Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Nhập Môn Linux - Những điều cơ bản bạn nên biết!

Pokabu
25/4/2015 10:15Phản hồi: 8
Xin chào các bạn!

Đây là bài viết đầu tiên của mình trên diễn đàn Tinhte.vn 😃
Rất mong sự ủng hộ từ các bạn.
Nếu bài viết có thiếu sót thì mong nhận được góp ý của các bạn để mình hoàn thiện.
Cảm ơn các bạn đã đọc!


1. Có nên chuyển từ Windows sang Linux?

Nếu bạn là một người sử dụng Windows và đang xem xét chuyện chuyển sang sử dụng Linux, bạn nên xem xét những điều sau:

- Đối với nhu cầu chỉnh sửa ảnh và biên tập Video, Windows có nhiều công cụ hỗ trợ tốt hơn.
- Đối với nhu cầu văn phòng, Windows hỗ trợ tốt hơn. Mặc dù Linux có Libre Office rất tuyệt nhưng nhược điểm của nó là chưa mở tốt các file docx, pptx được tạo bởi Microsoft Office, vỗn dĩ vẫn là định dạng phổ biến hơn cả.
- Đối với hỗ trợ phần cứng, Windows cũng làm tốt hơn. Các driver trên Linux hầu hết là hàng generic nên mấy tính năng nâng cao cho thiết bị của bạn như tăng tốc phần cứng,... hầu như không có.

Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng Linux, bạn sẽ có được cái lợi sau:

- Được phép can thiệp, tùy chỉnh bất cứ thành phần nào trong hệ thống (Linux là hệ thống mã nguồn mở), việc tùy chỉnh không bị bó gọn.
- Nếu máy bạn quá yếu (không chạy được Windows 7 trở lên) thì một Distro nhẹ như Lubuntu sẽ là lựa chọn hợp lí cho bạn
- Do mở mã nguồn nên việc nhận biết lỗi, xử lí lỗi dễ dàng hơn.
- Cài đặt, nâng cấp phần mềm, hệ thống nhanh chóng, thuận tiện do hệ thống và phần mềm của bạn được quản lí qua một Package Manager, hoạt động giống như một AppStore vậy.
- Do Linux có rất nhiều Distro nên bạn có nhiều sự lựa chọn cho mình hơn.
- Nhẹ, mượt, miễn phí, hầu như không có virus.
- Làm chủ hệ thống của bạn tốt hơn, thu thập được thêm nhiều kiến thức về máy tính hơn.

Đây là những điều mà bạn nên cân nhắc trước khi chuyển sang sử dụng Linux. Nếu bạn muốn sử dụng Linux nhưng lại băn khoăn về những điều mà nó thiếu so với Windows thì có thể xem xét cài song song Windows và Linux hoặc cài Windows vào máy ảo để vẫn tận dụng được các ứng dụng Windows mà vừa được trải nghiệm Linux.

2. Distro là gì?

Khi làm quen với Linux, chúng ta hay nói tới khái niệm Distro. Từ này trong tiếng Việt có nghĩa là bản phân phối. Cụ thể:

Các nhóm phát triển nổi tiếng thường sử dụng mã nguồn Linux để xây dựng một hệ điều hành có phong cách của riêng mình. Hệ điều hành này được gọi là bản phân phối của Linux.

Các bản phân phối Linux nổi tiếng phải nhắc đến là: Ubuntu, Fedora, openSUSE, Arch, Mageia,...

Các bản phân phối này được chia làm hai loại:
- Bản phân phối độc lập: Được xây dựng trực tiếp trên nhân Linux. Đó là Fedora, Debian, Arch, openSUSE,...
- Bản phân phối được xây dựng dựa trên một bản phân phối khác: Linux Mint được dựa trên Ubuntu, Ubuntu lại được dựa trên Debian, Manjaro được dựa trên Arch. Thường thì các bản phân phối được dựa trên nhau có khá nhiều điểm tương đồng.

Mỗi bản phân phối có một phong cách, hương vị riêng, tạo nên ưu điểm của Linux: đem lại trải nghiệm phong phú cho người sử dụng.

