Điện toán xã hội (social computing): khi sự kết hợp của nhiều người làm nên sức mạnh

Duy Luân
23/3/2015 9:38Phản hồi: 10
Điện toán xã hội (social computing): khi sự kết hợp của nhiều người làm nên sức mạnh
Tinhte_Dien_toan_Xa_hoi_la_gi_Social_computing_HEADER.jpg

Trong những năm gần đây, ngoài những khái niệm như đám mây, di động hay big data, người ta còn nói nhiều về cụm từ điện toán xã hội (social computing). Đây là một ứng dụng của công nghệ thông tin có khả năng thay đổi sâu rộng cách người dùng cá nhân cũng như các doanh nghiệp hoạt động hằng ngày, từ đó tiến đến tương lai với việc giao tiếp trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn, hiệu quả công việc tăng lên. Sẵn mình đang có dịp tìm hiểu về điện toán xã hội, xin chia sẻ với các bạn một số thông tin thú vị liên quan đến khái niệm này và cách nó giúp ích cho đời sống của chúng ta.

1. Điện toán xã hội là gì?


Theo lời hai nhà nghiên cứu James D. McKeen và Heather A. Smith đến từ trường Đại học Queen ở Canada, trong cuốn sách về chiến lược công nghệ, thì điện toán xã hội là "tất cả những phần cứng, phần mềm, dịch vụ được dùng để hỗ trợ cho bất kì dạng hành vi xã hội nào". Nó được thiết kế để tạo ra và tái tạo lại những quy ước, những ngữ cảnh xã hội mà chúng ta vẫn thấy hằng ngày trong đời sống, đồng thời cho phép người ta sử dụng các thiết bị điện toán để tương tác hoặc liên lạc với người khác.

Khái niệm điện toán xã hội nghe có vẻ lạ lẫm và to lớn, nhưng thực chất nó lại là những thứ mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày và cực kì quen thuộc, ví dụ như blog, email, các dịch vụ chat, mạng xã hội (Facebook, Twitter, nghe quen chưa nào), các trang wiki (Wikipedia chẳng hạn) và những thứ tương tự. Ngay cả Tinh tế với hình thức diễn đàn cũng là một phần trong điện toán xã hội đấy thôi, bởi vì chúng ta có thể tương tác, giao tiếp với nhau thông qua công nghệ.

Còn trong cuốn sách The Wisdom of Crowds, nhà báo nổi tiếng James Surowiecki cũng có nói thêm rằng điện toán xã hội còn được dùng để hỗ trợ "về mặt điện toán" cho một nhóm người nào đó đang thực hiện một công việc nào đó. Ví dụ: các dịch vụ đưa ra đề xuất phim ảnh dựa trên ý kiến người dùng, các trang đấu giá trực tuyến, các hệ thống đánh giá theo "sao" hay theo "thứ hạng",...

Một ví dụ của điện toán xã hội: trang đề xuất nội dung hay cho người dùng
Collaborative_filtering.gif

2. Vì sao điện toán xã hội lại trở nên phổ biến?


Trong một nghiên cứu của mình vào năm 2008, Microsoft chỉ ra rằng điện toán xã hội được phổ biến là nhờ sự tương tác của người dùng ngày càng sâu rộng hơn trong thế giới điện toán. Và bạn đừng nghĩ rằng chỉ có Facebook hay Twitter mới là động lực cho khái niệm này xuất hiện, thay vào đó còn có sự góp mặt của một vài yếu tố khác nữa. McKeen và Smith đã giới thiệu 4 yếu tố đó bao gồm:

1. Thiết bị kết nối ngày càng rẻ đi: hãy nhìn giá smartphone, laptop ngày nay so với vài năm về trước là các bạn thấy ngay. Trước đây để sở hữu một thiết bị có kết nối mạng không hề rẻ, còn bây giờ bạn chỉ cần một chiếc điện thoại giá cỡ 1,5 - 1,9 triệu đồng là cũng có đủ 3G, Wi-Fi rồi (nếu mua máy second hand thì còn rẻ nữa). Sự phổ biến của thiết bị kết nối mạng giúp người dùng kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi dễ dàng hơn.

