[Nhiếp ảnh CB] Tìm hiểu máy ảnh: khung ngắm kiểu phản quang (SLR) & khung ngắm kiểu trắc viễn (RF)

tuanlionsg
27/3/2015 9:43Phản hồi: 45
[Nhiếp ảnh CB] Tìm hiểu máy ảnh: khung ngắm kiểu phản quang (SLR) & khung ngắm kiểu trắc viễn (RF)
Máy ảnh có nhiều nguyên lý kỹ thuật khác nhau và bài này dành riêng cho những ai mới bắt đầu sử dụng, như một phần nhập môn tìm hiểu máy ảnh. Theo năm tháng, máy ảnh 35mm đã được dần cải biến thành một thiết bị quang-điện tử phức hợp. Hầu như hiện nay tất cả những loại máy ảnh số, thậm chí những máy ảnh số giá rẻ đều có cơ chế vận hành và cả chức năng lấy nét tự động được điều khiển bởi những bộ xử lý tốc độ rất cao. Chúng có rất nhiều cải tiến và khác nhau về mặt công nghệ, nhưng cơ bản nguyên lý hoạt động của chúng không có thay đổi về mặt cơ bản. Tìm hiểu để biết rõ khi chọn mua hoặc làm chủ cái máy đang sở hữu cũng là điều cần.

Về cơ bản có hai loại máy ảnh khác nhau trên thị trường :
  1. Máy ảnh khung ngắm kiểu phản quang- SLR. Loại này đang thống lĩnh thị trường máy ảnh chuyên nghiệp.
  2. Máy ảnh khung ngắm kiểu trắc viễn- Rangefinder (viết tắt RF). Loại này còn được phân thành các loại như sau:
  • Loại “kinh điển” với khung ngắm kiểu trắc viễn, lấy nét với cơ chế hai hình ảnh trùng làm một (coincident) (Konica RF, Leica, Bessa R và nhiều loại máy ảnh RF khác của Canon, Contax, Leica, Nikon, Voigtlander rất lâu đời trước đây)
  • Loại với kính ngắm kiểu điện tử.
  • Loại máy ảnh ngắm và chụp (PnS).
Điểm khác biệt chủ yếu giữa các loại máy ảnh chính là: Cơ chế hiển thị qua khung ngắm và khác biệt về cơ cấu lấy nét.

1. MÁY ẢNH KHUNG NGẮM KIỂU PHẢN QUANG SLR
Quy tắc cơ bản của máy ảnh SLR chính là việc ngắm, lấy nét và đo sáng trực tiếp xuyên qua ống kính như ở hình dưới đây. Hình ảnh đi vào được một gương “phản chiếu” lên lăng kính 5 mặt (bằng khối thuỷ tinh hoàn toàn, hoặc một kiểu gương vòm để tiết kiệm không gian bên trong máy và giá thành). Khối lăng kính có nhiệm vụ đảo hình lại và đưa trở ra ống ngắm. Lượng ánh sáng được truyền đi hoàn toàn tuỳ thuộc vào độ mở tối đa của ống kính, do đó với những ống kính có khẩu độ mở tối đa càng lớn thì khung ngắm sẽ càng sáng rõ. Chất lượng ống kính cũng hết sức quan trọng và loại ống kính hoàn toàn bằng thuỷ tinh thường mang lại những hình ảnh sắc nét hơn.

