Camera giám sát Reoqoo

Camera giám sát Reoqoo


Màn hình Triluminos của Sony là sản phẩm tiêu dùng đầu tiên sử dụng chấm lượng tử

Duy Luân
16/1/2013 10:44Phản hồi: 174
Màn hình Triluminos của Sony là sản phẩm tiêu dùng đầu tiên sử dụng chấm lượng tử
DSC_9902.jpg
Màn hình LED Triluminos của Sony ở phía bên phải cho màu sắc tốt hơn hẳn so với màn hình LED bình thường nằm bên trái

Tại triển lãm CES 2013 vừa mới diễn ra, Sony đã trình diễn một số thiết bị sử dụng màn hình Triluminos và đây chính là các sản phẩm tiêu dùng đầu tiên sử dụng chấm lượng tử (quantum dot). Công nghệ bán dẫn này cho phép sử dụng các tinh thể nano ở kích thước cực kì nhỏ (khoảng 10nm), nhỏ tới mức chúng có được các tính chất của hạt lượng tử và chỉ phát xạ ánh sáng ở một bước sóng nhất định. Kết quả là chúng ta có được những hình ảnh với gam màu (dải màu sắc mà màn hình có thể tái tạo) cao hơn bình thường khoảng 50%. Sony đã tuyên bố rằng hãng sẽ áp dụng Triluminos cho các TV thế hệ mới cũng như những màn hình dành cho thiết bị di động.

Các màn hình LCD đèn nền LED thông thường sử dụng bóng LED xanh dương cường độ cao được phủ một lớp phốt-pho nhằm tạo ánh sáng trắng. Ánh sáng sau đó sẽ đi qua một bộ lọc với ba màu cơ bản là đỏ, xanh dương, xanh lá. Tuy nhiên, thành phần này có tính lọc lựa không cao, ví dụ như filter màu đỏ vẫn cho phép một ít ánh sáng cam đi qua. Khi màu đỏ và xanh không thuần khiết được trộn lại, chúng cho ra hình ảnh với màu trông có vẻ nhợt nhạt. Đây cũng chính là điểm hạn chế của các màn hình LCD so với màn hình CRT trước đây.

Trong khi đó, công nghệ Triluminos của Sony dùng các bóng LED không có lớp phủ đặt trong một ống thủy tinh với đầy các chấm lượng tử đỏ và xanh lá cung cấp bởi công ty QD Vision (có trụ sở tại Massachussetts, Hoa Kì). Hai loại chấm này sẽ hấp thụ một phần ánh sáng xanh dương từ đèn nền rồi phát xạ thành màu đỏ và xanh lá thuần khiết. Với phương pháp này, ánh sáng đi qua bộ lọc đỏ sẽ mang đúng màu đỏ, tương tự như thế cho các màu còn lại. Kết quả là chúng ta có được mức độ tái tạo màu chính xác hơn, hình ảnh đẹp hơn so với việc dùng đèn LED tráng phốt-pho.

Theo trang MIT Technology Review, ý định ban đầu của Sony là dùng các chấm lượng tử để tạo ra những pixel trên màn hình. Chúng sẽ phát sáng nhờ vào dòng điện được áp vào thông qua transitor. Mặc dù QD Vision đã phát triển được nguyên mẫu của loại màn hình này nhưng trong thực tế thì rất khó để sản xuất ở kích thước lớn, chính vì vậy mà hai công ty mới chuyển sang sử dụng chấm lượng tử ở đèn nền. QD Vision hứa hẹn sản phẩm của mình có thể cung cấp màu sắc giống như màn hình CRT loại tốt và đạt gần đến mức của màn hình OLED.

Đồng sáng lập và cũng là CTO của QD Vision, ông Seth Coe-Sullivan, cho biết một trong những hạn chế của chấm lượng tử đó là chúng rất nhạy cảm với nhiệt độ. Ví dụ, khi bóng LED trong các màn hình LCD hoạt động, nhiệt độ quanh chúng có thể tăng lên đến khoảng 100 độ C nên sẽ làm giảm hiệu năng và độ sáng của chấm (riêng độ sáng có thể bị hao hụt đi tối đa 50%). Coe-Sullivan tiết lộ công ty ông đã dành nhiều thời gian tinh chỉnh lại các hóa chất của chấm lượng tử để khiến cho chúng trở nên ổn định hơn ở nhiệt độ cao.

triluminos.jpg
Sony dùng số lượng bút chì màu để so sánh khả năng tái tạo màu sắc của màn hình thường và màn hình Triluminos

Xem thêm:
174 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

xui cho bác,tại nhà ổng có 1 cái sony rồi,về ổng so sánh 2 cái,thấy nó nét hơn thật,đổi ngay tắp lự mà 😁
qwerty87
TÍCH CỰC
10 năm
Không thấy thông tin màn hình này có IPS, LG trùm về IPS, cho màu sắc chân thực nhất trên LCD, còn AMOLED của SS thua về độ chân thực màu sắc, nhưng lại sống động hơn, nịnh mắt hơn, do độ trong của nó AMOLED thường tốt hơn. Độ trong suốt AMOLED phải nói ngang với CRT Trinitron của Sony. LG cũng là nhà cung cấp panel chính cho Dell UltraSharp.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019