2. Kết nối ngang hàng (Peer-to-Peer, hay P2P): dạng kết nối này là kết nối trực tiếp giữa hai hoặc nhiều người dùng với nhau mà không thông qua trung gian. Một vài ví dụ thường thấy đó là torrent, kết nối Bluetooth, Wi-Fi Direct... P2P giúp việc trao đổi dữ liệu và thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

3. Các ứng dụng Web 2.0: Web 2.0 là xu hướng thiết kế web ngày nay, khi mà trang web không chỉ là nơi để tác giả trình bày nội dung của họ mà còn cho phép người đọc tham gia đóng góp nội dung. Tinh tế là Web 2.0 bởi vì các bạn, những người đọc, cũng chính là những người tham gia đóng góp nội dung (thông qua các chủ đề, các bình luận, hình ảnh, video). Facebook, Twitter, Wikipedia cũng đều là những ứng dụng Web 2.0 hết, và ngay cả các trang bán hàng online cũng tích hợp tính năng cho phép người xem được phép nhận xét hay đánh giá sản phẩm.

4. Hành vi sử dụng công nghệ điện toán: có một thứ mà ai cũng đồng ý đó là để tận dụng được những công nghệ mới, hành vi của chúng ta cũng phải thay đổi theo. Lấy ví dụ đơn giản thế này: trước đây mỗi sáng thức dậy chúng ta thường hay cầm tờ báo lên đọc, thì giờ đây là đọc báo online, lướt Facebook, Tinh tế. Trước đây mỗi khi cần ghi chú gì đó thì người ta lật đật đi tìm giấy tìm viết, còn giờ là rút điện thoại ra và chạy app ghi chú lên. Trong cơ quan, khi cần gửi thông báo cho nhân viên, người ta gửi email thay vì dán thông báo lên bảng.

Quảng cáo


Tất cả 4 yếu tố nói trên đã hoàn quyện lại với nhau và dẫn đến điện toán xã hội. Và theo thời gian, điện toán xã hội sẽ ngày càng len lỏi vào cuộc sống của con người một cách sâu sắc hơn, thậm chí nó còn sẵn sàng thích ứng với địa điểm, sở thích và lịch trình sống của chúng ta.

3. Lợi ích của điện toán xã hội

Trong cuộc sống của chúng ta, những lợi ích của điện toán xã hội có thể được nhận thấy khá rõ ràng. Bạn có thể nhanh chóng kết nối với bạn bè của mình trên khắp thế giới chỉ bằng vài cú click chuột trên Facebook, bạn có thể nhanh chóng chia sẻ tấm hình của mình khi đang đi du lịch bằng email cho người thân ở nhà, bạn có YouTube để lên đó coi video hài giải trí, bạn có Tinh tế để coi tin tức và thủ thuật công nghệ. Và rồi bạn có Wikipedia để tra cứu thông tin trong tích tắc, có blog để lên đó viết tâm sự của mình, có torrent để tải phim, có các trang đề xuất nội dung theo sở thích...

Ngoài ra, điện toán xã hội mang lại cho chúng ta thông tin với tốc độ nhanh hơn (và có thể xem là chính xác hơn, ở một chừng mực nào đó). Bạn có thể biết xăng tăng giá ngay cả khi báo chí chưa đăng, bạn có thể biết về tin thằng bạn cưới vợ ngay cả khi nó chưa kịp gọi cho bạn. Bạn biết những gì đang diễn ra ở nửa vòng bên kia của Trái Đất mà chẳng cần phải di chuyển khỏi chiếc ghế đang ngồi, biết iPhone 6 rò rỉ trông như thế nào.

Loi_ich_dien_toan_xa_hoi.jpg

Một nghiên cứu của công ty Forrester Research hồi tận năm 2006 cũng chỉ ra rằng "việc kết nối dễ dàng hơn nhờ vào thiết bị giá rẻ, nội dung phong phú và nguồn tài nguyên điện toán được chia sẻ đang gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu cũng như cấu trúc xã hội". Người dùng cá nhân cũng sẽ ngày càng ưa chuộng việc lấy thông tin lẫn nhau hơn là lấy từ những nguồn chính thống như báo chí, các công ty, tổ chức.