camera.tinhte.9.jpg


Cảm biến đo sáng được đặt ở đâu?
Những cảm biến đo sáng có thể được đặt ở nhiều vị trí khác nhau:
  1. Phía sau gương phản xạ bán phần. (mirror semi-transparent)
  2. Liền kề với lăng kính 5 mặt
  3. Sát dưới mép thấu kính
  4. Và nhiều vị trí khác, tuỳ theo thiết kế.
Thông thường, có ít nhất là một đi-ốt (diode) quang để dò sáng. Trong các máy ảnh hiện đại, dữ liệu “analog” được xử lý bởi một CPU có chức năng tính toán tổng hợp tốc độ vận hành của màn trập/khẩu độ phù hợp để người sử dụng có thể điều chỉnh, hoặc chỉ cảnh báo cho thấy bị thiếu sáng hoặc quá sáng khi máy ở chế độ điều chỉnh bằng tay. Sau khi nút bấm chụp được nhấn và thả, thì chu kỳ hoạt động như dưới đây sẽ bắt đầu :
  1. Gương phản chiếu lật lên (kèm theo việc khung ngắm tạm thời bị che tối)
  2. Khẩu độ ống kính sẽ khép lại đúng theo giá trị đã chọn.
  3. Màn trập giử nhiệm vụ đóng mở và phim sẽ được lộ sáng bởi ánh sáng đi xuyên qua ống kính. Đa số các máy ảnh SLR hiện đại đều gồm có hai màn trập, màn trập gồm có nhiều lá xếp lại, vận hành di chuyển theo chiều dọc.
  4. Màn trập thứ nhất có nhiệm vụ che kín toàn bộ khung hình. Sau khi nút chụp được bấm xuống (và sẽ gương lật lên), màn trập thứ nhất di chuyển lên phía trên để phim được lộ sáng bởi ánh sáng đi vào. Màn trập thứ hai di chuyển tiếp ngay theo sau màn trập thứ nhất với một lượng thời gian nhất định tuỳ tốc độ chụp đã được chọn. Sự di chuyển của màn trập thứ hai có nhiệm vụ ngăn ánh sáng lại (xem hình trên) và kết thúc quá trình lộ sáng của phim để tạo nên khung hình.
  5. Gương hạ xuống, trở về vị trí dành cho ngắm bình thường
  6. Khẩu độ của ống kính được tái lập về giá trị mở tối đa (vd: f/2.8 với ống kính 60mm/2.8)
  7. Phim trong máy sẽ chuyển đến khung kế tiếp, bằng tay hoặc tự động.
Ở trên là khái quát về quá trình chụp ảnh đối với tất cả các loại máy ảnh SLR 35mm hiện đại. Các máy ảnh SLR trước đây không được trang bị loại gương lật với cơ chế hoàn vị nhanh “instant-return” giống như loại ngày nay đang được sử dụng rộng rãi. Thay vào đó, trước và sau mỗi lần chụp, người cầm máy phải di chuyển gương lật bằng tay bởi một cần gạt được thiết kế ở bên ngoài thân máy. Thật là thú vị và rất hợp lý khi các máy ảnh SLR hiện đại dạng trung bình đều có kèm chức năng này. Gương phản chiếu khá lớn và nặng cùng với cơ chế hoàn vị nhanh sẽ gây ra vô số những rung lắc tác động đến phim chụp, dẫn đến nảy sinh một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý.

Khoá gương (MLU)/ ở giai đoạn tiền vận hành pre-fire
Những lợi thế của một gương máy ảnh SLR, chẳng may lại tuỳ thuộc vào giá cả.
  1. Khoảng cách giữa thấu kính và phim bị tăng lên do khoảng trống dành cho gương. Vì thế, cần phải có một thiết kế nhằm đưa thấu kính lại gần sát hơn, được gọi là retrofocus (kéo dài khoảng cách hội tụ). Thiết kế này hoạt động tốt đối với các ống kính dài, nhưng lại hết sức bất tiện đối với các ống kính ngắn.
  2. Gương gây ra những rung lắc do quá trình di chuyển bật lên của nó, hay nói chính xác hơn: các rung lắc phát sinh từ xung lực khi gương khởi xuất phát và khi dừng gương lại. Xung lực này mạnh, yếu tùy theo kiểu máy.
Một ít có thể do (A), trong khi những tác động của (B), cơ bản có thể giảm thiểu được. Biểu đồ dưới đây minh hoạ vấn đề về rung lắc do gương gây ra.

camera.tinhte.8.jpg

Các sự rung lắc này đều cần phải được cải thiện, có nghĩa là cuối cùng không còn gì ngoài chuyển động tuần hoàn lên xuống của đóng mở màn trập. Chuyển động này có thể tạo ra hiệu ứng gây mờ nhòe nhất định, dẫn đến làm giảm chất lượng hình ảnh (xem hình bên dưới). Vấn đề rung lắc nội bộ này là độc lập, nó hoàn toàn không dính dự gì đến mối tương quan tốc độ vận hành của màn trập cùng với tiêu cự của ống kính (chẳng hạn 1/200s đối với ống kính 200mm) nhưng nó có thể làm giảm chất lượng hình ảnh, ví dụ, khi ta chụp ở các tốc độ chậm trong quãng từ1/4s đến 1/60s.

