mây trong nước đến nay hầu như chỉ dừng lại ở một mảng – cung cấp dịch vụ nền tảng. Tại sao chỉ là một nửa? Theo ông Hưng, vì nhu cầu thực tế thị trường chưa đủ lớn để nhà cung cấp đầu tư, tức là số lượng khách hàng còn ít, trong khi khoản đầu tư khá lớn. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh của các phần mềm trực tuyến miễn phí ngoài nước và phần mềm trái phép. Song cũng đã có một số đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm tự xây dựng điện toán đám mây cho mình... Họ thấy được điểm lợi của công nghệ mới: Quản lý tập trung, chi phí cho hạ tầng và ứng dụng giảm đi 40% – 50%.

Với thị trường điện toán đám mây trong nước, theo IDC Online ước tính chỉ ở mức từ 3-5 triệu USD/năm. Từ đó thấy mảng ứng dụng điện toán đám mây chưa được khai thác tại Việt Nam là rất lớn. Ví dụ, dịch vụ email chạy trên nền điện toán đám mây của doanh nghiệp phải chi trả cho nhà cung cấp khoảng 1 USD/tháng, cộng thêm một số dịch vụ cộng thêm như Note, Contact, SMS... khoảng 2 USD/tháng, trung bình một nhân viên/người dùng chi khoảng 3 USD/tháng cho ứng dụng điện toán đám mây. Với một thị trường khoảng 4 triệu người, doanh nghiệp có thể đạt doanh thu 12 triệu USD/tháng, là con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp trong nước.

Ông Phạm Thành Nam, phó giám đốc kỹ thuật Sao Bắc Đẩu, chia sẻ một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt chưa đến với ứng dụng đám mây là vì đặc thù kinh doanh và thói quen của Việt Nam khác với nước ngoài. Lối suy nghĩ truyền thống, muốn giữ "tài sản" trong nhà và quan ngại đến việc phải chuyển dữ liệu kinh doanh nhạy cảm lên mây cũng là lý do. Một nguyên do khác còn ở phía các nhà phát triển ứng dụng trong nước. Ứng dụng Việt cho người tiêu dùng (không phải cho doanh nghiệp) mang dáng dấp "xuề xòa": chưa chỉn chu, hấp dẫn về giao diện, chưa mạnh mẽ và phong phú về tính năng, chưa đủ độ tin cậy nếu người dùng phải bỏ dữ liệu cá nhân lên đó. Thị trường outsource phần mềm tại Việt Nam từng ở giai đoạn bùng nổ và nay cũng có rất nhiều đơn hàng từ nước ngoài, nhưng phần mềm trong nước lại bị rơi vào cảnh "chợ chiều" vì thói quen dùng phần mềm lậu của chính người dùng. Thương mại điện tử trong nước cũng ở giai đoạn giao thoa, lai giữa giao dịch bằng tiền mặt và giao dịch trực tuyến qua hàng loạt dịch vụ thanh toán như Ngân Lượng, Bảo Kim, 123Pay… bên cạnh thẻ cào nạp tiền các loại. Những yếu tố trên có thể xem là một trong những rào cản đối với sự phát triển của thị trường ứng dụng điện toán đám mây trong nước.

Chí phí và quản trị

Ở mặt ứng dụng là vậy, nhưng ở mặt cơ sở hạ tầng, nền tảng, điện toán đám mây lại cho thấy rõ thế mạnh của nó và các doanh nghiệp kinh doanh trong nước đang làm khá tốt mảng này. Theo ông Nam, hai yếu tố mà doanh nghiệp cân nhắc để sử dụng dịch vụ đám mây là: chi phí và quản trị. Rõ ràng, chi phí đầu tư ban đầu cho một trung tâm dữ liệu hay một máy chủ ảo là bằng 0 và thời gian triển khai cũng gần như bằng 0. Bên cạnh đó, quản trị hạ tầng công nghệ trong doanh nghiệp không phải là việc dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp phải thuê cả đội ngũ chuyên viên để vận hành và quản trị hạ tầng của mình, phát sinh nhiều chi phí và phân tán nguồn lực, không tập trung được vào mảng kinh doanh chính. Nền tảng điện toán đám mây giải quyết nhanh gọn hai vướng mắc này, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong nước hay nước ngoài


