Sony thử nghiệm ROM Android với giao diện gần với bản gốc, và các hãng khác cũng nên làm như thế

Duy Luân
1/8/2015 16:15Phản hồi: 6
Sony thử nghiệm ROM Android với giao diện gần với bản gốc, và các hãng khác cũng nên làm như thế
Samsung_Sony_giao_dien_goc_HEADER.jpg
Sony mới đây đã công bố chương trình thử nghiệm Android với trải nghiệm gần giống với hệ điều hành gốc nhất có thể. Trong chương trình này, 500 người dùng Xperia Z3 sẽ được xài một bản ROM với giao diện đơn giản, ít tùy biến nhất từ Sony, đồng thời các dịch vụ của hãng cũng đã chuyển thành dạng app chứ không tích hợp sâu vào hệ thống nữa. Kiểu triển khai phần mềm tương tự như thế này từng được Motorola áp dụng trước đây, nó đã cho thấy rằng trải nghiệm người dùng được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là trên các máy tầm thấp. Và đây là điều mà các hãng khác cũng nên làm theo Sony.

1. Vì sao lại phải tùy biến giao diện?


Nếu bạn từng xài một cái điện thoại Android cách đây 3-4 năm thì sẽ thấy rằng nhà sản xuất tùy biến rất mạnh hệ điều hành. Họ thay đổi các bộ icon, đổi luôn cả cá app cơ bản như gọi điện, nhắn tin, thậm chí còn can thiệp sâu để đổi giao diện của hệ thống khiến nó trông chẳng giống mấy với bản Android gốc xuất xưởng từ Google. Samsung thì có giao diện TouchWiz riêng, HTC thì có Sense, LG cũng có, ngay cả Sony cũng có.

Vì sao họ lại làm như thế? Đây là một nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc tạo ra điểm khác biệt cho sản phẩm của mình. Trong một thế giới mà hầu hết các điện thoại Android trong cùng tầm giá đều có cấu hình ngang nhau, thiết kế cũng gần gần giống nhau, thì phần mềm sẽ là thứ giúp phân biệt thiết bị của hãng này với hãng khác. Đó cũng là một trong những lý do giúp khách hàng dễ chọn lựa sản phẩm hơn khi cần sắm một cái điện thoại hay máy tính bảng Android mới.

So_sanh_giao_dien_cu_moi.jpg


Nhưng cũng chính việc tùy biến quá mạnh đã khiến việc cập nhật hệ điều hành diễn ra chậm chạp, đôi khi phải mất đến cả năm trời thì bản update Android mới được tung ra, lúc đó thì Google đã giới thiệu thế hệ Android kế tiếp mất rồi. Chưa kể việc tùy biến khiến hệ điều hành trở nên nặng nề hơn, từ đó làm máy chạy chậm đi, và tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trên các máy có cấu hình thấp.

Chính bản thân Android nhiều năm về trước cũng rất khác biệt so với hiện nay. Lúc đó hệ điều hành còn thiếu nhiều tính năng quan trọng, giao diện thì chưa đẹp mà thậm chí là còn có phần nhàm chán. Chính vì thế, các nhà sản xuất buộc phải làm cho thiết bị của họ trở nên đẹp hơn bằng cách tùy biến giao diện lại, đồng thời cài thêm một số app để bổ sung chức năng, có như vậy thì họ mới "dụ" được khách hàng đến với mình. Vấn đề nằm ở chỗ những tính năng này đôi khi không tỏ ra hữu ích, chúng chỉ giống như là một thủ thuật quảng cáo của hãng để bán được thiết bị mà thôi. Thế là nó trở thành một thứ chướng mắt với người dùng.

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng muốn đưa các dịch vụ của riêng mình vào thiết bị Android, từ đó tạo ra bệ phóng cho những dịch vụ đó ra khắp toàn cầu. Samsung từng có nỗ lực làm điều đó với dịch vụ nhắn tin OnChat, HTC thì tận dụng thiết bị của mình để quảng bá cho dịch vụ chia sẻ video Zoe, LG thì sử dụng các smartphone Android để phổ biến hệ thống điều khiển nhà thông minh Smart Home. Bằng việc tích hợp sẵn các app này vào Android, các công ty sẽ đảm bảo rằng ít nhất thì người dùng cũng thấy được dịch vụ của mình và từ từ tìm hiểu thêm về nó.

2. Mọi chuyện giờ đã khác

Tuy nhiên thời kỳ đó đang dần trôi qua. Ngày nay các nhà sản xuất càng lúc càng đơn giản hóa hệ điều hành Android trên các thiết bị của mình, và càng lúc họ càng tiến gần hơn về Android gốc. Giao diện được tùy biến ở mức tối giản, nhiều ứng dụng gốc được giữ lại, và một số hãng thậm chí còn cho phép gỡ bỏ luôn các app cài sẵn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này ở các máy Samsung, HTC và Sony từ năm 2014 trở lại đây. Galaxy S6 cho phép bạn gỡ bỏ hầu như mọi app tích hợp, HTC và Sony thì tiết giảm mức độ tùy biến giao diện xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Việc Google bán các máy Google Play Edition với giao diện gốc cũng cho thấy sự hứng thú của khách hàng đối với trải nghiệm Android gốc.