Đó là với người dùng cá nhân, chứ còn với các doanh nghiệp thì tiềm năng để tận dụng social computing thậm chí còn lớn hơn nữa. Trong nội bộ công ty, sếp có thể nhanh chóng nhận ngay một thông báo khẩn từ nhân viên qua email hoặc các công cụ chat chuyên nghiệp. Một vài công ty thậm chí còn đưa mạng xã hội vào hoạt động thường ngày của mình với các dịch vụ như Microsoft Yammer hay Facebook At Work nhằm tăng sự tương tác và chia sẻ thông tin giữa nhân viên với nhau. Một vài nơi thì xài Evernote, Asana như một thư viện tổng hợp lại mọi vấn đề, mọi kiến thức phát sinh trong quá trình làm việc của nhân viên.

Quảng cáo



Các công cụ điện toán xã hội cũng được tự động hóa để thích ứng với xu hướng social computing. Một vài hệ thống quản lý có thể thông báo đến người quản lý kho khi lượng hàng tồn bị xuống thấp, hoặc thông báo đến vị quản lý tài chính khi phát sinh một giao dịch giá trị cao. Và tất cả những thông báo đó xuất hiện một cách thân thiện, y hệt như notification trên Facebook vậy đấy. Nhà nghiên cứu McKeen thậm chí còn nói rằng điện toán xã hội sẽ thay đổi cách quản lý của các công ty và tổ chức, đồng thời khiến họ trở nên cởi mở, thân thiện và làm việc hiệu quả hơn.

Social_Network_Infor.jpg
Trao đổi thông tin giữa các nhân viên của một công ty thông qua một mạng xã hội được tích hợp với hệ thống quản lý sản xuất của họ

Bước ra ngoài, điện toán xã hội cho phép các công ty giao tiếp với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn. Hãy nhìn vào cách mà các hãng đang xài fanpage trên Facebook hay Twitter mà xem, họ đang cải thiện quan hệ và mức độ hài lòng của khách hàng đấy. Các công cụ như mạng xã hội, email, blog, YouTube cũng được khai thác nhiều hơn cho mục đích quảng cáo, cập nhật thông tin. Chúng cũng giúp việc mua hàng từ nhà cung cấp trở nên chính xác, đúng giờ, đúng số lượng cần thiết hơn.

4. Thách thức của điện toán xã hội


Điện toán xã hội cũng phải đối mặt với nhiều thác thức khác nhau, và với mỗi thách thức sẽ có rất rất nhiều cách giải quyết tùy theo tình hình công nghệ, pháp lý, kết hợp với đó còn phải cân nhắc đến hành vi, suy nghĩ của các bên có liên quan (khách hàng, nhà cung ứng, người dùng cuối, v.v). Một vài thách thức phổ biến bao gồm:

Tính bảo mật thông tin khi thông tin được chia sẻ qua các công cụ xã hội ra sao?


Bạn có muốn tình trạng bệnh lý của mình xuất hiện đầy trên mạng hay không, tất nhiên là không rồi. Nhưng việc chia sẻ một cách có kiểm soát sẽ giúp việc điều trị và chẩn đoán từ xa được dễ dàng hơn. Bạn không phải đến bệnh viện hàng tuần, thay vào đó các thiết bị như smartwatch, smartband có thể gửi số liệu cho bác sĩ. Với các công ty, tổ chức, những số liệu nhạy cảm được chia sẻ giữa các phòng ban rất có thể bị lộ ra ngoài, nhưng nếu không chia sẻ thì hoạt động của cả bộ máy bị chậm lại. Trong những tình huống như thế, người ta phải cân nhắc rất kĩ trước khi đưa ra quyết định ứng dụng social computing.

Những công cụ xã hội có thật sự mang lại lợi ích?


Câu hỏi này không chỉ xuất hiện cho người dùng cá nhân mà còn cho cả các công ty, tổ chức. Khi bạn xài quyết định xài một công cụ xã hội nào đó (ví dụ, Facebook, Google+), bạn cân nhắc xem bạn bè mình trên đó có nhiều không, bạn có thể liên lạc với họ dễ không, nó có giúp bạn bán hàng nhanh hơn hay không. Tương tự, khi một công ty triển khai Yammer để giúp nhân viên chia sẻ thông tin, liệu nó có giúp doanh nghiệp hoạt động trơn tru hơn hay chỉ đang phí tiền của? Để trả lời câu hỏi này không dễ dàng, và nó đòi hỏi phải có thử nghiệm và đánh giá kĩ càng.