Để giải quyết hiện tượng này, các nhà sản xuất đã đưa ra các giải pháp:
  1. Các máy ảnh SLR hiện đại đã cải tiến kỹ thuật giảm chấn giúp lật gương êm hơn (mirror-dumping).
  2. Nhiều loại máy ảnh tầm trung và cao cấp có thêm một chức năng gọi là “khoá gương” (MLU). Ý tưởng MLU là làm cho gương hoạt động lật trước khi màn trập mở ra. Nhờ đó, các rung lắc của gương được loại bỏ kịp thời hoặc chí ít cũng sẽ được hạn chế đến mức tối đa. Có hai loại MLU :
  • Lật gương trước khi chụp “mirror pre-fire” – đây là một kiểu tự động được kết hợp với bộ đếm giờ của máy ảnh. Máy ảnh kích hoạt lật gương và chờ vài giây rồi mới mở màn trập.
  • “mirror lock-up” – người sử dụng có thể điều khiển bằng tay để cho gương lật lên trước rồi mới nhấn nút chụp. Thường thì MLU chỉ được dùng với một máy ảnh đã được gắn giá ba chân. Trong trường hợp này, việc bấm máy theo kiểu cầm tay thông thường sẽ trở thành vô nghĩa, bởi vì thao tác cầm tay như thế sẽ dẫn đến nhiều rung lắc mạnh hơn bất cứ gương lật nào có thể gây ra ! Như vậy, với MLU nếu ta kết hợp dùng với một thiết bị điều khiển từ xa hoặc dây bấm mềm sẽ là rất cần thiết !
Sử dụng MLU trong khi chụp hình bằng cách cầm máy ảnh trên tay thì có thể bố cục của hình ảnh sẽ không đạt chuẩn như cách dùng ngắm qua khung ngắm – do đó sẽ không thể tránh khỏi sai sót trong việc bố cục khung ảnh.

Quảng cáo



Tóm lại, có một số lợi ích trong thiết kế của dòng máy SLR :
  • Dễ bố cục chính xác khung ảnh.
  • Có thể kiểm soát độ chính xác của việc lấy nét (lấy nét tay hoặc thông qua hệ thống (AF) lấy nét tự động).
  • Có thể sử dụng ống kính không giới hạn phạm vi tiêu cự theo lý thuyết.
  • Có thể sử dụng nhiều loại kính lọc khác nhau và dễ dàng kiểm soát hiệu ứng của chúng.

2. MÁY ẢNH KHUNG NGẮM KIỂU TRẮC VIỄN RF (Rangerfinder)


Lịch sử máy ảnh RF khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, lúc Oscar Barnack cho ra mắt mẫu máy Leica A, loại máy ảnh khởi đầu cho thời kỳ chụp ảnh bằng phim 35mm. Nhiều chi tiết máy vẫn còn phổ biến với chúng ta đến tận ngày nay, như màn trập chắn sáng, cần gạt lên phim, lần đầu tiên xuất hiện trên máy Leica. Ngay cả hôm nay cũng vậy, ngót 75 năm sau, máy ảnh RF vẫn có mặt trong túi xách của nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc tài tử vì những lý do chúng ta sẽ thảo luận thêm sau trong bài viết này.

Gương lật nằm ở đâu ?
Điểm khác biệt đáng chú ý giữa dòng máy ảnh RF và SLR chính là không dùng chức năng TTL (ngắm và lấy nét qua ống kính), song đa phần máy ảnh RF đều có chức năng đo sáng qua ống kính. Thay vào đó, việc lấy nét của máy ảnh RF được thực hiện thông qua một cơ chế kính ngắm trắc viễn có thể cho hình ảnh trùng nét (loại RF “kinh điển”) hoặc hiển thị bằng điện tử. Kính ngắm trắc viễn là một thiết bị xác định khoảng cách đến đối tượng được chụp bằng cách sử dụng nguyên lý phép đo tam giác, kiểu kỹ thuật hình học người ta đã biết đến từ hàng trăm năm nay.