Thường thì:
- Các distro độc lập đơn giản hơn, ổn định hơn, gần với Linux nguyên bản hơn, cho người dùng nhiều không gian trống để xây dựng hệ thống theo ý muốn, nhưng hơi khó làm quen, vì có nhiều thứ ko được config sẵn, để cho người dùng tự config, nên phải chỉnh tay khá nhiều thứ.
- Các distro được dựa trên distro khác thì thường hoàn thiện hơn, do đã qua tay nhiều nhóm phát triển, gần gũi với người dùng hơn, dễ sử dụng hơn, do đã được cài đặt sẵn nhiều phần mềm thông dụng, thiết lập sẵn nhiều tùy chỉnh cơ bản để giúp người dùng không gặp khó khăn (mỗi nhóm phát triển đều cố gắng làm cho nó gần gũi với người dùng cuối hơn một chút). Tuy nhiên lại có nhược điểm là không ổn định bằng các distro độc lập, khi update hoặc cài thêm phần mềm thì có thể bị xung đột với các gói có sẵn (tuy nhiên điều này là rất hiếm)

3. Nên dùng Distro nào:

- Ubuntu, Manjaro, Fedora, openSUSE là những distro đẹp, thân thiện và dễ sử dụng, các bạn mới sử dụng Linux hoặc sử dụng Linux với nhu cầu cơ bản thì nên dùng những distro này.
- Arch, Slackware, Gentoo là những distro khó sử dụng hơn, phải config bằng tay khá nhiều, gần như là Linux from scratch, dành cho những bạn muốn tìm hiểu sâu về hệ thống Linux.
- Nói chung là mỗi distro sẽ đem lại cho bạn một trải nghiệm rất riêng biệt, không distro nào giống distro nào, có cái được, có cái mất. Tùy vào cách sử dụng của bạn mà có distro phù hợp với bạn, có distro không. Nói chung việc tìm tòi khám phá các distro trong Linux là một trải nghiệm rất thú vị mà ai cũng nhớ.

4. Cài đặt Linux như thế nào?

Cài đặt Linux không quá khó, miễn là bạn chịu khó đọc kĩ các tài liệu và làm cẩn thận.
Nhất là từ khi hầu hết các distro thông dụng đã tích hợp một trình cài đặt có giao diện đồ họa thì việc cài đặt lại càng trở nên đơn giản hơn. Giờ thì cài đặt Linux cũng không khác cài Win là bao.

Lưu ý rằng, nếu bạn cài Arch, Slackware, Gentoo thì bạn vẫn phải cài bằng dòng lệnh từ A đến Z nên sẽ khá nhọc cho các bạn mới dùng Linux. Nếu mới làm quen thì bạn nên thử sử cài các Distro đã tích hợp sẵn trình cài đặt có GUI trước.

Nếu bạn mới cài Linux lần đầu thì nên tập cài vào máy ảo trước cho quen, khi cài vào máy thật nhớ sao lưu dữ liệu kẻo nhỡ mắc sai lầm thì ko bị mất oan.

Nói chung trong các bước cài đặt Linux thì bước phân vùng là đáng chú ý nhất.
Để cài Linux thì bạn cần tạo một phân vùng gọi là "/" (Root) để lưu trữ toàn bộ hệ thống Linux. Phân vùng này nên có ít nhất 60 GB để đủ dùng các nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, chúng ta thường tạo thêm một phân vùng /home để lưu trữ thiết lập và dữ liệu cá nhân, hạn chế mất dữ liệu. Nếu tạo riêng phân vùng /home thì Root chỉ cần tối đa 20 GB là đủ, còn /home thì để càng nhiều càng tốt (ít nhất 40 GB), do phần lớn dữ liệu của chúng ta sẽ nằm ở trong này.
Định dạng của các phân vùng cài đặt Linux là Ext4 (phổ biến nhất hiện nay). Các phân vùng NTFS, FAT32 Linux vẫn hỗ trợ đọc ghi bình thường, nhưng không cài được lên thôi. Lưu ý rằng Windows không đọc được phân vùng Ext4.

Ngoài ra, bạn cần tạo thêm một phân vùng, gọi là Swap Area. Nói một cách đơn giản thì đây chính là phần RAM ảo cho máy tính của bạn. Nếu máy bạn có trên 4 GB RAM thì khỏi cần phân vùng này.