Sony_Xperia_Z3_Plus.jpg

Motorola có lẽ là hãng làm tốt nhất việc này. Giao diện của những chiếc Moto X, Moto G và Moto E gần như chẳng khác gì so với Android mà bạn thấy trên các máy Google Nexus. Chỉ có một vài ứng dụng như camera là được nâng cấp lên cho mạnh mẽ hơn, kèm theo một vài tiện ích thật sự hữu ích cho người dùng. Cũng chính nhờ vậy mà Motorola có thể nâng cấp thiết bị của mình trong một thời gian rất ngắn sau khi Google phát hành một bản Android mới, lý do là vì Motorola không phải dành nhiều thời gian thay đổi lại giao diện hay sửa đổi app. Ngay cả một chiếc máy tầm thấp như Moto E cũng được nâng cấp rất nhanh chóng, điều hiếm thấy ở các hãng Android còn lại.

Một trong những lý do khiến các hãng quyết định ít tùy biến hơn là do Android càng lúc càng hoàn thiện. Cứ mỗi năm trôi qua Google lại bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho hệ điều hành của mình để các nhà sản xuất không còn phải tự phát triển chúng nữa. Giao diện của Android cũng đã được đổi mới từng năm, đặc biệt là cú lột xác của Android 5.0 Lollipop với phong cách thiết kế Material Design đầy màu sắc vui vẻ chứ không còn đen xanh nhàm chán như trước.

Quảng cáo



HTC_one_M9_Sense_7.jpg

Việc giảm mức độ tùy biến cũng góp phần làm trải nghiệm người dùng trở nên đồng nhất hơn xuyên suốt hệ sinh thái Android. Nếu khách hàng chuyển từ một hãng Android này sang hãng Android khác thì họ ít bỡ ngỡ hơn, ít phải dành thời gian ra để học hỏi lại cách xài. Tương tự, nếu họ đang dùng một chiếc điện thoại Android và mua thêm smartwatch Android Wear hay sắm xe hơi Android Auto thì giao diện, cách dùng của những thiết bị này cũng tương tự như nhau. Cũng chính vì vậy mà Google không cho phép các hãng sản xuất thay đổi giao diện của Android Wear, Android Auto và cả Android TV nữa. Điều này là rất quan trọng đối với Google bởi chỉ như vậy hãng mới xây dựng được một trải nghiệm tốt cho tất cả mọi sản phẩm di động của mình.

3. Rất ủng hộ giao diện gốc


Tóm lại, việc các hãng theo đuổi hướng giao diện gốc là một điều đáng hoan nghênh, và nó sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích như sau:
  • Hệ điều hành được cập nhật nhanh chóng hơn
  • Các bản vá lỗi, vá lỗ hổng bảo mật được phát hành nhanh hơn
  • Giao diện tinh giản, nhẹ nhàng hơn
  • Sự đồng nhất xuyên suống nhiều thiết bị Android với nhau.
Động thái Sony mời thử nghiệm bản ROM với giao diện gần gốc nói trên càng cho thấy sự quyết tâm của các hãng trong việc đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Họ đã dần nhận ra rằng trải nghiệm mới là thứ quan trọng thật sự chứ không phải là những tính năng, những bộ giao diện hào nhoáng nhưng vô dụng và làm chậm mọi thứ.

Sony_giao_dien_goc.jpg
Giao diện gốc đang thử nghiệm của Sony

Quảng cáo


Nhưng song song đó, các hãng vẫn cần tìm cách mang lại những trải nghiệm độc đáo cho riêng thiết bị của mình, có như vậy thì họ mới bán được sản phẩm, và cũng có như vậy thì người dùng mới thấy rõ giá trị của đồng tiền mà họ bỏ ra thay vì đi mua máy của một hãng khác. Những điểm khác biệt đó không nhất thiết phải đến từ phần mềm, nó có thể là thiết kế bên ngoài, chất liệu chế tạo sản phẩm, những khả năng phụ trội thêm, và không thể không kể đến sự quan trọng của chiếc camera trên các thiết bị di động ngày nay.

Tất nhiên, nếu có thêm sự khác biệt trong phần mềm thì càng tốt. Tuy nhiên, các hãng cần đảm bảo rằng việc bổ sung những thứ đó không làm ảnh hưởng đến việc cập nhật hệ điều hành, cũng không khiến máy bị chậm đi và mọi thứ trở nên rối bời. Một trong những cách khả thi đó là đưa các phần mềm bổ sung đó thành các app riêng lẻ. Hiện Samsung, HTC, Sony và cả LG cũng đã bắt đầu chuyển hướng tách các dịch vụ của họ thành app và cho phép người dùng xóa đi nếu không muốn xài.

Chúng ta hãy chờ xem sau Motorola và Sony thì các công ty khác sẽ tiếp tục "quay về cội nguồn" như thế nào nhé.

Tham khảo: PocketNow
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mình thích gốc, còn bạn?
xtmg1
CAO CẤP
9 năm
Mình chỉ thích android 5.x gốc thôi, 4.x thì...... u ám thấy bà.
Mà trong các hãng thì mình thích cách làm rom của sony nhất vì nó gần giống với android gốc nhất, chỉ có cái launcher là khác.
xtmg1
CAO CẤP
9 năm
Mình chỉ thích android 5.x gốc thôi, 4.x thì...... u ám thấy bà.
Mà trong các hãng thì mình thích cách làm rom của sony nhất vì nó gần giống với android gốc nhất, chỉ có cái launcher là khác.
E thích Android gốc, càng tự nhiên càng đơn giản càng đẹp càng nhẹ, lại mau được update và còn hỗ trợ lâu dài.
Android nên để 1 giao diện ứng dụng duy nhất như mấy a Tàu tùy biến lại ý. 2 khu vực show apps loạn hết cả lên ý !
Sao room android gốc trên moto x chiếm nhiều dung lượng thế các bạn nhỉ, bộ nhớ 16gb mà chỉ trống có 10,21gb.
và có cách nào tăng dụng lượng bộ nhớ trong không nhỉ.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019