Bất luận thực chất loại tín hiệu cần đo là gì (quang học hoặc sóng vô tuyến), độ chính xác của thiết bị này tuỳ thuộc vào chiều dài cơ sở hữu dụng, ở trường hợp máy ảnh RF dựa vào khoảng cách vật lý giữa thiết bị tạo ảnh ba chiều và gương trắc viễn/lăng kính 5 mặt (xem biểu đồ bên dưới) hình ảnh sẽ được nhân lên do sự phóng đại của ống ngắm. Chiều dài cơ sở hữu dụng càng dài, thì độ chính xác của kính trắc viễn càng cao.

Quảng cáo


camera.tinhte.6.jpg

Biểu đồ cho thấy cơ chế quang - trắc trùng lặp được sử dụng chung cho nhiều máy ảnh RF cổ điển xưa nay.

Hoạt động như thế nào ?


Gương phản chiếu bán phần (A) và lăng kính 5 mặt (E) tạo nên hai hình ảnh trong ống ngắm - ảnh tĩnh (H) (qua gương phản chiếu bán phần) và ảnh phụ (I) (qua lăng kính 5 mặt). Ống kính được kết hợp với (E) bằng cách quay chỉnh, do đó, trong lúc ống kính được quay để lấy nét, người ta thấy ảnh phụ di chuyển ngang qua ống ngắm. Khi ảnh tĩnh và ảnh phụ trùng khít lên nhau, việc lấy nét hoàn tất. Một số máy ảnh RF (vd : Leica M6, Konica Hexar RF và Bessa R) còn cho phép lấy nét bằng cách tách các mép riêng biệt của ảnh tĩnh và ảnh phụ, giúp cho việc lấy nét được chính xác hơn rất nhiều. Phương thức này chính xác như thế nào ? Rõ ràng là rất chính xác khi hoạt động trong một phạm vi tiêu cự nhất định. Ví dụ, Leica M6 với chiều dài cơ sở hữu dụng 40.16 – 58.86 (tuỳ loại máy) được thiết kế để hoạt động với các ống kính tiêu cự không dài quá 135mm. Ống kính càng dài, việc lấy nét càng ít chính xác. Trái lại, với những ống kính tiêu cự trung bình và rộng, máy ảnh RF lấy nét với một độ chính xác đến kinh ngạc.
camera.tinhte.5.jpg
Ống ngắm trắc viễn điện tử sử dụng nguyên lý khác nhau không đáng kể. Thay vì có các hình ảnh trùng nhau qua ống ngắm, máy ảnh chiếu chùm sáng (hoặc là hồng ngoại hoặc là trong bước sóng mắt người có thể nhìn thấy được) về phía chủ đề, nhờ ánh sáng phản chiếu trở lại sau đó xác định khoảng cách từ chủ đề đến máy. Như vậy, ống kính lấy nét dựa trên khoảng cách do máy ảnh cung cấp. Ống ngắm trắc viễn điện tử được sử dụng rộng rãi cho các máy chụp ảnh tự động (PnS) và một số máy RF hiện đại.

Việc ngắm và bố cục khung ảnh ở máy ảnh RF được thực hiện qua ống ngắm kết hợp với phần trắc viễn. Bên cạnh việc lấy nét, ống ngắm của máy ảnh RF còn thể hiện cho thấy các khung ngắm phác hoạ phạm vi tương ứng với vùng được ống kính bao quát. Vùng ngắm được tạo ra bằng quang học (xem hình CD ở trên) hoặc bằng điện tử, hiển thị bởi một màn hình LCD nhỏ. Máy ảnh RF với các ống kính thay đổi được có cài đặt sẵn một số hiển thị gióng khung, chúng có thể sẽ hiển thị hoặc tự động (với loại máy ảnh có gắn ngàm), hoặc cố định (với loại vặn răng). Một số máy ảnh RF, như Contax G1/G2 vượt trội hơn bằng loại ống ngắm tự động hiển thị gióng khung (zoom) khi bạn thay các ống kính.

camera.tinhte.4.jpg

Cách ngắm không theo phương thức xuyên qua ống kính - TTL rõ ràng là sẽ gặp vấn đề với việc chụp cận cảnh. Khi máy ảnh RF lấy nét vào đối tượng chụp cách xa khoảng cách dưới 2m, thì thị sai giữa trục quang học của ống kính chụp và ống ngắm sẽ gia tăng, có thể dẫn đến những sai sót trầm trọng về bố cục mà người chụp không thể nhìn thấy. Bạn chỉ có thể thấy thị sai về trục quang học này thể hiện rõ ở trên tấm ảnh.