Nên sử dụng công cụ xã hội nào?


Với người dùng chúng ta thì đây không hẳn là vấn đề, nhưng với các công ty thì lại có. Quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube, Zalo, Viber đều tốn tiền cả, vậy họ nên chọn cái nào hay đầu tư đủ hết mọi kênh? Sử dụng Microsoft Yammer hay Facebook At Work thì có lợi hơn, hay tự mình phát triển một mạng xã hội cho chính công ty mình? Có nên xài Microsoft SharePoint để chạy dự án tốt hơn và chia sẻ file nhanh hơn?

Facebook_quang_cao.png
Quảng cáo trên Facebook

Làm thế nào để khai thác công cụ xã hội một cách hiệu quả?


Nhân viên xài Facebook để giao tiếp với khách hàng, tuyệt, nhưng làm sao đảm bảo họ không phí thời gian check Facebook cá nhân? Làm sao chắc chắn rằng nhân viên luôn chia sẻ kiến thức mà họ mới học được lên mạng xã hội của công ty? Làm thế nào để giao tiếp với khách hàng và nhà cung cấp một cách liên tục nhưng không làm họ cảm thấy phiền? Làm thế nào và xài kĩ thuật nào để thu gom ý kiến của người dùng về công ty đang nằm rải rác trên khắp Facebook về Twitter? Làm sao để phân tích những dữ liệu đó?

Hay như với chính mỗi chúng ta, thông tin nào nên được post lên các mạng xã hội và nó giúp ích cho bản thân như thế nào? Mỗi công ty, tổ chức và mỗi người dùng sẽ có một cách giải quyết riêng.

Mang_xa_hoi_suy_nghi.png

5. Kết


Social computing là một xu hướng rõ ràng và không thể chối cãi, nhưng việc bạn sử dụng các công cụ xã hội để phục vụ đời sống của mình ra sao, các công ty ứng dụng nó vào kinh doanh như thế nào lại là một chuyện khác. Nó sẽ khác nhau từ người này sang người khác, từ tổ chức này sang tổ chức khác, lợi ích cũng có mà thách thức cũng không ít. Trong tương lai điện toán xã hội sẽ tiếp tục phát triển theo nhiều hướng thú vị và người ta sẽ xài nó theo những cách mà có thể chưa ai từng tưởng tượng ra. Chúng ta hãy chờ xem sao.

Tham khảo: Sách "IT Strategy: Issues and Practices 2nd Edition", Microsoft (1), (2), Wikipedia, Intel (1), (2), Cogzinant, Deloitte
10 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

dunhill
ĐẠI BÀNG
9 năm
Cái này ở Việt Nam mình chắc chưa khai thác hiệu quả lắm nhỉ
Ở mình đến cả hành chính còn nhập liệu bằng tay
chưa khai thác dc mấy cái này
Bylekzra
ĐẠI BÀNG
9 năm
😁 chỉ sướng những đứa sinh sau đẻ muộn
vietnamtea
TÍCH CỰC
9 năm
cảm ơn vì có youtube, google, facebook, microsoft... --> cảm ơn máy tính 😁 :D
@vietnamtea Không có điện thì máy tính chạy bằng...à bạn =>cám ơn điện:D:p:D
@badaodiv2 Cảm ơn nhà máy phát điện :D
@sskkb Cám ơn anh làm việc nhà máy điện 😁
@Đại Nghĩa FTU Cảm ơn bố mẹ của anh làm việc nhà máy phát điện:D
Mình nghĩ nói đơn giản dễ hiểu hơn là công cụ hỗ trợ hoạt động hàng ngày. Giao tiếp ngày xưa thì phải nói trực tiếp với nhau nay cách ngàn cây số chat online. Phải vậy ko nhỉ? 🤔
atkhus
TÍCH CỰC
7 năm
Mod @Duy Luân đọc được thì cho em thông tin liên hệ được hơm. em đang tìm hiểu về cái này mà gửi mess face k thấy Mod rep
cảm ơn Mod

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019