Việc cài đặt Linux sẽ được mình nói chi tiết hơn sau.

5. Cài đặt, cập nhật phần mềm trong Linux như thế nào?

Hầu hết các Distro đều tích hợp một hệ thống Package Manager giúp việc cài đặt và cập nhật phần mềm trên Linux trở nên đơn giản hơn.

Các Package Manager thông dụng cho các Distro:
- Debian: apt-get, aptitude (command line), synaptic (GUI)
- Arch: pacman, yaourt (command line), octopi (GUI)
- openSUSE: zypper (command line)
vân vân...

Để cài đặt phần mềm trên Linux thì bạn cần Add Source (trên Linux ta thường gọi là Repository) có cung cấp phần mềm đó vào trong Package Manager, rồi cài đặt qua Package Manager. Nếu các bạn đã từng cài Tweak cho iOS trên Cydia thì chắc hẳn đã quen với công đoạn này. Trên các Distro thường tích hợp sẵn Repository của nhóm phát triển để cung cấp các phần mềm thông dụng cho người dùng.

Việc cập nhật phần mềm cũng được thực hiện qua Package Manager. Package Manager sẽ tiến hành tìm bản mới cho các phần mềm trên máy của bạn qua Repository bạn đã Add để cập nhật.

Có một số phần mềm không cung cấp repository để bạn cài đặt qua Package Manager, khi đó bạn phải download trên mạng và cài đặt thủ công. Tuy nhiên, số lượng các phần mềm này rất hiếm, thường là các phần mềm thương mại.

Phần mềm cho Linux nếu download trên mạng thường được chia làm ba loại chính:
1. Package hoặc Script cài đặt hoặc file Setup giống như Windows: Đơn giản, chạy lên là cài.
2. File nén phần mềm: Giải nén là chạy, không cần cài đặt.
3. File mã nguồn: Phải dịch mã nguồn khá phức tạp. Nhưng thường thì cách cài này chỉ dành cho dân IT muốn vọc vạch mã nguồn, còn hầu hết các phần mềm đều đã được đóng thành Package hoặc cung cấp Repository để tiện cho việc cài đặt.

Tạm thời như vậy đã, nếu ai có nhu cầu hướng dẫn thêm gì thì cứ comment nhé, mình sẽ giúp đỡ trong khả năng.



8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Giữ chỗ để cập nhật thêm thông tin nếu cần 😃
bitmut
ĐẠI BÀNG
9 năm
bạn làm đúng với tinh thần của cộng đồng mã nguồn mở là chia sẻ & cùng nhau hoàn thiện.
dù mã nguồn mở phi lợi nhuận nhưng cũng cần có nơi làm dịch vụ để người dùng cần tìm đến khi gặp rắc rối. nhiều khi nhờ trợ giúp online không giải quyết ngay đc.
Rất hay, mình rất thích đang tìm hiểu để chuyển qua linux
Bài viết có thêm link tải nữa thì tuyệt.
@misumi710 Bạn có thể lên trang http://distrowatch.com để cập nhật thông tin cũng như download các distro linux mới nhất.
Mimian
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nếu máy mình chỉ có 4GB Ram thì có cần tạo swap Area không bạn.

Mình muốn viết TUT huống dẫn phần mềm trên Ubuntu mà không thấy có diễn đàn nào. Bạn có thể cho mình một vài diễn đàn được không ?
@Mimian bạn cứ tạo swap đi đề phòng máy thiếu RAM. Thấy swap của linux mượt hơn pagfile của windows nhiều.
esata
CAO CẤP
8 năm
@Mimian Nếu dùng máy ảo thì phài dùng SWAP, máy tôi có 6GB RAM, dùng SWAP khoảng 1.2 GB theo yêu cầu tối thiểu để chạy máy ảo WINDOWS 10.

Ổ SWAP để to quá làm gì cho phí phạm vô ích, nếu không chạy máy ảo mà RAM nhiều thì SWAP bằng zero vẫn chạy ngon lành.

Không có SWAP thì máy không chay Hibernate đuoc, nhưng Ubuntu khởi động rất nhanh nên chả cần Hibernate làm gì.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019