camera.tinhte.3.jpg

Vì thế, trên thực tế, bất cứ máy ảnh RF hiện đại nào cũng đều có ống quang trắc viễn gọi là thiết bị “tự động điều chỉnh thị sai” để hắt những khung hình được lấy nét lên ống kính – nhằm hoá giải những sai sót khi lấy nét cận cảnh.

camera.tinhte.2.jpg

Máy ảnh RF đôi khi phải sử dụng ống ngắm rời. Ống ngắm không theo quy cách TTL thì không thể hiển thị được 100% tầm nhìn đối với các ống kính rộng và siêu rộng (<28mm). Bởi vì loại ống kính dành cho RF với góc thu ảnh siêu rộng này được thiết kế để hoạt động với các ống ngắm phụ gắn vào đế gài - Hotshoe phía trên máy. Người sử dụng bố cục ảnh bằng cách sử dụng ống ngắm gắn ngoài và lấy nét bằng cách sử dụng ống ngắm tích hợp sẵn. Một số máy ảnh RF (vd: Bessa-T) phải luôn sử dụng ống ngắm gắn ngoài. Cũng là một sự bất tiện.

Vậy…sao lại phải dùng máy ảnh RF ?


Câu trả lời thật đơn giản – do không có chuyển động của gương lật, nên máy RF có nhiều lợi thế hơn so với loại máy khung ngắm kiểu phản quang (SLR). Hãy nhìn xem chuỗi hoạt động bên trong máy RF sau khi phím chụp được thả ra :
  1. Khi nút chụp được bấm và thả ra, lúc ấy khung phim hoặc cảm quang được phơi sáng bởi ánh sáng đi qua ống kính.r
  2. Và…Tất cả chỉ có thế.
Ngoài ra còn có các hoạt đông khác như ống kính tự động mở và phim được đẩy tiếp lên. So với chuỗi hoạt động tương tự với loại máy ảnh SLR, người ta có thể hình dung ra được tại sao máy RF và SLR lại hoàn toàn khác nhau. Nói chung, máy ảnh RF ít gây ra những rung lắc hơn loại máy ảnh SLR, vì không có những chuyển động liên quan đến gương lật. Trên thực tế, nó lại có khả năng đặc biệt chụp ở tốc độ chậm hơn từ 2-3 nấc dưới tốc độ chụp an toàn tối thiểu theo cách cầm tay được thiết lập bởi quy tắc quy đổi với tiêu cự của ống kính, vốn thường được sử dụng nơi máy ảnh SLR, mà không lo hình chụp bị mờ. Ví dụ, các tốc độ chụp dao động trong khoảng 1/8s đến 1/15s đối với ống kính 50mm là chuyện bình thường. Một điểm khác biệt nữa của dòng máy RF, đó chính là hiệu năng quang học của nó. Do không cần phải có khoảng cách tối thiểu giữa ống kính và màn trập, nên ống kính của máy RF không có thiết kế “kéo dài khoảng cách hội tụ” (retrofocus), từ đó có được những lợi thế đáng kể về chất lượng quang học đối với các ống kính tiêu cự trung bình và các ống kính góc rộng, với khẩu độ trung bình. Nghĩa là sao ? Nghĩa là có thể chụp với khẩu độ f/2.0 mà kết quả chất lượng quang học thu được gần tương tự như chụp ở f/5.6 – quả là như mơ đối với những người chụp ảnh đường phố. Ngược lại, hầu như bất kỳ ống kính nào của máy ảnh SLR trong quãng tiêu cự 28-80mm cũng đều phải được dùng ở mức khẩu độ f/8-11 để có được chất lượng quang học tối đa.

Tóm lại, máy ảnh RF mang lại một số lợi thế như sau :
  1. Gọn, có thể bỏ vừa một chiếc túi nhỏ.
  2. Không gây ồn khi bấm máy.
  3. Tuyệt vời khi chụp dưới ánh sáng sẵn có
  4. Khả năng quang học xuất sắc.
Thật không may, máy ảnh RF cũng có những bất tiện của nó.