Máy chủ ảo VPS (virtual private server), trung tâm dữ liệu ảo hóa (virtual data center), thậm chí máy để bàn ảo hóa (virtual desktop) và nhiều giải pháp kèm theo như sao lưu dự phòng, cân bằng tải, quản trị… đa phần đều được các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ. Thế mạnh của dịch vụ điện toán đám mây trong nước so với nước ngoài (như Amazon AWS, Microsoft Azure, IBM Cloud Computing, Google Compute Engine...) là những yếu tố dễ nhận thấy như: hỗ trợ dịch vụ rất tốt, không ảnh hưởng đường truyền Internet cáp quang quốc tế, băng thông cao (dĩ nhiên còn tùy vào nhà cung cấp dịch vụ đường truyền). Tuy vậy, giá cả của dịch vụ đám mây trong nước còn cao hơn gấp rưỡi so với các dịch vụ ở nước ngoài. Ví dụ, một thuê một máy chủ ảo VPS tại Việt Nam có cấu hình thấp nhất có mức giá trong khoảng 285.000 VNĐ/tháng (PAVietnam, chỉ áp dụng cho đăng ký 24 tháng), trong khi giá thuê một VPS của Digital Ocean 5 USD/tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt chưa có đưa ra cách tính phí theo giờ như phần lớn dịch vụ nước ngoài, mà chỉ tính trọn giá theo tháng. Do vậy, các khách hàng thuê VPS với mục đích phát triển ứng dụng, thử nghiệm dịch vụ, demo sản phẩm… trong khoảng thời gian ngắn và không cố định thường chuyển sang dùng dịch vụ nước ngoài.

Quảng cáo



Giá rẻ, rất sát với nhu cầu (bật VPS mới tính tiền theo giờ) và thanh toán dễ dàng, thuận tiện là điểm mạnh của dịch vụ đám mây nước ngoài. Lý giải cho việc chênh lệch giá khá cao như vậy, ông Nam cho rằng do những nhà cung cấp nước ngoài triển khai trung tâm dữ liệu của họ với quy mô rất lớn và nhiều nơi, do đó giảm được giá thành thuê mỗi VPS. So với Việt Nam, trung tâm dữ liệu nhỏ nên chi phí vận hành cao, đẩy giá thuê VPS cao.
Tuy vậy, đặc thù của lối kinh doanh Việt Nam lại có lợi thế riêng. Ngoài việc có băng thông trong nước cao và hỗ trợ kỹ thuật 24/7, ông Đinh Hà Duy, CEO của công ty Long Vân cho biết các công ty cung cấp dịch vụ đám mây thường bám sát theo nhu cầu của khách hàng và báo giá phù hợp với nhu cầu đó. Đồng thời, vì quy mô nhỏ, không có nhiều khách hàng như những hãng nước ngoài nên việc quản lí cũng đơn giản hơn. Ví dụ, với Digital Ocean, VPS 5 USD/tháng có ngưỡng băng thông 1TB/tháng, nếu bạn dùng quá mức này, hệ thống tự động ngắt kết nối đến VPS. Nhưng với nhà cung cấp trong nước, hầu như không quy định về ngưỡng băng thông vì đơn giản là nhân viên kỹ thuật sẽ "du di" cho khách hàng để giữ chân. Hầu hết các nhà cung cấp trong nước đều kèm những dịch vụ về quản lý (như cơ sở dữ liệu, phát triển website...) cho khách hàng nếu có nhu cầu ngay trên nền tảng hạ tầng mà họ thuê, trong khi công ty nước ngoài thường không làm vậy. Do đó, nếu thuê VPS ở nước ngoài, doanh nghiệp vẫn cần có thêm một đội ngũ làm CNTT.

Một lí do mà nhiều doanh nghiệp còn ngại chuyển lên mây là làm thế nào di chuyển dữ liệu từ hệ thống cũ lên đám mây mà không làm gián đoạn việc kinh doanh, quản lý. Tại điểm này, các công ty cung cấp dịch vụ đám mây trong nước mới thể hiện đúng giá trị của họ so với các dịch vụ ngoài nước. Họ sẵn sàng hỗ trợ và đưa ra các mô hình điện toán đám mây phù hợp, như đám mây lai (hybrid cloud) khi kết hợp giữa 2 hệ thống máy chủ đặt tại doanh nghiệp và máy chủ trên mây và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp.

- Theo PCworld
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

từ từ rồi cháo cũng nhừ thôi, cứ kiên nhẫn ủng hộ hàng Việt
điện toán đám mây vẫn chưa được tin tưởng sử dung phổ biến
Mấy nhà cung cấp điện toán đám mây nội địa đa phần chỉ đám vào doanh nghiệp thôi, người dùng cá nhân toàn lựa chọn sử dụng dịch vụ cloud của nước ngoài
@Chie Tieu Bạn nói rất đúng hiện nay đa phần người sử dụng dịch vụ Cloud điều sử dụng cloud nước ngoài nhưng nếu tìm hiểu về dịch vụ này thì cũng nhiều nhà cung cấp giá mềm với mục tiêu khách hàng là cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ
@babyboy618 Có nhưng mà vẫn chưa bằng người ta thì sức cạnh tranh khó lắm bạn, người dùng họ cũng biết lựa chọn chỗ nào tốt để mà xài chứ đâu phải nó rẻ là họ nhào vào đâu
@Chie Tieu tất nhiên là cái gì cũng phải nói đến chất lượng như đó giờ có câu "tiền nào của đó" mà nhưng ý mình ở đây thì cũng còn nhiều doanh nghiệp nhắm đến khách hàng là cá nhân nên giá cả cũng như chất lượng phù hợp với như cầu thôi. chứ nói đủ thì bao nhiêu là đủ 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019