SLR so với RF
camera.tinhte.1.jpg

KẾT LUẬN :
Nhìn vào bảng so chiếu trên đây có thể thấy hai loại máy không đối nghịch nhau, nhưng đúng hơn là có thể bổ sung cho nhau. Máy SRL hoạt động tốt nhất với các ống kính viễn – cận, rất lý tưởng để chụp ảnh thể thao, các hoạt động, ảnh chân dung, cuộc sống hoang dã và ảnh cận cảnh. Khả năng kiểm soát độ sâu vùng ảnh rõ, còn chứng minh rõ ràng là máy ảnh SRL rất xuất sắc trong việc chụp chân dung. Máy ảnh RF có sự sắc bén riêng trên đường phố, dưới ánh sáng yếu, chụp người và tài liệu sách báo. Do có thiết kế gọn nhẹ, máy ảnh RF còn là người bạn đồng hành lý tưởng đối với những người hay đi du lịch. Vì vậy, kết luận chủ yếu sẽ là “hãy tậu lấy một chiếc máy ảnh hoạt động tốt đúng theo nhu cầu của bạn”. Còn nếu thấy rằng phải cần đến cả hai loại máy ảnh, thì tuỳ vào túi tiền của bạn.



Tham khảo, việt hoá hình ảnh: photozone, ivinginthestills
45 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

kennaly
ĐẠI BÀNG
9 năm
Hình như hình chưa được up lên, nên chưa hình dung ra được. Thanks pác.
d4r
ĐẠI BÀNG
9 năm
đánh dấu ngâm cứu sau. thanks cài viết hay
Mình chỉ ko hiểu sao khi dùng các máy DSLR khi nhìn vào kính ngắm. Rõ ràng trắng sáng .. bụp cái .... đen xì. Lại phải chỉnh linh tinh mới đúng với cái mà ta nhìn qua kính ngắm. Tức nhiên là chỉnh đc như vậy tốn mất ít nhất 5 shot.
@Canon100is Khung ngắm quang học của các may SLR thể hiện góc nhìn xuyên qua thị kính (TTL - Through the lens) thực tế, tương ứng với điều kiện ánh sáng trong môi trường chụp. Cái bạn nhìn qua khung ngắm sáng đẹp không tương ứng với cái film/cảm biến của máy sẽ ghi nhận do còn tùy thuộc vào thông số chụp (ISO-Tốc độ-khẩu độ-Cân bằng trắng- và nguồn sáng flash nếu có). Do vậy nhà sản xuất đã tích hợp thêm màn hình LCD để thể hiện các thông số này để người chụp kiểm soát tình huống chụp của mình.

Bạn vui lòng xem và tự chịu trách nhiệm với quyết định bấm máy của mình, nếu để thông số chụp sai thì ráng chịu nhé. Đừng trách máy; máy chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình.
@binhpt Mình dùng A72 của Sony lên nhìn sang view của máy DSLR thấy nó lạ vậy thôi. Chắc là ko quen dùng hàng Pro ^^
thanhvng
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Canon100is Cho mình hỏi lại, bạn dùng máy DSLR đi mượn hay là máy của bạn.
Nếu máy của bạn thì bạn mua để làm gì?
Câu hỏi của bạn giống như là câu hỏi tôi đánh một bản Word sau đó tắt ko save xong đó biến mất toàn bộ ý!
@thanhvng Đi mượn bạn ạ 😔 Mình dùng Sony A7. Hôm nay tò mò lấy thêm con 6D của Canon để xem kính ngắm thường nó thế nào. Có hơn kính điện tử ko 😃
Hoang-kuro
TÍCH CỰC
9 năm
quá chừng chi tiết, cảm ơn thầy tuan_lionsg. bây giờ em mới biết rangefinder nghĩa là gì :p.
dùng loại có kính ngắm điện tử hoặc ngắm qua màn hình LCD (bấm nút preview gì ayass) là hết liềnah
Thớt ơi up lại hình cho dễ hiểu đi​
@Hồ Trung Nhân Đã sửa lại link. Cảm ơn bạn.
Hehe . Đọc cái này đã gà càng thấy gà thêm rồi anh ơi !
Mua máy màn hình lớn (thấy sao là vậy) bấm là chụp cho nhanh thôi !
@Nokfev Bác y chang như mình mới tập tành dslr nên chả hiểu đc bao nhiêu
@duythuong1983 Cóc cần hiểu bác ạ !
Biết mấy cái này cho thêm nặng đầu ra . Bác cứ mua DSLR nào mà bác thích rồi chụp vài trăm ảnh mỗi ngày chỉ 3 tháng là sẽ quen và đã quen rồi thì bác cứ giơ máy lên là bấm được ngay thôi !😃
@Nokfev Máy mình mới mua mấy ngày mà chụp gần 1k5 trước lạ sao cũng quen tay nhưng chưa quen thông số
@duythuong1983 Có 3 cái để chỉnh thôi mà bác
nói chung là rất cơ bản ợ
kuluoj
TÍCH CỰC
9 năm
RF digital hình như giờ chỉ còn Leica, sao hốt nổi!
newbienoob1
ĐẠI BÀNG
9 năm
Hay quá, oánh dấu đọc sau 😃
Vậy thì bác ne
Nếu vậy thì bác nên chụp PnS hoặc mirrorless
Sỡ dĩ trên DSLR khi bác bấm nút chụp thì sẽ có 1 khoảng thời gian ngắn ko thấy gì trong kính ngắm là do gương lật + màn trập sẽ lật lên cho cảm biến thu ánh sáng. Nếu bác thấy "đen xì" trong kính ngắm quá lâu thì do bác để Auto, P, hoặc A mà chụp chỗ ko đủ sáng thì tốc chậm thôi. Còn nếu là ảnh ra đen xì thì là do bác chụp thiếu sáng 😁
khuonguyen
TÍCH CỰC
9 năm
Lỡ rồi anh viết luôn bài guơng mờ của sony đi. Nó ko có gương lật nên tránh rung lắc nhưng giảm hình ảnh vào cảm biến.v.v...
@khuongnguyenhcm Hình như ko phải giảm hình ảnh vào cảm biến mà là phải tăng độ nhạy sáng iso thôi.
Ví dụ SLR để iso 100 thì SLT để iso 125. Cái này ko quan trọng lắm.
Vấn đề này thấy thảo luận nhiều rồi mà.
khuonguyen
TÍCH CỰC
9 năm
@vanne88 Gương mờ lấy đi 1 phần ánh sáng của cảm biến rồi bạn. Lấy mất 0,5 stop. Tại ko thấy chủ thớt viết nên nói vậy thôi. 😁
linhatm
TÍCH CỰC
9 năm
Ai có thể giải thích dùm mình câu hỏi này:
Tại sao khi chụp ở tốc cỡ 1/80s, iso chừng 200, khẩu 3.5 và có bật đèn flash cóc thì có thể bắt dính cánh quạt treo tường đang quay một cách rõ nét,

nhưng khi không bật đèn flash cóc thì dù có chụp ở tốc 1/200s cũng thua
alibooboo
ĐẠI BÀNG
9 năm
@linhatm Ánh sáng flash phát sáng trong thời gian khoảng 1/10000 giây. Chụp trong nhà với ISO 200, khẩu 3.5, tốc 1/80 thì ánh sáng thu được chủ yếu từ flash, ánh sáng môi trường không đáng kể. Với tốc độ nháy sáng của flash thì bắt dính được cánh quạt. Khi tắt flash đi, để đúng sáng bạn phải chụp tốc chậm hơn, cũng chưa đủ bắt dính cánh quạt (trừ khi dùng máy có ISO cao với ống khẩu lớn nhé, tốc cỡ 1/500).
heo_con_net
ĐẠI BÀNG
9 năm
Ca
Giả sử bạn đã nắm được vấn đề tốc độ chụp và lấy nét sao cho rõ nhé.
Bạn lấy đèn pin chiếu vào cánh quạt xem nhìn thấy rõ hơn lúc không chiếu đèn hay không. Cánh quạt có thể phản chiếu ánh sáng giúp bạn nhìn rõ hơn trong lúc nó đang chuyển động quay tròn.
Cảm biến máy ảnh cũng như mắt bạn vậy, càng nhạy thì càng phân biệt rõ các cánh quạt. Trong trường hợp này bạn để iso có 200 nên có lẽ cảm biến chưa đủ nhạy để "phân biệt".
Bạn thử tăng iso lên, mở khẩu tối đa rồi chụp lại xem.
linhatm
TÍCH CỰC
9 năm
@heo_con_net mình chụp mode M, iso để auto, có bật flash chụp xong xem thông số ảnh thì iso là 200,
còn tắt flash thì để tốc 1/200s, iso auto vẫn chưa bắt dính dc cánh quạt
Fatbird1995
ĐẠI BÀNG
9 năm
Em là gà và thực ra đọc bài này không được hiểu lắm. Em đang thắc mắc thế này: vì máy mirrorless không có gương lật nên không thể dùng OVF mà phải dùng EVF; nhưng tại sao vẫn có những chiếc compact, PnS (cũng không có gương) lại có tích hợp được OVF? Mong được ae tinhte chỉ giáo ạ
iMi Shop
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Fatbird1995 Thấy ko ai trả lời cho bác này nhỉ!

PnS rẻ tiền không tích hợp nổi EVF, nên tích hợp cái OVF cùi nhằm bố cục hình lúc chụp ngoài trời nắng hoặc để tiết kiệm pin chứ không phải để lấy nét, có cả thấu kính phóng đại để phóng lớn khi bác zoom ống kính
@Fatbird1995 Vấn đề OVF: cùng là khung ngắm quang học, nhưng thực chất có đến 3 dạng khung ngắm quang học khác nhau. Bài viết đã nhắc đến 2 kiểu: kiểu Ngắm qua thị kính (TTL - through the lens, SLR cũng là 1 dạng của dạng này) và Range finder; còn 1 dạng thứ 3 đơn giản và rẻ tiền hơn là view finder, hoặc tên đầy đủ là uncoupled view finder (nôm na là ống ngắm quang học độc lập). Cái bạn thắc mắc về các khung ngắm quang học trên các máy PnS (hoặc các ống ngắm quang học rời, ống ngắm của các máy ảnh dạng Bellows, dạng hộp) là dạng thứ 3.

Đặc trung của dạng này là nó chỉ giả lập lại góc nhìn cố định nhất định, không thể thể hiện được các thông số chụp, hoặc góc nhìn thực tế tương ứng với tiêu cự ống kính đnag gắn trên máy, cũng như điểm lấy nét, vùng ảnh nét, .... Dạng khung ngắm này có cấu tạo rất đơn giản, rẻ tiền, và hầu như không có tác dụng nhiều với người chụp. Chỉ giúp người chụp mường tượng được góc ảnh họ sẽ chụp, các thao tác còn lại người chụp phải tự xử lý độc lập, không có sự hỗ trợ của khung ngắm.

Quay lại câu hỏi: Ống ngắm quang trên các máy PnS thật sự chỉ là có cho vui, hầu như không có tác dụng. Với dòng X20, Fujifilm đã cải tiến dạng ống ngắm này bằng cách tích hợp thêm 1 màn hình LCD trong suốt để thể hiện được các thông số chụp. Và X20 gần như là chiếc máy ảnh duy nhất biến ống ngắm quang dạng nhìn thẳng thành 1 cái gì đó có ích cho người dùng.

Tại sao các máy Mirrorless không có OVF? ngoài trừ dòng X-Pro1, X100 (s/t) dùng ống ngắm quang học lai, các máy mirrorless do được định hướng loại bỏ các cơ chế ngắm quang học để giảm kích thước máy nên bắt buộc phải dùng ống ngắm điện tử để bù đắp lại. EVF có cái lợi thể ở việc thể hiện trực quang hơn (thể hiện đúng ảnh tương ứng với thông số chụp) và đặc biệt hữu ích khi ngắm ở điều kiện cực kỳ thiếu sáng nên EVF sẽ là 1 xu thế không thể từ chối trong các máy ảnh hiện tại và tương lai gần.
Fatbird1995
ĐẠI BÀNG
9 năm
@binhpt Cảm ơn anh. Anh giải thích cặn kẽ quá 😃
hvt2.0
TÍCH CỰC
9 năm
rất bổ ích, cảm ơn chủ topic. Rất cần thêm nhiều bài ntn để học hỏi 😁
Cám ơn anh Tuấn ... bài viết rất hay và bổ ích ... chờ anh trên tay con D7200 ^^
Thể dõi pm học hỏi kinh nghiệm thôi
nemesistan
TÍCH CỰC
9 năm
Chơi cả SLR lẫn RF, đường phố thì RF bá không phải nghĩ
Vì không đủ tiền chơi Leica mà phải dùng em giả cầy này
ostar
TÍCH CỰC
9 năm
Dành thời gian đọc kỹ mới ngấm được. 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019